7 năm sau vụ mất tích máy bay MH370, nguyên nhân và hoàn cảnh vẫn chưa được làm rõ. Nhà báo của Le Monde phân tích giả thuyết điều tra chính thức. Hiện vẫn còn nhiều điều chưa rõ về "bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không dân dụng".
"Tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ không thể làm sáng tỏ toàn bộ sự thật. Những thông tin bổ sung sẽ dần xuất hiện, bởi vì rất nhiều người biết phần này hoặc phần kia của sự thật. Nhưng, không ai có ý định tiết lộ điều gì đã xảy ra. Sẽ luôn có những nghi ngờ về giả thuyết chính thức", ông Ghyslain Wattrelos nói với Sputnik.
Ông Ghyslain Wattrelos, người Pháp 56 tuổi, đã bị mất vợ và hai con trên chuyến bay MH370 vào tháng 3/2014. Trong vụ mất tích của MH370 vẫn có nhiều bí ẩn.
Trong cuốn sách “Chuyến bay MH370: Sự biến mất” (Vol MH370: La Disparition, nhà xuất bản Les Arènes), bà Florence de Changy, phóng viên khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Le Monde và RFI, đã phân tích giả thuyết chính thức do các nhà chức trách Malaysia trình bày.
"Cuốn sách của bà Florence de Changy phản ánh toàn diện bức tranh về những gì đã xảy ra. Bằng chứng cho điều này là cuốn sách của bà đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người", ông Ghyslain Wattrelos nói.
"Chúc ngủ ngon, Malaysia 370". Đây là những lời cuối cùng được chỉ huy máy bay nói vài giây trước khi MH370 biến mất khỏi màn hình radar. Đó là vào lúc 1 giờ 20 sáng ngày 8 tháng 3 năm 2014. Đây là thời điểm khi chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines mất tích sau khi cất cánh được 39 phút từ thủ đô Kuala Lumpur với 239 hành khách trên máy bay để đến thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Tuy nhiên, chiếc máy bay không bao giờ được tìm thấy.
Giả thuyết chính thức về vụ mất tích chiếc Boeing 777
Theo giả thuyết chính thức, trạm radar của quân đội Malaysia đã phát hiện chiếc máy bay trên eo biển Malacca. Xét theo đường bay, phi công đã thực hiện cú quay đầu ngay trước khi vào không phận Việt Nam, trước khi chiếc máy hết nhiên liệu và bị rơi ở vùng Ấn Độ Dương gần Australia.
Một điều chắc chắn là khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar, hệ thống liên lạc hàng không (tự động gửi thông tin kỹ thuật đến dịch vụ kiểm soát không lưu), cũng thiết bị gửi thông tin phản hồi (phương tiện liên lạc chính với dịch vụ kiểm soát không lưu), đã bị tắt.
Các nhà điều tra đã hướng tới Dịch vụ thoại vệ tinh Inmarsat của Anh để theo dõi đường bay của MH370 sau khi chiếc máy bay mất tích. Đọan đường bay trên Ấn Độ Dương đã được dựng lên theo các tín hiệu mà Boeing nhận và truyền qua vệ tinh. Nhờ đó các chuyên gia đã vẽ một vòng cung nằm giữa Australia, châu Phi và Nam Cực.
Trong 7 năm liền chúng tôi yêu cầu các quan chức cung cấp cho chúng tôi “dữ liệu thô” (raw datas) - dữ liệu radar và dữ liệu Inmarsat. Chúng tôi chưa có bằng chứng về sự tồn tại của dữ liệu này. Nhưng, nếu chúng tôi không được cung cấp bằng chứng về sự tồn tại của dữ liệu thô, có lẽ chúng không tồn tại, hoặc có thể đó là dữ liệu sai sự thật!" - ông Ghyslain Wattrelos nói.
Bà Florence de Changy cũng lưu ý rằng, dữ liệu Inmarsat về đường bay của MH370 mà lực lượng cứu hộ Australia đã sử dụng trong chiến dịch tìm kiếm tại khu vực ngoài khơi phía Tây Australia mâu thuẫn với báo cáo của trạm Kiểm soát không lưu Việt Nam xác nhận rằng, họ đã ghi nhận tín hiệu radar cuối cùng khi MH370 bay qua 67 km khỏi điểm báo cáo BITOD, trước khi biến mất khỏi màn hình radar. Nhưng, trong báo cáo chính thức không có dữ liệu của cơ quan kiểm soát không lưu Việt Nam. Nói cách khác, các bằng chứng do Inmarsat đưa ra mâu thuẫn với giả thuyết chính thức.
Theo bà Florence de Changy, đây không phải là mâu thuẫn duy nhất trong giả thuyết chính thức. Nhà báo Le Monde đi xa hơn nữa và tuyên bố rằng, thông tin về việc máy bay đã quay đầu về phía Ấn Độ Dương là một hành động có chủ ý để chiến dịch tìm kiếm chuyển hướng khỏi khu vực máy bay bị rơi.
"Các phương tiện truyền thông quốc tế đã tham gia vào việc này, hầu hết đều thụ động, từ chối đặt bất kỳ câu hỏi nào, và đôi khi tích cực lan truyền thông tin sai lệch mà không kiểm tra thật kỹ thông tin này. Mọi người đều biết rằng, vụ MH370 không đứng vững trước sự xem xét kỹ lưỡng", - bà Changy viết.
Ghyslain Wattrelos cũng chia sẻ quan điểm này.
"Chúng tôi đã bị lừa dối ngay từ đầu. Rõ ràng, tất cả những gì chúng tôi đã nghe về vụ này đều là dối trá", ông nói.
Bà Florence de Changy đưa ra một số bằng chứng. Những tình tiết của hai người chứng kiến thu hút sự chú ý đặc biệt. Người đầu tiên là Michael McKay, người New Zealand làm việc tại một giàn khoan dầu ngoài khơi Việt Nam. Anh ta khai rằng, vào đêm 8/3/2014, khi anh ta ra ngoài hút thuốc lá thì thấy một chiếc máy bay bốc cháy trên bầu trời. Nếu điều này là đúng, lời khai của McKay bác bỏ giả thuyết chính thức về việc máy bay quay đầu về hướng Tây. Hai tuần sau khi lời khai của Michael McKay được thông báo với chính quyền Malaysia và Việt Nam, anh ta bị sa thải và trở về New Zealand. Kỳ lạ hơn nữa, một chiếc ô tô không có biển số đã đuổi theo nhà báo địa phương muốn đến nhà riêng của McKay ở New Zealand để phỏng vấn anh ta, bà Florence de Changy cho biết.
Một bằng chứng quý giá khác đến từ lời khai của Christian Courcelles, một kỹ thuật viên hàng không nghỉ hưu, người Canada, đang sống ở Thái Lan. Ông ta cho biết rằng, ông đã thấy những bức ảnh chụp mảnh vỡ của MH370 được phát trên truyền hình Việt Nam vào buổi tối ngày chiếc Boeing mất tích. Hiện nay, lời khai này không thể được xác minh, vì cảnh quay không còn sót lại. Điều này có thể có nghĩa là địa điểm máy bay bị rơi đã được "làm sạch" dưới sự giám sát chặt chẽ của người Việt Nam. Và cũng có nghĩa là chiếc máy bay đã bị rơi ở Biển Đông chứ không phải ở Ấn Độ Dương.
Ghyslain Wattrelos rất ng̣ạc nhiên: "Lần đầu tiên trong lịch sử ngành hàng không, chiếc máy bay rơi xuống nước và mảnh vỡ của nó không được tìm thấy trên mặt biển. Điều này không thể không gây lo ngại. Các mảnh vụn luôn được tìm thấy trên bề mặt nước! Chiến dịch tìm kiếm đã kéo dài sáu ngày tại khu vực được cho là nơi chiếc máy bay đã rơi".
"Người Mỹ biết điều gì đã xảy ra"
Vì vậy phải xác định rõ nguyên nhân máy bay MH370 mất tích. Ông Ghyslain Wattrelos không nghi ngờ gì rằng: "Người Mỹ biết rõ điều gì đã xảy ra".
Khi bắt đầu cuộc điều tra, một nguồn tin trong cơ quan tình báo phương Tây được ông mô tả là "đáng tin cậy" đã cho biết với ông rằng, vào đêm ngày 8 tháng 3 năm 2014, hai chiếc máy bay AWACS của Mỹ đã bay qua khu vực này.
"Người Mỹ biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi không thể nói với bạn nhiều hơn", - nguồn tin chia sẻ với Ghyslain Wattrelos.
Ông Wattrelos cho biết về điều đó trong cuốn sách của ông “Chuyến bay MH370: Cuộc đời bị đánh cắp” (Vol MH370: une vie détournée, Flammarion, 2018). Các máy bay AWACS có thể phát hiện tín hiệu radar trong phạm vi hàng trăm km, nhưng, cũng gây nhiễu tín hiệu đó. Có lẽ, điều này giải thích tại sao liên lạc với chiếc máy bay MH370 đã bị mất.
"Phi hành đoàn của hai máy bay AWACS này biết chuyện gì đã xảy ra, họ biết máy bay bị rơi ở đâu. Tại sao họ lại im lặng?" Ghyslain Wattrelos đặt ra câu hỏi.
Vào cuối cuộc điều tra của mình, bà Florence de Changy rõ ràng nghiêng về giả thuyết cho rằng, quân đội Mỹ đã phạm sai lầm.
"Dựa vào các nguồn đáng tin cậy, tôi có thể dự đoán rằng, trong khoang hàng của MH370 đã có một số thiết bị chiến lược, có thể là do thám, chắc là do Mỹ sản xuất, có giá trị công nghệ cao. Một cái gì đó mà Trung Quốc rất muốn nắm giữ. Có lẽ, lô hàng này, bất kể nguồn gốc và bản chất của nó, đã được vận chuyển đến Kuala Lumpur để được chất lên MH370".
Giả thuyết này gần như không thể kiểm tra được. Tuy nhiên, bản báo cáo sơ bộ do Malaysia công bố ngày 8/3/2014 cho biết rằng, trong khoang hàng đã có 2,5 tấn hàng hóa không được hải quan soi chiếu và thông quan. Đây là điều không thể tưởng tượng được với hàng hóa trên máy bay dân dụng. Báo cáo chính thức cho biết, hàng hóa đó bao gồm các bộ đàm và bộ sạc. Theo báo cáo chính thức, lô hàng này đã được vận chuyển từ Penang, Malaysia, bằng xe tải, có các nhà chức trách Trung Quốc đi cùng. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây.
"Trên chiếc máy bay này có một lô hàng rất lạ đã trốn tránh mọi thủ tục cần thiết tại sân bay Kuala Lumpur. Rõ ràng, đã có ai đó rất muốn để lô hàng này không đến đích", Ghyslain Wattrelos nói.
Bà Florence de Changy hồi tưởng lại, sáng ngày 8 tháng 3, một số phương tiện truyền thông (đặc biệt là ở Đài Loan và Trung Quốc, cũng như trên trang Yahoo của Singapore) đã đưa tin rằng, vào lúc 02:43, MH370 đã gửi thông tin về việc cabin "đang bị vỡ tan" (điều này thường xảy ra trong trường hợp tên lửa tấn công) và cần phải hạ cánh khẩn cấp.
Theo nhà báo, một phi công của Vietnam Airlines bay đêm hôm đó tại khu vực máy bay MH370 mất tích đã xác nhận với báo chí và truyền hình địa phương rằng, anh ta đã nghe thấy một cuộc gọi khẩn cấp từ chiếc Boeing 777, nhưng thông tin này và các tin nhắn liên quan trên Twitter đã bị xóa. Trung tâm điều hành của Hãng hàng không Malaysia Airlines cũng nhận được tin nhắn về vị trí của MH370 lúc 2h28m. Thông tin này đã được truyền cho các điều tra viên và cũng mâu thuẫn với giả thuyết chính thức.
"Rất có thể vụ này có liên quan đến một chiến dịch quân sự. Và rất có thể người Mỹ cũng tham gia vào đây", Ghyslain Wattrelos nhận xét.
Đến nay, Pháp là quốc gia duy nhất trên thế giới tiếp tục điều tra vụ mất tích MH370.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.