Tiếng cổ vũ xen lẫn lời cầu nguyện ở World Cup

Chủ nhật, ngày 04/12/2022 12:08 PM (GMT+7)
Bất chấp không ít tranh cãi, kỳ World Cup 2022 đã đi qua nửa chặng đường, để lại cảm xúc khó quên trong lòng nhiều người hâm mộ bóng đá.
Bình luận 0

Tiếng cổ vũ xen lẫn lời cầu nguyện ở World Cup - Ảnh 1.

World Cup 2022 đã đi qua nửa chặng đường. Ảnh IT

Ngoài các sân vận động chính thức, Souq Waqif - khu chợ sầm uất nhất ở thủ đô Doha, Qatar - cũng là tâm điểm trong kỳ World Cup 2022. Đây là không gian để người hâm mộ bóng đá gặp gỡ, chụp ảnh, uống trà và tham gia các cuộc tranh luận thiện chí.

Từ những người Argentina đội chiếc mũ Arab đến những người Cameroon mặc áo choàng thêu màu quốc kỳ, tất cả đều chen chúc trong những con ngõ hẹp, tạo nên một bức tranh đầy màu sắc.

“Đi xuống khu chợ, (chúng ta) sẽ thấy những du khách đến từ 32 quốc gia khác nhau. Thật tuyệt vời”, Paul Williams, người hâm mộ xứ Wales, chia sẻ.

Tổ chức kỳ World Cup đầu tiên ở một thành phố sa mạc là một nhiệm vụ khó khăn, ngay cả với sức mạnh tài chính của Qatar. Song dù còn một số thiếu sót, nước chủ nhà Qatar đã đảm bảo giải đấu diễn ra suôn sẻ trong nửa chặng đường đầu tiên, theo Wall Street Journal.

"Khoảng thời gian tuyệt vời"

Gần nửa tháng qua, chợ Souq Waqif luôn tấp nập người hâm mộ khám phá các cửa hàng bán quần áo truyền thống, quà lưu niệm và các nhà hàng phục vụ đồ uống không cồn.

Để phù hợp với phong tục địa phương, một số du khách đội mũ của người Arab, thay chiếc khăn truyền thống bằng cờ của quốc gia mà họ ủng hộ. Xung quanh khu chợ có thể nghe thấy tiếng cổ vũ xen lẫn tiếng cầu nguyện của người Hồi giáo.

“Nhà thờ Hồi giáo ở ngay đó”, ông Qatari Mohammad Al Mirri, một người dân địa phương, nói. “Ai muốn cầu nguyện hãy đi cầu nguyện, ai muốn uống hãy cứ uống”.

Tiếng cổ vũ xen lẫn lời cầu nguyện ở World Cup - Ảnh 2.

Sama Moolla, 7 tuổi, cổ động viên đội tuyển Brazil, ở khu chợ Souq Waqif vào ngày 2/12. Ảnh: Reuters.

Vòng bảng World Cup 2022 khép lại với các trận đấu kịch tính, diễn ra tại các sân vận động cách nhau khoảng 56 km. Cái nóng của sa mạc không phải là vấn đề. Đám đông người hâm mộ cũng không khiến hệ thống phương tiện mới của Qatar bị quá tải dù chưa từng chịu sức ép tương tự.

Mỗi ngày các hãng hàng không ở Trung Đông thực hiện 100 chuyến bay chở người hâm mộ từ các nước láng giếng đến Qatar.

“Chúng tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời. Tôi chỉ nghĩ rằng đã có nhiều tin đồn thất thiệt trên phương tiện truyền thông”, Terry John, cổ động viên xứ Wales, nói về những tranh cãi xoay quanh giải đấu.

Fil Sollof, một giám đốc đến từ Anh, có cơ hội xem trực tiếp 10 trận đấu trong 9 ngày. Anh chia sẻ: “Chúng tôi đến đây vì bóng đá. Do đó, chúng tôi có thể ở trong sân vận động, các quán bar để xem các trận đấu, hoặc ngủ”.

Theo Financial Times, giải đấu tại Qatar là kỳ World Cup khó xảy ra nhất trong lịch sử và cũng là sự kiện thể thao toàn cầu đánh dấu sự trở lại sau đại dịch Covid-19. Trước đó, người hâm mộ nước ngoài không thể tham dự Thế vận hội Tokyo 2021 và Thế vận hội Bắc Kinh 2022.

Kỳ World Cup tại Qatar là lần đầu tiên sau gần ba năm người hâm mộ thể thao thế giới được tụ họp mà không có yêu cầu xét nghiệm hay đeo khẩu trang.

Các quan chức Qatar cho rằng họ đã vượt qua mong đợi của chính mình và bác bỏ những lời chỉ trích rằng giải đấu trầm lắng hơn so với các năm trước.

“Đó là một dịp kỷ niệm tuyệt vời, một cuộc giao lưu văn hóa thực thụ và là cơ hội để phá bỏ những định kiến”, ông Hassan Al-Thawadi, trưởng ban tổ chức World Cup của Qatar, cho biết trong cuộc phỏng vấn ngày 28/11.

Trở ngại

Tuy nhiên, trong nửa chặng đường đầu tiên, kỳ World Cup tại Qatar cũng có những giai đoạn căng thẳng và trục trặc.

Các trận đấu có sự tham gia của đội tuyển Iran đã trở thành điểm nóng tranh cãi giữa nhóm người ủng hộ và chỉ trích Tehran. Nhân viên an ninh tại sân vận động cũng thu giữ biểu ngữ và áo phông ủng hộ phong trào biểu tình ở Iran của người hâm mộ.

Trong khi đó, vào đêm khai mạc giải đấu, đám đông cổ động viên kéo đến khu vực dành cho người hâm mộ lớn nhất ở trung tâm thành phố Doha, nhưng nhận được thông báo hết chỗ và bị lực lượng an ninh từ chối. Bên trong sân vận động, nơi Qatar thua trận đầu tiên tại World Cup, hàng nghìn người hâm mộ đã rời đi sau thời gian nghỉ giải lao.

Hôm 21/11, ứng dụng điện thoại của FIFA cũng gặp trục trặc khiến một số người hâm mộ không thể truy cập vé, dẫn đến thời gian vào sân bị chậm trễ.

Tiếng cổ vũ xen lẫn lời cầu nguyện ở World Cup - Ảnh 3.

Một quán cà phê ở Souq Waqif, Qatar, vào ngày 1/12. Ảnh: Reuters.

Nhiều người hâm mộ cũng có trải nghiệm không tốt tại các làng cổ động viên cách xa trung tâm Doha, theo AP.

Chẳng hạn, Haidar Haji, kiến trúc sư 27 tuổi đến từ Kuwait, cho biết giá cả tại làng cổ động viên Al Khor không hề rẻ. Anh phải trả 450 USD/đêm để ngủ lại nơi mà chính quyền quảng cáo là “điểm đến hoàn hảo cho kỳ nghỉ thú vị và xa hoa”. Song nơi này khá tạm bợ, trong lều chỉ có hệ thống ống nước và nội thất cơ bản.

Những thay đổi phút chót và các sự cố vi phạm an ninh đơn lẻ cũng làm nổi bật bản chất xung đột văn hóa trong kỳ World Cup đầu tiên ở Trung Đông. Trong đó, nước chủ nhà và FIFA đôi khi mâu thuẫn với người hâm mộ và cầu thủ.

Một số đội đã từ bỏ kế hoạch đeo băng tay cầu vồng như một tuyên bố chống lại sự phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT, sau khi FIFA đe dọa xử phạt các cầu thủ vi phạm quy tắc của giải đấu. Nhiều khán giả cũng bị cản trở khi mặc quần áo có màu cầu vồng.

Song, những người hâm mộ từ các quốc gia láng giềng lại có cái nhìn tích cực đối với World Cup Qatar. Họ đánh giá cao việc nước chủ nhà chỉ định khu vực riêng tại các sân vận động để người Hồi giáo thực hiện nghi thức cầu nguyện hàng ngày.

“Thật tốt khi họ duy trì các giá trị văn hóa và phong tục của chúng tôi. Chúng tôi không cần phải (nhượng bộ)”, doanh nhân công nghệ Mohammad Tashkandi, 25 tuổi, từ Saudi Arabia, nói.


Hải Linh (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem