|
Tiết mục "Trẩy hội xuân" của đoàn Hội ND tỉnh Bắc Ninh. |
Gần 230 diễn viên, nhạc công ND của 14 tỉnh, thành đã trình diễn 28 tiết mục đặc sắc. Dù là tiết mục tự biên tự diễn hay của các nhạc sĩ chuyên nghiệp đều có sự đầu tư nghiêm túc và sáng tạo của các diễn viên .
Đạo diễn, diễn viên... đều là ND
Mặc dù có tới 3 đoàn cùng chọn thể hiện bài hát "Tình ta biển bạc đồng xanh" - nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương nhưng với màn múa phụ hoạ ấn tượng, đạo cụ đậm chất quê nên phần trình diễn nhạc phẩm này của đoàn Vĩnh Phúc nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.
Người tổ chức đạo cụ, biên đạo và trực tiếp múa phụ họa là ND Phan Đức Hoàn, 51 tuổi, Phó Chủ nhiệm CLB IPM xã Đồng Cương. "Đạo cụ, trang phục múa phụ hoạ phải mang tính biểu tượng cao nhưng không làm mất đi sự bình dị của người ngư dân.
Đó là hình ảnh những con sào cắm thuyền dưới ánh hoàng hôn trên biển, là sóng nước, là hình bóng những người vợ ngóng trông chồng từ biển trở về... Ca từ đẹp, giàu hình ảnh của bài hát đã giúp tôi dựng đạo cụ, nghĩ ra màn múa phụ hoạ cho 2 ca sĩ thể hiện..." - ông Hoàn tâm sự.
Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức đã tặng 9 Huy chương Vàng cho 9 tiết mục xuất sắc của các tỉnh, thành: Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng và Hà Nội. Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VH-TT&DL) tặng giấy khen cho 5 đoàn. Đêm 12-8, 14 tiết mục xuất sắc nhất được công diễn tại Trung tâm Văn hoá 3/2, tại thành phố Nam Định.
Chính nhờ sự đầu tư nghiêm túc, sáng tạo mà phần trình diễn bài hát "Người là niềm tin tất thắng" của đội Hà Nam mang đến cho khán giả cảm xúc dâng trào về Bác Hồ. Đây là nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Chu Minh và tại liên hoan cũng có tới 3 đội chọn thể hiện.
Lưu giữ vốn văn hoá truyền thống
Điểm nhấn tại liên hoan là xuất hiện nhiều tiết mục văn nghệ mang đậm chất dân ca, dân vũ. Các đoàn khu vực đồng bằng Bắc bộ mang đến liên hoan nhiều tiết mục hát chèo, hát văn, hát ống, dân ca quan họ làm say lòng khán giả.
Đoàn Hải Dương trình diễn 2 tiết mục: Bài chèo "Về Côn Sơn xuân này" và trích tổ khúc hát ống "Liên khúc đố hoa, đố chữ". Anh Lê Văn Khiêm - diễn viên của đoàn tâm sự: "Các diễn viên trong đoàn đến từ Hội ND thị trấn Minh Tân (Kinh Môn).
Sở dĩ chúng tôi chọn dân ca vì đây là vốn văn hoá truyền thống của ông cha, chúng tôi muốn lưu truyền cho các cháu thanh, thiếu niên. Hát dân ca, đặc biệt là hát ống khó hơn hát tân nhạc nhiều do phải luyến láy, có sự đồng bộ giữa lời ca và nhịp phách. Ca từ trong hát ống cũng dài, đa dạng hơn...".
Đoàn Bắc Ninh mang đến liên hoan tiết mục: "Gửi bức thư xa" - một làn điệu dân ca quan họ cổ và bài hát "Trẩy hội xuân" của nhạc sĩ Ngọc Lư. Các diễn viên với áo the, khăn đóng, áo tứ thân mớ ba mớ bảy, tóc đuôi gà, e ấp nón quai thao đã đưa khán giả về với miền quê Kinh Bắc đẹp và thơ mộng.
Đoàn Nghệ An với tiết mục hát đơn ca và song ca mang đậm âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh. Đoàn Thái Bình với tiết mục múa hát chèo "Từ quê hương em hát" do chị Ngô Thuỳ Linh, 37 tuổi trình diễn và hát văn "Đẹp mãi dấu son" ca ngợi tiếng trống năm 1930 của ND Tiền Hải do chị Quách Thanh Hương, 32 tuổi trình bày. Hai chị sinh trưởng trong môi trường thấm đẫm không gian dân ca, dân nhạc ở huyện Đông Hưng.
Chị Linh là một trong những thành viên nòng cốt của đội chèo thôn Thượng Liệt, xã Đồng Tân. Chị Hương sinh ra và lớn lên ở làng Khuốc, xã Phong Châu - đất tổ của chèo. Các chị được các cụ cao niên trong làng truyền dạy cho những làn điệu chèo từ khi mới 5-6 tuổi.
NSƯT Ma Bích Việt - thành viên ban giam khảo, nhận xét: "Nhiều diễn viên có chất giọng khá tốt, mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, đặc biệt là các tiết mục hát dân ca, các tác phẩm tân nhạc dựa trên nền dân ca. Điều đó chứng tỏ, người ND hết sức trân trọng gìn giữ vốn văn hoá truyền thống. Họ có đời sống tâm hồn hết sức tinh tế...".
Nguyễn Công
Vui lòng nhập nội dung bình luận.