Một phần căn nhà của bà Lê Thị Tám bị đập bỏ tường vì sợ sạt lở cuốn nhà trôi xuống sông. (Ảnh: Hữu Ký)
Hiện nay bờ sông Kinh Lộ đã ăn sâu vào sát mép nhà bà, tạo thành hàm ếch có khả năng gây sạt lở bất cứ lúc nào, mà không còn đất để dời, thậm chí năm 2014 nhà bà còn phải đập bỏ một phần phía sau để không sập xuống sông. Cũng theo bà Tám, năm 2014 khu vực sạt lở này, nhà bà được huyện hỗ trợ tiền thuê nhà trọ 3 tháng, nhưng sau đó không còn khoản này nữa, lại đang túng thiếu nên bà lại dọn về sống ở nhà cũ bất chấp nguy hiểm.
Còn ông Phạm Văn Hai, ở cách nhà bà Tám hơn 100m, cho biết đang lo không có đường đi, khi con đường sát bờ sông Kinh Lộ ngày càng bị nước khoét sâu vào trong. Đáng ngại hơn, khu vực này còn có bãi tập kết sửa chữa sà lan, mỗi lần sà lan hoạt động thì đất, nhà cửa ở gần rung lên bần bật. “Ở đây là khu vực sạt lở, các sà lan neo nặng trì xuống, chân vịt đập làm sóng đánh ầm ầm vào bờ. Nhà cách bờ hàng chục mét còn rung thì bờ sông nào chịu nổi”-ông Hai nói.
Theo Sở Giao thông- Vận tải TP.HCM, thành phố có 44 vị trí có nguy cơ sạt lở cao, trong đó có nhiều vị trí đặc biệt nguy hiểm như: Một số khu vực sạt lở ven sông Sài Gòn (thuộc huyện Củ Chi, quận Thủ Đức), khu vực Giồng Ông Tố (quận 2), bờ kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh)… Một số nhà khoa học cho rằng với các vị trí sạt lở nghiêm trọng, thành phố cần xây dựng ngay các công trình để bảo vệ các khu dân cư. Riêng các khu vực sạt lở ít nghiêm trọng, thành phố nên nghiên cứu trồng cây xanh bảo vệ bờ.
Tiến sĩ Kiều Tuấn Đạt- Phó Viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Bộ cho rằng, có nhiều loại cây phù hợp để trồng bảo vệ bờ sông ở TP.HCM. Chẳng hạn như cây mù u (trồng đai trên bờ), dừa nước, bần chua, mái dầm (trồng đai dưới nước). Giải pháp trồng cây bảo vệ bờ nếu được thực hiện nhân rộng tại thành phố sẽ mang lại hiệu quả tốt vì vừa ít chi phí, vừa tạo cảnh quan vên sông rạch, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.