Tiên tri về Ngày tận thế của sách Khải Huyền lấy cảm hứng từ đâu?

Chủ nhật, ngày 12/03/2023 09:30 AM (GMT+7)
Một nhà nghiên cứu cho biết, sách Khải Huyền bí ẩn trong Kinh thánh cố tình sử dụng ngôn ngữ và ngôn từ được thấy trong các bảng lời nguyền của người La Mã.
Bình luận 0

Theo một nghiên cứu mới, ngôn ngữ bí ẩn của sách Khải Huyền (nổi tiếng với hình ảnh kỳ lạ, bao gồm một con thú màu đỏ có bảy đầu và một hình tượng phụ nữ tượng trưng cho những điều xấu xa của Babylon) được cố ý cho giống với ngôn ngữ được sử dụng trong "bảng lời nguyền" của người La Mã cổ đại.

Nghiên cứu gợi ý rằng, sách Khải Huyền, một phần của Kinh thánh, được viết vào cuối thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, đã cố gắng phân biệt tôn giáo với tà giáo của Đế chế La Mã bằng cách diễn đạt thông điệp của nó theo một cách khác.

Michael Hölscher, nhà nghiên cứu thuộc khoa nghiên cứu Kinh thánh tại Đại học Johannes Gutenberg ở Mainz, Đức, là người đang tiến hành một dự án nghiên cứu về những điểm tương đồng giữa sách Khải Huyền và những tấm bảng lời nguyền La Mã cho cơ quan nghiên cứu quốc gia của Đức (DFG).

Ông cho biết một ví dụ quan trọng từ sách Khải Huyền là Thiên Chúa được nói về việc "trói" và "thả" Satan. Thuật ngữ tương tự được sử dụng trong các bảng lời nguyền của người La Mã, còn được gọi là "defixiones" - tiếng Latinh có nghĩa là "trói" - có nghĩa là ép buộc nạn nhân thực hiện một hành động nhất định.

Một ví dụ khác là sách Khải Huyền mô tả kẻ thù giống như các bảng lời nguyền. Ví dụ, sách Khải huyền chương 13 tiên tri rằng “dấu của con thú” sẽ được áp đặt lên mọi người, không phân biệt giàu- nghèo, tự do và nô lệ…

Sách Khải huyền

Tiên tri về Ngày tận thế của sách Khải Huyền lấy cảm hứng từ đâu? - Ảnh 1.

Sách Khải Huyền (còn được gọi là Khải Huyền cho John, hoặc Ngày tận thế của John) được hầu hết các học giả hiện đại giải thích như một nỗ lực để tiên tri về ngày tận thế và sự tái thế của Chúa Giê-su.

Theo sách Khải Huyền, những người ngoại đạo sẽ bị ném xuống địa ngục, trong khi những người theo đạo Thiên Chúa sẽ lên thiên đường trong lần tái thế.

Theo học giả Bart Ehrman, tác giả của sách Khải Huyền được cho là do một người tên là John of Patmos viết nó vào khoảng năm 96 sau Công nguyên sau khi chứng kiến hoặc nghe về sự tàn phá của La Mã đối với Giê-ru-sa-lem vào năm 70 sau Công nguyên.

Sách Khải Huyền mô tả ngày tận thế với những hình ảnh quen thuộc với những người theo đạo Thiên Chúa thời kỳ đầu. Nó cũng giới thiệu "số của con thú", có thể là ám chỉ đến hoàng đế La Mã Nero , người có tên trong số học tiếng Do Thái là "666" và là người khét tiếng vì đã ngược đãi tàn bạo những người theo đạo Thiên Chúa.

Hölscher cho biết, không chỉ cách diễn đạt trong sách Khải huyền được lấy cảm hứng từ những tấm bảng lời nguyền của người La Mã mà còn cả những hành động. Chẳng hạn, một thiên thần ném một hòn đá lớn để phá hủy Babylon, một loại nghi lễ nguyền rủa.

Hölscher cho biết ảnh hưởng của những tấm bảng lời nguyền cũng thể hiện rõ trong các yếu tố ngôn từ bắt nguồn từ việc thực hành viết những lời nguyền. Ví dụ: các nhân vật liên quan đến các vị thần trong sách Khải huyền thường viết tên của các vị thần đó trên cơ thể của họ — chẳng hạn như những người theo con thú, đeo tên hoặc số của con thú trên tay hoặc trán của họ.

Những tấm bảng nguyền rủa đã được tìm thấy trên khắp Đế chế La Mã cũ, từ Anh đến Ai Cập và được phổ biến rộng rãi, mặc dù chúng được coi là ma thuật đen và bị luật La Mã cấm.

Chúng bao gồm một số lời nguyền làm hại kẻ thù, thường được khắc trên một tấm chì mỏng, sau đó được đặt ở một nơi mà chỉ các vị thần mới có thể nhìn thấy.

Tuy nhiên, những điểm tương đồng giữa những tấm bảng lời nguyền và sách Khải huyền không thuyết phục được tất cả các chuyên gia và vẫn đang gây tranh cãi.


Hà Thu (Theo Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem