Ở độ tuổi này, đối với Thủy Tiên điều gì là quan trọng nhất?
- Nói nghe có vẻ sách vở nhưng thực sự bây giờ tôi nhận ra hạnh phúc là quan trọng nhất với mình chứ không phải là tiền bạc hay danh vọng. Quan trọng là mình sống mà cảm thấy thoải mái nhất.
Có phải do Thủy Tiên nhiều tiền, nổi tiếng rồi nên mới nghĩ thế?
- Không phải như vậy, mà bởi vì tôi đã trải qua quá nhiều thứ và nhận ra rằng tiền bạc chỉ là phương tiện thôi. Có những thứ không thể mua bằng tiền được, như hạnh phúc, tình cảm gia đình và nhiều thứ lắm.
Với tôi, hạnh phúc không chỉ là tình yêu, sự quan tâm của gia đình mà còn là cả sự ủng hộ của khán giả nữa. Đó là những điều do sự nỗ lực của bản thân cộng với sự may mắn mà tôi đã đạt được trong cuộc sống. Nhiều việc tôi làm không phải vì tiền mà bởi vì sự đam mê công việc và đam mê chinh phục.
Chị thấy bản thân mình có điểm gì khác biệt so với thế hệ cha mẹ mình?
- Tôi bị “nhiễm” tính của người lớn bởi vì bố mẹ tôi giáo dục theo lối: phụ nữ thì phải thế này, thế kia.
Ví dụ: trong chuyện yêu đương thì không được cọc đi tìm trâu, mình không được chủ động mà phải để đàn ông chủ động trước, như thế mới là có tự trọng. Phụ nữ phải biết lo vun vén cho gia đình, phải nết na thùy mị.
Bên cạnh đó, tôi vẫn có sự đam mê, độc lập, tự chủ nhận ra và trải nghiệm với những đam mê của mình chứ không phụ thuộc quá vào tình cảm gia đình. Đó là những điều mà chắc chắn ở thế hệ cha mẹ tôi không làm được, bởi họ đã quen nếp “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”.
Vậy chắc là thường xảy ra xung đột?
- Có chứ! Bắt đầu từ khi học cấp III, đang tuổi dậy thì, tôi đã có những suy nghĩ rất khác, thậm chí trái ngược với bố mẹ. Tôi thích đi ra ngoài khám phá cuộc sống, thử sức của mình nhưng bố mẹ chỉ muốn con gái lớn lên, ngoan ngoãn học hành, rồi ở nhà lấy chồng, sinh con.
Tôi đã lên Sài Gòn, một nơi mà tôi chưa biết gì về nó, không có bà con, họ hàng thân thuộc, không có gì hết. Tôi đã lăn lộn vào cuộc sống, thực hiện những ước mơ, trải nghiệm những niềm đam mê của mình. Tôi là con duy nhất trong nhà nên mẹ tôi không bằng lòng về chuyện đó. Mẹ không muốn tôi phải cực khổ mà muốn tôi ở nhà có người cơm bưng nước rót, hầu hạ, giặt giũ.
Thấy tôi lên Sài Gòn ở thuê trong một cái phòng nhỏ xíu, nằm sâu trong con hẻm ở một khu ổ chuột, ra vào còn có khi bị lạc, mẹ khóc và cứ gọi tôi về. Đến giờ, đó là một chặng đường rất dài, tôi cũng thành công nên mẹ cũng rất vui và vẫn luôn có lời động viên con gái.
Chị cố chứng minh cho mẹ thấy rằng việc mình lên Sài Gòn là đúng?
- Thực sự tôi chẳng chứng minh gì mà chỉ cố gắng làm việc theo đam mê của mình thôi. Tôi nghĩ kết quả nó sẽ trả lời tất cả. Giờ mẹ không nhắc lại chuyện cũ, nhưng tôi biết mẹ tự hào về mình lắm.
Hiện nay chị đang sợ nhất điều gì?
- Con người thì thường hay tham lam và thường chỉ nhận ra điều gì đó là đáng quý khi nó mất đi. Vậy nên tôi sợ mất đi những thứ mình đang có. Là nghệ sĩ nên nhiều khi tôi cũng không kiểm soát được cảm xúc, có thể dẫn đến gây đổ vỡ những thứ mình đã bỏ công sức tạo dựng bao lâu nay và khó mà có lại được.
Chị có thường đối diện với nỗi sợ đó?
- Tôi đã từng đối diện, không chỉ là trong công việc mà cả trong tình cảm nữa. Chỉ có gia đình là không thể mất đi được cho dù mình làm thế nào, còn mọi thứ khác đều có thể.
Khi đó chị làm gì?
- (Cười) nói chung là phải tỉnh nhanh chứ. Cuộc sống mình phải biết đâu là điểm dừng và giới hạn của nó để giữ thứ mình đang có. Nếu lỡ có xảy ra thì mình phải cố làm cách nào đó để nó không đổ vỡ và lần sau không được tái phạm.
Nếu có người thắc mắc chị lấy tiền đâu để mua biệt thự, xe sang thì chị trả lời sao?
- Tôi nghĩ cũng không có nhiều người thắc mắc đâu vì bản thân công việc của tôi cũng đủ giúp tôi trang trải. (cười)
Nhưng nếu họ thắc mắc rằng chị có nhiều tiền sao không dành làm từ thiện thay vì xài sang?
- Tôi vẫn đi làm từ thiện thường mà. Đối với tôi, mua sắm vật chất cho bản thân, cho gia đình là một quy luật bình thường, ai cũng vậy chứ không phải riêng tôi, tức là tự tạo tài sản của mình để phòng khi mình không còn làm việc được nữa.
Còn việc mua đồ hiệu tôi lại rất tiết chế. Cuộc sống này còn quá nhiều người khó khăn, nếu mình hoang phí quá vào những thứ xa xỉ thì không nên. Nếu dư dả tôi sẽ dùng vào mục đích khác, như tái đầu tư để sinh thêm của cải.
Xin hỏi khi có ai xin tiền chị có cho họ ngay?
- Tôi còn phải suy xét nữa. Nếu cảm thấy họ xứng đáng thì sẽ cho. Nếu cảm nhận người xin không thật lòng, không có mục đích rõ ràng thì tôi không cho. Không phải là tôi keo kiệt, nhưng đồng tiền làm ra là mồ hôi công sức của mình, rất khó mới có được nên nó rất quý. Nhưng đôi khi thấy người xin gầy ốm, rách rưới, khổ quá, có bao nhiêu trong túi tôi lấy ra cho hết, mặc dù không biết họ dùng tiền đó làm gì.
Xin cảm ơn chị về buổi trò chuyện ngày hôm nay
Theo VnMedia
Vui lòng nhập nội dung bình luận.