Tiến sĩ Việt chỉ ra 15 điều đáng học hỏi ở nền giáo dục Đức

Tào Nga Thứ ba, ngày 23/11/2021 09:57 AM (GMT+7)
Giáo dục Đức giúp học sinh tự lập, tự tin, trưởng thành. Trẻ em rất sợ bị xem là nhỏ không biết gì và cũng sợ bị chê cười với các biểu hiện như ăn vạ, đòi hỏi...
Bình luận 0

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết: "Giáo dục Đức giúp học sinh rất tự lập, tự tin, trưởng thành. Trẻ em rất sợ bị xem là nhỏ không biết gì nên luôn cố gắng cư xử như người trưởng thành. Trẻ cũng sợ bị chê cười với các biểu hiện như ăn vạ, đòi hỏi... Các em mong khám phá thế giới, thử thách bản thân thay vì đòi hỏi người khác. Trẻ ở Đức cũng tuân thủ pháp luật và coi đó là điều đương nhiên". 

Sau một thời gian sống tại Đức, Tiến sĩ Hương đã đúc rút ra 15 điều đáng học hỏi ở nền giáo dục Đức.

Tiến sĩ Việt chỉ ra 15 điều đáng học hỏi ở nền giáo dục Đức - Ảnh 1.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương. Ảnh: NVCC

1. Đi học mầm non ở Đức có thể bắt đầu từ 1 tháng tuổi. Tại đây, các cô giáo đón nhận trẻ và chăm nuôi theo khoa học. Các bé vẫn phát triển đầy đủ và có vẻ rất ổn chứ không gặp bất kể chuyện gì.

2. Đến lớp buổi đầu con dễ sốc nên cần chuẩn bị tâm lý. Cô giáo nói thẳng là tuần đầu tiên chỉ nhận trông 1 đến 2 giờ. Bố mẹ phải ngồi nguyên tại trường bên cạnh con. Đến ngày thứ 3, nếu cô thấy con ổn sẽ bảo mẹ đi ra ngoài 1 giờ rồi quay lại. Hết tuần đó, nếu học sinh hợp tác có thể đi học cả tuần được thì từ tuần sau sẽ đi học bình thường. Rõ ràng, các cô làm các biện pháp chuẩn bị tâm lý tốt nhất để trẻ đi học không bị sốc trong môi trường mới. 

3. Trường ở Đức làm theo luật. Sai luật là bị phạt. Từ việc quần áo phải để ở đâu, giày dép chỗ nào cho đến việc ăn uống, vui chơi ra sao. Khi con phạm lỗi sẽ bị phạt, có thể là ngồi im ở ghế và dù phụ huynh đến đón vẫn phải đợi cho con ngồi đủ số phút quy định. 

4. Trường ở Đức rất quan tâm đến giáo dục gia đình. Cứ vài tháng phụ huynh đến đón con ở trường sẽ gặp một chuyên gia tâm lý. Người này phỏng vấn rồi điền vào phiếu điều tra xong tư vấn cho phụ huynh luôn như "Không được đánh con, đánh con là đi tù", "Phải cho con chơi cát 2 giờ/ngày, trừ ngày bão tuyết", "Không được la hét con vì mẹ la là con cũng hét"...

5. Cô giáo không bao giờ mách tội con với cha mẹ. Có vụ gì cô xử lý tại lớp luôn. Hơn nữa, ở mầm non Đức, không có chuyện đòi xem camera. Mẹ cũng không được đến trường con bất kể lúc nào mà phải nói trước để cô biết. Trường học các con là nơi rất riêng tư, bố mẹ vào đó phải xin phép và gõ cửa. Nếu không sẽ bị mời ra ngoài.

img
img
img
img

Con gái Tiến sĩ Vũ Thu Hương học mầm non tại Đức. Ảnh: NVCC

6. Với những thứ độc hại, các cô giáo nói "không" một cách rất "phũ". Có trường hợp phụ huynh mang bánh sinh nhật có rắc cà phê nhưng cuối giờ mẹ nhận nguyên cả cái bánh với lời nhắn của cô: "Cà phê có hại cho trẻ nhỏ". Cô giáo cũng dạy rất rõ ràng.

7. Cô giáo nói rõ về tác hại của tivi với trẻ và yêu cầu rõ ràng cha mẹ tuyệt đối không được cho con xem tivi. Bố mẹ cần phải cất điện thoại di động ở nơi riêng biệt và cách ly với con.

8. Các cô dạy con kỹ năng rất nhiều. Trẻ 2 tuổi đã được cô giáo dạy cầm dao. Các bài dạy kỹ năng của cô hay đến mức mẹ "choáng váng" và thấy mình dạy con quá kém cỏi. Từ khâu vá, cắt gọt đến ứng phó tai nạn, học sinh đều được dạy rất cẩn thận và nghiêm túc.

Học về giao thông, cô mời cảnh sát giao thông đến dạy và hướng dẫn các con đi qua đường. Các con còn được mặc áo phản quang để thực hành cho an toàn.

9. Cô không phản đối chuyện trẻ ghép đôi và nói yêu nhau trong lớp vì tôn trọng tình yêu của trẻ (mặc dù mới mầm non) nhưng phòng ngủ của nam nữ riêng và cách ly hoàn toàn. Các bạn thay đồ cũng được cảnh báo là không cho ai nhìn thấy. Từ mầm non, các cô đã dạy rất cẩn thận.

10. Trẻ đi ngoại khóa nhiều vô cùng. Ngoại khóa là đi ra chỗ xay bột để xem máy xay, đi thăm chú cảnh sát phòng cháy chữa cháy, đi phòng tranh... Cuộc sống thực tế được các con tiếp cận và trải nghiệm một cách hết sức đơn giản. Các con di chuyển cũng toàn trên các phương tiện giao thông công cộng chứ không phải ô tô riêng.

11. Cô dạy về trách nhiệm rất kỹ càng. Bạn nào có bài tập (là bài khâu vá hay vẽ...) mà chưa làm xong thì cô sẽ từ chối cho tham gia các hoạt động khác. Học sinh hoàn thành kiểu làm cho xong sẽ bị cô yêu cầu làm lại. Từ đó, tính trách nhiệm của học sinh tăng cao.

12. Cô giáo sẽ dạy trẻ nhận biết mặt chữ bằng trò chơi. Cô dặn đừng dạy trước cho con mà hãy để các cô cấp 1. 

13. Với lớp lớn, cô giáo không cần chăm sóc giúp đỡ gì khi học sinh đang ở trong lớp. Học sinh cứ tự làm và tự chịu trách nhiệm, kể cả việc bê đĩa ra xin ăn, ăn xong dọn dẹp sạch sẽ.

14. Các cô chú trọng tập thể thao cho học sinh. Trời mưa tuyết vẫn ra sân chơi. Các môn thể thao được tập suốt ngày nên học sinh rất ít ốm.

15. Không có phương pháp giáo dục sớm, các cô dạy rất thực tế, đề cao kỹ năng và đạo đức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem