Tiến sĩ Trịnh Hoà Bình: Mức độ tự tử ngày càng tăng

Minh Nguyệt (thực hiện) Thứ tư, ngày 24/10/2018 06:10 AM (GMT+7)
TS Trịnh Hoà Bình (ảnh) – Giám đốc Trung tâm Xã hội học Việt Nam trao đổi với phóng viên Báo NTNN về vấn nạn tự tử hiện nay.
Bình luận 0

Gần đây xảy ra nhiều vụ việc tự sát rất thương tâm, thậm chí nhiều người tự sát kéo theo cả vợ, con... Ông suy nghĩ gì về tình trạng đáng lo ngại này?

- Tôi cho rằng đây không phải là hiện tượng bây giờ mới có, mà có từ lâu rồi. Tuy nhiên, rõ ràng giờ đây truyền thông nhắc đến các vụ việc này nhiều hơn. Nhìn ở góc độ khác, rõ ràng thấy thực tế là quy mô, số vụ, mức độ tự tử đúng là có tăng hơn so với trước. 

img

"Chúng ta không nên chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà quên chăm lo trực tiếp đến các vấn đề tâm thần cho người dân. Không chỉ đơn giản tạo điều kiện vui chơi, giải trí mà cần phải có dịch vụ trợ giúp những người khó khăn, rối nhiễu tâm lý, để họ tin cậy tìm đến...”.

TS Trịnh Hoà Bình

Tiến sĩ Trịnh Hoà Bình. 

Khi sự việc diễn ra nhiều hơn thì người ta thường đi tìm nguyên nhân, trong tất cả những nguyên nhân được xem như giả thuyết đó có những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng thật sự theo tôi nguyên nhân chính là do áp lực trong cuộc sống xã hội như: Công ăn việc làm, lương bổng, nợ nần, chăm lo cho con cái...

Thêm vào đó, có một nguyên nhân chủ quan là do các thiết chế xã hội căn bản như luật pháp, đạo đức, hệ thống phúc lợi, các cơ chế trợ giúp, các dịch vụ hỗ trợ về tâm lý... của chúng ta còn thiếu và yếu, đã không thể bảo vệ, giúp đỡ những con người đó vượt qua cơn khủng hoảng tâm lý đến mức họ phải chọn giải pháp tiêu cực nhất.

Theo ông, tại sao có nhiều người lại tự tử chỉ xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, những lý do có khi là “lãng xẹt”?

- Tôi cho rằng không có việc gì là nhỏ, không có việc gì là to. Một mâu thuẫn tâm lý nhỏ nhưng nếu không được tư vấn giải quyết, bị dồn nén rất lâu, rất nhiều thì tới lúc căng thẳng cũng phải bục ra. Phải hiểu rằng, bất kỳ người cha người mẹ nào cũng thương con mình và hầu hết sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình cho cuộc sống của con. Một khi họ muốn cùng chết với con có nghĩa là họ đã hoàn toàn bế tắc.

Tự tử gia tăng kéo theo nhiều hệ lụy, Nhà nước cần phải làm gì để hạn chế tối thiểu tình trạng này?

- Sự gia tăng các trường hợp tự tử kéo theo nhiều người thân phải chết theo không đơn thuần là vấn đề cá nhân mà nó đã trở thành vấn đề của xã hội. Con người không sống đơn độc, mỗi gia đình không sống đơn độc mà trong mối tương tác với những người xung quanh và với cộng đồng xã hội. Việc một người hay một gia đình tìm đến cái chết cho thấy các mối quan hệ xã hội có vấn đề: Đó có thể là sự thờ ơ, bất công, tàn nhẫn trong các mối quan hệ xung quanh.

Việc nhiều người tự tử, nhất là những vụ việc cha mẹ giết con rồi tự tử, phản ánh một xã hội đang có vấn đề trong các mối quan hệ như vậy. Nếu không có cách xử lý, ngăn ngừa thì tâm lý chung của mọi người trong xã hội sẽ rất chán nản.

Theo tôi, để hạn chế việc này cần phải xây dựng một xã hội hài hoà, đảm bảo chiều sâu của an sinh xã hội. Rõ ràng thiết chế y tế chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt sức khoẻ tâm lý tâm thần sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc phòng ngừa những vụ tự tử. Đặc biệt, bên cạnh đó cần thực hiện dân chủ xã hội sâu sắc, rộng rãi để con người có quyền làm chủ, nói lên tiếng nói cá nhân, bao gồm cả việc bày tỏ những khó khăn, uẩn khúc trong cuộc sống.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem