Tiền Giang: Mầm dịch bệnh ở vùng trồng thanh long

Thứ bảy, ngày 15/09/2012 08:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để trồng thanh long đạt hiệu quả, chi phí thấp, nhiều nhà vườn ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) sử dụng phân gia cầm tươi thay thế phân hóa học bón cho cây. Việc làm này đã khiến nguy cơ dịch bệnh ở đây bùng phát...
Bình luận 0

Giảm độ “sạch” của trái

Mấy ngày nay, mưa dầm kèo dài làm tăng thêm mùi hôi thối từ phân gà mà nhà vườn sử dụng bón cho vườn thanh long, khiến nhiều hộ dân ở ấp Tân Bình B 2, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo mất ăn, mất ngủ… Nhiều bà con phản ánh, lượng phân gà mà nhà vườn bón vào gốc cây thanh long chưa phân hủy bị ruồi nhặng đeo bám khắp nơi.

img
Dùng phân gà tươi bón cho thanh long gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo khảo sát của chúng tôi, đa số các nhà vườn đều không xử lý phân gia cầm. Nếu không có biện pháp ngăn chặn tình trạng này sẽ kéo theo những hậu quả nặng nề về sức khỏe người dân và làm mất thương hiệu trái thanh long thương phẩm. Được biết, trên địa bàn huyện Chợ Gạo hiện có gần 3.000ha cây thanh long. Khi nhiều nhà vườn sử dụng phân gà tươi để bón cho cây, cây rất tươi tốt, cho năng suất cao hơn so với các loại phân khác.

Tại khu vực này, có nhiều thương lái còn vận chuyển phân gia cầm từ các tỉnh miền Đông về dự trữ tái chế khiến tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn. Theo đánh giá, việc các nhà vườn sử dụng phân gia cầm tươi bón vào gốc thanh long, tuy làm cho cây tươi tốt, nhưng lại làm cho trái cây này không đạt tiêu chuẩn về an toàn sinh học, giảm tính cạnh tranh, khó xuất khẩu ra các thị trường khó tính.

Gieo mầm bệnh

Bà Châu Kim Thúy, nhà vườn xã Quơn Long cho biết: “Việc xử lý cho phân gia cầm không khó và ít tốn kém, nhưng nhiều nhà vườn không thực hiện. Nhà vườn chỉ cần sử dụng chế phẩm Tricodelma (do Trường Đại học Cần Thơ sản xuất) phun vào khử mùi, sau đó trộn với tro trấu hay mụn dừa để 2-3 tháng cho phân hoai mục thì không còn ô nhiễm nữa”.

“Qua nghiên cứu, tôi thấy những vườn thanh long sử dụng phân tươi thì cây thường hay bị nấm đồng tiền, bệnh thán thư, thối cành do vi khuẩn từ phân bám vào”.

Ông Huỳnh Hồng Ửng- Chủ nhiệm Hợp tác xã Thanh Long, xã Quơn Long (huyện Chợ Gạo) cho biết: “Theo tôi, không nên bón phân gia cầm tươi cho cây trồng, nhất là cây thanh long. Qua nghiên cứu, tôi thấy những vườn thanh long sử dụng phân tươi thì cây thường hay bị nấm đồng tiền, bệnh thán thư, thối cành do vi khuẩn từ phân bám vào. Hơn nữa, trái thanh long không còn “sạch” để cạnh tranh trên thị trường. Tôi đề nghị nhà vườn nên xử lý, ủ cho phân hoai mục trước khi bón cho cây”.

Ông Nguyễn Văn Nhỏ - Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Bình thừa nhận: “Thời gian qua, địa phương chỉ tuyên truyền nhắc nhở người dân phải xử lý phân trước khi bón chứ chưa có biện pháp xử phạt nào đối với người dân. Sắp tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo cho các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân khắc phục vấn đề này”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem