Thuyên chuyển lãnh đạo hay "bỏ sâu từ cây này sang cây khác"?

Thứ hai, ngày 08/10/2012 19:50 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau 5 tháng sau khi bị kỷ luật Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, ông Lữ Ngọc Cư đã được thuyên chuyển sang để "mang ghế" sang ngồi tại Ban chỉ đạo Tây Nguyên.
Bình luận 0

Khuyết điểm, sai phạm của vị “quan” đầu tỉnh này liên quan đến những dự án trồng rừng, đến việc nâng cấp chỉnh trang đô thị, đến một số nguồn tiền tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước, rồi cả việc bổ nhiệm cán bộ...

Những khuyết điểm của ông Cư, so với đánh giá của Nghị quyết 4 "chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc", có lẽ, cũng chẳng còn thiếu thứ gì. Đây cũng là những khuyết điểm, vi phạm được Ủy ban Kiểm tra T.Ư đánh giá là "Nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế và gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng...".

Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng bình luận về những khuyết điểm của vị “quan” đầu tỉnh Lữ Ngọc Cư như sau: "Đó là những sự vụ lợi mà thực ra những điều này thì ngay một học sinh phổ thông cũng nhận biết được đó là việc xấu". Nhưng ông Cư có phải là một trong "bộ phận không nhỏ"? Và khi đã phát hiện sai phạm thì liệu điều chuyển "một trong bộ phận không nhỏ" từ cơ quan này sang cơ quan khác có phải là hình thức "xử lý"? Đây là câu hỏi đã được đặt ra ngay sau khi có quyết định "chuyển" đối với ông Cư.

Tháng 5 năm ngoái, khi tiếp xúc cử tri quận 1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định với cử tri sẽ rà soát, để thay đổi, tất cả các khâu, thể chế, tổ chức , con người nào chưa đáp ứng được mục tiêu đẩy lùi tham nhũng, lãng phí: "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là "chết" cái đất nước này".

Phát hiện ra được một "con sâu" là việc khó, rất khó. Nhưng ngay cả khi đã phát hiện được thì việc xử lý thế nào để người dân tin tưởng vào sự nghiêm minh, có lẽ, cũng chẳng dễ dàng. Bởi việc thuyên chuyển đối với những cá nhân đã sai phạm rành rành và nghiêm trọng đến như vậy, có khác gì bỏ con sâu từ cái cây này sang cái cây khác.

Thời phong kiến có câu "Hình bất thượng đại phu", tức hình luật chẳng bao giờ phạm được tới quan quyền. Không lẽ câu đó đúng cả ngay trong một xã hội thượng tôn pháp luật?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem