Để phát triển nền nông nghiệp theo hướng hàng hoá, quy mô lớn, việc phá bỏ hạn điền, tích tụ ruộng đất là yêu cầu cấp thiết của cuộc sống. Thực tế ở ĐBSCL và một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, xu thế này đã và đang bắt đầu diễn ra.
|
Việc tích tụ đất cần phải được kiểm soát, nếu không rất nhiều nông dân dễ mất tư liệu sản xuất. Ảnh minh họa, chụp tại Từ Liêm, Hà Nội. |
Tuy nhiên, về mặt pháp lý, việc tích tụ ở mức độ nào thì hợp lý, tránh tình trạng người sở hữu quá nhiều đất, người không còn đất để sản xuất là một câu hỏi lớn. Để làm rõ điều này, NTNN đã phỏng vấn một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia về nông nghiệp, nông thôn.
Ông Danh Út - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang: Nên lường hết các hậu quả
Thưa ông, tích tụ ruộng đất đang diễn ra khá mạnh ở nhiều vùng nông thôn. Ông có ủng hộ xu hướng này?
|
Ông Danh Út |
- Hiện nay, hạn mức giao đất nông nghiệp tối đa là 3ha/hộ. Với diện tích này, các hộ nông dân chỉ làm đủ ăn chứ không thể giàu được.
Đầu năm 2011, tiêu chí hộ nghèo nâng từ mức thu nhập 200.000 đồng/người/tháng lên 400.000 đồng/người/tháng thì hầu hết nông dân sẽ có thu nhập dưới ngưỡng nghèo.
Vì thế, việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp và phá thế độc canh cây lúa, đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp là những việc làm cần thiết.
Về việc việc mở rộng diện tích hạn điền, theo tôi, sắp tới khi sửa đổi Luật Đất đai, nên quy định ở địa phương nào còn đất thì nên mở rộng hạn mức cấp đất cho hộ nông dân lên trên 3ha.
Còn ở khu vực không còn đất sản xuất nông nghiệp để cấp thêm, đang diễn ra hai xu hướng tích tụ là các hộ gia đình mua đất của nhau hoặc doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp để sản xuất. Hiện nay, các hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất trên diện tích 10 - 20ha, thậm chí là hơn, họ làm ăn rất hiệu quả.
Nếu không kiểm soát được việc chuyển nhượng đất nông nghiệp, chưa nói việc hỗ trợ nông dân mất đất khó khăn, còn dẫn đến nhiều hậu quả xã hội khó lường.
Ông Danh Út
Việc mua bán, tích tụ đất nông nghiệp sẽ hình thành một số lượng lớn nông dân không còn đất sản xuất nông nghiệp. Theo ông, điều này có thể sẽ dẫn đến hậu quả gì?
- Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, thực chất là bán đất nông nghiệp đúng là quyền của nông dân. Nhưng thực tế, khi mua bán đất nông nghiệp rất ít người làm thủ tục sang tên, nên rất khó để nắm rõ thực trạng đang xảy ra ở mức nào.
Theo tôi, đây là hiện tượng rất phổ biến. Đa số nông dân đã bán xong đất thì trắng tay, phải đi làm thuê rất vất vả. Nếu Nhà nước không tính toán đến việc này, can thiệp bằng các chính sách cụ thể sẽ tạo ra hậu quả xã hội rất nguy hiểm.
Chưa nói đến việc hỗ trợ nông dân mất đất, chỉ riêng việc giải quyết về mặt pháp lý đối với những hợp đồng mua đất không làm các thủ tục chuyển nhượng ở chính quyền đã là một việc khó khăn, dễ xảy ra khiếu kiện.
Thưa ông, việc chuyển nhượng không rõ ràng như vậy sẽ làm cho các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, như chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp không đến được với tất cả nông dân?
- Đúng vậy, việc miễn giảm thuế đất nông nghiệp áp dụng cho tất cả nông dân có đất được giao trong hạn mức hoặc vượt một phần hạn mức. Nếu việc chuyển nhượng đất nông nghiệp không được khai báo thì số tiền thuế của người bán đất đương nhiên thuộc về người đã mua đất. Như vậy, chính sách miễn giảm thuế đất nông nghiệp không đến đúng địa chỉ.
Hiện có nhiều doanh nghiệp thuê đất của nông dân để sản xuất; nông dân vẫn được giữ "sổ đỏ" và có thể làm thuê cho chính doanh nghiệp đó. Ông đánh giá thế nào về cách làm này?
- Theo tôi, nếu doanh nghiệp có điều kiện, quyết tâm làm ăn thì họ có thể thuê đất để sản xuất. Còn nông dân trong khi chưa có điều kiện để sản xuất lớn họ có thể cho thuê đất và làm thuê cho doanh nghiệp. Ở Nam bộ, không gọi là thuê mà gọi là "cố đất". Việc cố đất cũng đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Cùng với việc phá bỏ hạn điền, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần thay đổi giới hạn thời gian sử dụng đất?
- Theo tôi không nên chia lại đất nông nghiệp nữa và thực tế việc lấy ruộng của người này chia cho người khác hiện rất khó thực hiện. Tuy nhiên, việc đặt ra hạn định thời gian sử dụng đất vẫn cần thiết. Hiện nay, thời hạn cho đất nông nghiệp là 20 năm, thời gian này cũng đã dài nhưng cũng có thể kéo dài thêm.
Việc đặt ra hạn định thời gian là để Nhà nước quản lý trong trường hợp người nông dân sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật. Còn sau 20 năm, nếu nông dân làm đúng pháp luật, Nhà nước nên tiếp tục giao đất cho họ sản xuất.
Xin cảm ơn ông!
Sỹ Lực (thực hiện)
Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long: Chỉ cần để thuê đất
Mô hình trang trại đang rất phát triển, nhưng khi thực hiện buộc người ta phải đi mua đất của người khác, vì các trang trại thường rộng lớn hơn hạn mức đất được cấp. Mô hình nữa là doanh nghiệp nông nghiệp cũng phải tích tụ bằng cách mua đất của nông dân.
Thực trạng tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa hiện nay đã làm cho nhiều hộ nông dân mất đất, trắng tay.
Vì vậy, một chính sách cần thiết lúc này là làm sao để nông dân vẫn còn quyền sở hữu ruộng đất mà vẫn tổ chức được sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp hàng hoá.
Theo tôi, giải pháp cho vấn đề này là để nông dân thuê đất chứ không bán đất. Ở một số địa phương, hiện nay cũng đang thí điểm mô hình doanh nghiệp thuê đất của dân rất thành công. Doanh nghiệp có quy mô sản xuất 30-50ha, trong đó mỗi hộ nông dân góp hàng trăm mét đất; sổ đỏ nông dân vẫn giữ.
Doanh nghiệp đầu tư xây dựng kênh mương, cây giống và tổ chức sản xuất, nông dân là công nhân trên chính thửa ruộng của mình. Vậy nông dân vẫn còn sổ đỏ, có thu nhập, có công việc; doanh nghiệp có diện tích lớn sẽ sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Khi doanh nghiệp đã kinh doanh có hiệu quả, nông dân cũng ít có khả năng đòi lại đất vì khi cho thuê có hợp đồng, quy định thời hạn. Thứ nữa, hàng hoá nông sản bán một lần phải có hàng chục tấn; với diện tích nhỏ, một nông dân, một hộ gia đình sẽ không bán được. Nông dân phải dựa vào doanh nghiệp mới có thu nhập cao được.
Nếu cho thuê đất, họ cũng có thể đi làm xa; lỡ gặp rủi ro thì khi trở về quê họ vẫn còn tài sản là ruộng đất để sản xuất, làm ăn.
Ông Nguyễn Đăng Vang - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:
Không nên tích tụ về sở hữu
Trong một số báo cáo của Đảng và Nhà nước, kể cả của Chính phủ có đề cập vấn đề tích tụ đất đai, nhưng hiện nay người ta hiểu tích tụ đất đai là đất sử dụng của người này chuyển cho người khác. Ở đồng bằng, mỗi hộ nông dân trung bình sở hữu 1ha đất nông nghiệp, nếu một hộ có 3ha thì các hộ khác sẽ không có đất đai, người này sẽ đi làm thuê cho người kia.
Vùng miền núi có khoảng 14 - 16 triệu ha đất, mỗi hộ trung bình khoảng 3 ha, nếu chúng ta cho phép chuyển sở hữu lên 50ha/hộ thì một hộ nào đó có 50ha cũng đồng nghĩa với việc có 17 hộ không có đất đai. Chính vì vậy, sự giàu nghèo sẽ doãng ra, cần thận trọng.
Vấn đề tích tụ đất đai là hết sức tế nhị. Ở Đài Loan, người ta mua đất của địa chủ để chia cho hộ nông dân mượn và tích tụ bằng công nghệ, tích tụ bằng chế biến, bằng thu mua để thành hàng hóa lớn. Không có tích tụ về sở hữu.
Năm 1955, 1956, chúng ta có đất đai chia cho nông dân, cho người cày có ruộng và tạo nên sự hưng phấn mới trong sản xuất. Tôi cho rằng, đây là mô hình cần phải nghiên cứu để có thể đưa vào tiếp tục ứng dụng; không nên tích tụ đất đai theo hình thức quyền sở hữu như đang diễn ra hiện nay.
Bảo An (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.