Chúng tôi đến Thụy Hương đúng vào thời điểm bà con đang thu hoạch rộ lúa vụ mùa. Nông dân rất phấn khởi vì lúa bội thu, giá cao...
|
Dự án trồng hoa ở Thụy Hương đã bắt đầu phát huy hiệu quả. |
Bứt phá từ điểm xuất phát thấp
Ông Mạc Đình Được- Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Hương cho biết: “Xã chúng tôi có tiềm năng về canh tác nông nghiệp với tỷ lệ đất màu chiếm tới 40%. Tuy có thuận lợi để hình thành vùng sản xuất thâm canh cho năng suất, chất lượng nông sản cao, song khi bắt tay xây dựng NTM, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của xã vẫn chưa hình thành được quy hoạch; sản xuất vẫn ở thế độc canh, khai thác tiềm năng đất đai, lao động còn hạn chế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi còn chậm...”.
Thụy Hương còn có một khó khăn nữa là hệ thống giao thông liên xã, đường trục thôn, xóm, đường điện, trường học, trạm y tế, hệ thống thủy lợi cũng chưa hoàn thiện.
Theo Đề án xây dựng NTM đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt (Quyết định 4721), Thụy Hương sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, riêng dự án rau an toàn chiếm 79,5ha, dự án cây ăn quả 15ha, dự án trồng hoa 10ha và dự án chăn nuôi xa khu dân cư 15,6ha.
“Từ điểm xuất phát là chỉ có duy nhất 1 tiêu chí đạt chuẩn NTM năm 2009, đến tháng 10.2011, chúng tôi đã có 15/19 tiêu chí cơ bản đạt từ 85-100%” - ông Ngô Văn Tám- Bí thư Đảng ủy xã Thụy Hương phấn khởi cho biết. Một số tiêu chí quan trọng mà Thụy Hương đã cán đích như: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở văn hóa, chợ nông thôn, giao dục... Còn 4 tiêu chí đã đạt ở mức gần 85% gồm tỷ lệ thôn đạt danh hiệu văn hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người.
Sớm giải quyết các vướng mắc
Theo ông Nguyễn Đức Học- Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban Quản lý xây dựng thí điểm mô hình NTM xã Thụy Hương, những thành quả bước đầu trong quá trình xây dựng NTM đã góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc. Tuy nhiên, quá trình này hiện cũng gặp không ít vướng mắc, khó khăn.
“Đây là mô hình mới triển khai tổ chức thực hiện trong thời gian ngắn, năng lực trình độ và sự tiếp thu của đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế, triển khai thực hiện lúng túng. Hơn nữa, việc thực hiện cơ chế đặc thù khai thác nguồn vốn để xây dựng NTM còn chậm đối với đề án xử lý đất xen kẹt đấu giá nên đến nay chưa tổ chức đấu giá được” - ông Học cho biết thêm.
Hiện ở Thụy Hương, việc triển khai các dự án phát triển sản xuất còn gặp không ít khó khăn, tiến độ chậm, chưa tạo bước chuyển dịch về tỷ lệ, cơ cấu và tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Theo Ban Quản lý xây dựng mô hình NTM Thụy Hương, dự kiến bình quân thu nhập của người nông dân trong xã sẽ tăng từ 19 triệu đồng ở năm 2010 lên 20,5 triệu đồng/người trong năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,4% năm 2010 xuống dưới 4%.
Về vấn đề này, ông Đào Duy Tâm- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: “Việc nâng cao thu nhập cho người nông dân đòi hỏi một quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tổ chức sản xuất thật hợp lý, cần xây dựng được những chuỗi nông sản liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu rủi ro”.
Vì thế, theo ông Tâm: “Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo vùng sản xuất tập trung... cần có những động thái khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này”.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.