Chung sức làm đường giao thông nông thôn
Trở lại xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch vào những ngày này, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống no ấm của người dân hiện hữu trong từng nếp nhà.
Dẫn chúng tôi đi trên những con đường nhựa, bê tông rộng rãi, qua các cánh đồng lúa đang thì con gái, qua những xóm làng có nhiều nhà cao tầng san sát, những biệt thự vườn hiện đại..., ông Đào Quang Hà - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Khi xã xây dựng NTM, việc mở rộng đường cho đúng tiêu chuẩn là điều bắt buộc. Trong khi kinh phí địa phương có hạn, xã có địa hình dốc, các tuyến đường giao thông nông thôn thường bị xói mòn về mùa mưa... Vì vậy, việc thực hiện tiêu chí giao thông rất khó”.
Một góc nông thôn mới xã Tiên Lữ (Lập Thạch). Ảnh: Trà Hương
Với phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”, “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, xã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”; phân công từng đồng chí Đảng ủy viên phụ trách từng thôn; hàng tuần, hàng tháng trực tiếp xuống từng thôn, lắng nghe, nắm bắt ý kiến đóng góp của nhân dân, thống nhất đưa ra giải pháp phù hợp với từng thôn để triển khai thực hiện; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia trực tiếp xây dựng một số công trình, phần việc mà người dân có thể đảm đương.
Với cách làm này, giai đoạn 2011- 2016, xã cứng hóa được gần 8km đường trục xã; hơn 8km đường trục thôn, liên thôn; hơn 6km đường ngõ xóm và hơn 5km đường trục chính giao thông nội đồng.
Trong triển khai làm đường giao thông nông thôn, nhiều hộ gia đình hiến đất, góp công sức, tiền của, vật liệu để xây dựng các công trình giao thông, dân sinh, chủ động kinh phí xây dựng lại tường rào, chỉnh trang nhà cửa khang trang.
Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng
"Trong quá trình xây dựng NTM, địa phương cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc nhưng khi được giải thích, vận động, thuyết phục, người dân đều hiểu ra và đồng tình hiến đất, đóng góp sức người, sức của làm các công trình giao thông, văn hóa... Điểm mấu chốt, căn bản, quyết định đó là người dân được tham gia, giám sát và tổ chức thực hiện”.
Ông Đào Quang Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lữ
|
Thời gian qua, xã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Trong sản xuất nông nghiệp, xã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, khoanh 9 vùng nuôi trồng thủy sản theo mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ cá diện tích hơn 100ha; chăn nuôi lợn theo mô hình bán trang trại; tạo điều kiện cho các hộ mở rộng một số ngành nghề như dịch vụ vận tải, nghề mộc, xây dựng...
Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của xã đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,92%.
Thành công trong xây dựng NTM ở xã Tiên Lữ, ngoài việc làm tốt công tác huy động nguồn nội lực trong dân thì công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng. Địa phương tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích, đóng góp trong chương trình xây dựng NTM.
Địa phương tiếp tục duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp sửa chữa các tuyến đường giao thông, các công trình văn hóa; đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân; chỉ đạo HTX dịch vụ môi trường tổ chức phân loại rác giảm bớt áp lực về việc xử lý rác thải, chất thải rắn đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp... Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 43 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,8%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.