Tiền Giang: Cho mít Thái ở chung với ổi lê Đài Loan, tiền gấp đôi

Hải Vân (Cổng TTĐT Tiền Giang) Chủ nhật, ngày 27/10/2019 19:05 PM (GMT+7)
Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn xã Mỹ Phước Tây (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mô hình phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong số đó có nông dân Trần Văn Trực (sinh năm 1968), ngụ ấp Rạch Trắc, xã Mỹ Phước Tây với mô hình trồng chuyên canh cây mít Thái siêu sớm.
Bình luận 0

Ông Trực cho biết, gia đình ông trước đây chủ yếu làm ruộng, năm 2014, tình cờ biết được mô hình trồng mít Thái siêu sớm của một người bạn ở xã Long Khánh mang lại hiệu quả kinh tế khá, ông đã mạnh dạn mua cây mít về trồng thử nghiệm trên diện tích gần 1 công đất gần nhà.

Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", ông trồng xen gần 50 cây ổi Đài Loan vào vườn mít Thái siêu sớm. Sau gần 2 năm chăm sóc, cây mít và ổi Đài Loan phát triển tốt và đã cho trái.

img

Ông Trần Văn Trực đang cắt tỉa và chọn trái mít Thái siêu sớm.

Theo ông, cây mít Thái siêu sớm là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, giá bán ổn định, năng suất cao, cho trái quanh năm nên cuộc sống gia đình khá giả hơn. Đối với cây mít, Thái siêu sớm khi cây lớn bắt đầu cho trái thì ông tỉa cành, tỉa trái, tùy vào từng cây mà để số lượng trái ít hay nhiều, đồng thời phun xịt thuốc trừ sâu bệnh và bón phân cân đối để trái mau lớn.

Hàng tuần, thương lái đến tận nhà ông Trực mua mít, mỗi lần cắt vài trăm ký, giá bán tương đối ổn định. Năm 2018, với gần 100 gốc mít đang cho thu hoạch, giá bán dao động từ 20.000 - 65.000 đồng/kg, thu nhập bình quân từ cây mít của gia đình ông Trực trên 100 triệu đồng.

Còn đối với cây ổi Đài Loan, giá bán bình quân 8.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày ông cắt bán 8kg, cũng đủ tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày. Nhận thấy cây mít Thái siêu sớm là loại trái cây được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định nên ông Trực mạnh dạn chuyển 5 công đất ruộng sang trồng loại cây ăn trái này.

Hiện tại, với 5 công đất lên liếp trồng mít, ông dự kiến sẽ trồng trên 600 gốc mít Thái siêu sớm. Bên cạnh đó, ông cũng duy trì 3,6 công đất trồng lúa, hiện vụ lúa Hè thu sớm đang chuẩn bị cho thu hoạch. Ông Trực chia sẻ: "Để mít Thái siêu sớm bán có giá trước tiên phải tỉa và chọn để trái có gai đều, dài, suông, cách gốc cây  từ 7 - 8 tấc thì sau này trái mới to và nặng ký".

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Trực còn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào ở địa phương và nuôi dạy hai con ăn học. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia phong trào Hội Nông dân để chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa, trồng mít với hội viên nông dân trên địa bàn. Nhiều năm liền ông được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp thị xã, cấp xã.

Ông Nguyễn Minh Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phước Tây cho biết: "Mô hình trồng mít của ông Trực là một mô hình điển hình, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình".

Có thể nói, cây mít Thái siêu sớm đang là loại cây trồng phổ biến, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, người nông dân cũng cần xem xét, cân nhắc, tìm hiểu kỹ thị trường, tránh tình trạng trồng ồ ạt với diện tích lớn để không phải tiếp diễn điệp khúc được mùa, rớt giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem