Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, trời Vũng Tàu se se lạnh, nhưng ở Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật hàng không (KTHK) thuộc Công ty Trực thăng Miền Nam (Binh đoàn 18), tôi cảm thấy sức “nóng” từ cường độ làm việc khẩn trương của những người lính thợ.
Ngày nào cũng vậy, để chuẩn bị cho các chuyến bay, đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật của Công ty Trực thăng Miền Nam phải dậy từ 3 giờ sáng. Họ làm việc miệt mài, cẩn trọng, kể cả sau khi những chuyến bay đã hạ cánh an toàn. Đi sớm về muộn, lo lắng, chờ đợi thành công của những chuyến bay là hình ảnh rất đỗi quen thuộc của những người làm công tác KTHK.
Kỹ thuật viên của Công ty Trực thăng Miền Nam bảo dưỡng, sửa chữa chi tiết máy bay.
Đại tá Phạm Quang Hiếu, Phó giám đốc về kỹ thuật của công ty, kiêm Trưởng phòng Kỹ thuật của Binh đoàn 18 nói vui: “Anh em chúng tôi như những người bảo mẫu. Dù là máy bay tốt vẫn phải kiểm tra kỹ càng đúng theo quy trình kỹ thuật, còn máy bay trục trặc, hỏng hóc thì làm việc bất kể ngày đêm để sửa chữa, khắc phục. Tất cả phải nâng niu, thận trọng và không được sai sót”. Quả đúng là như vậy. Nếu ở Trung tâm Bảo đảm KTHK, các kỹ sư miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, tìm các giải pháp tối ưu để làm chủ khoa học kỹ thuật, thì ở sân bay, nhà xưởng, những người thợ cũng chăm sóc những chiếc máy bay của mình như bác sĩ theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Những năm qua, Công ty Trực thăng Miền Nam luôn có cường độ bay rất cao, chiếm khoảng 70% khối lượng bay của toàn binh đoàn. Ngoài việc khai thác hiệu quả các loại máy bay hiện có trong biên chế, công ty còn khai thác, sử dụng rất hiệu quả các loại máy bay mới, trong đó có loại máy bay hiện đại EC-225 sử dụng trong các hoạt động thương mại, quân sự.
Tuy nhiên, do các sự cố kỹ thuật xảy ra năm 2012 ở châu Âu, loại máy bay EC-225 bị Ủy ban An toàn hàng không châu Âu đình chỉ hoạt động. Quyết định trên khiến Hãng Eurocopter lo lắng, còn những nơi đã mua EC-225 thì như "ngồi trên đống lửa". Nếu dừng bay, Binh đoàn 18 nói chung, công ty nói riêng sẽ thiếu máy bay để thực hiện các nhiệm vụ. Không chịu bó tay, các chuyên gia đầu ngành, các kỹ sư giỏi và những người thợ lành nghề chụm đầu lại, vắt óc suy nghĩ. Trăn trở nghiên cứu đêm ngày, cuối cùng họ đã thành công.
Trực thăng EC-225 ở Việt Nam hiện hoạt động trong cả lĩnh vực dân sự và quân sự (Không quân Hải quân Việt Nam sử dụng).
Thượng tá Trần Ngọc Hùng, Trưởng Trung tâm Bảo đảm KTHK của công ty cho biết: “Được sự đồng ý của hãng sản xuất, chúng tôi đã cùng chuyên gia của hãng phân tích kỹ nguyên nhân của các sự cố. Chúng tôi quyết định tăng số lần kiểm tra hộp số (khoảng 1 giờ 30 phút một lần), vết nứt của hộp số sẽ được phát hiện sớm hơn 1/3 lần. Đội ngũ phi công cũng giảm vận tốc bay so với châu Âu. Mỗi chuyến bay đều cử một kỹ thuật viên đi theo để đo các thông số kỹ thuật. Thế là những chuyến bay của chúng tôi vẫn diễn ra an toàn tuyệt đối”.
Trí tuệ và bản lĩnh của những kỹ thuật viên hàng không Việt Nam khiến các chuyên gia của Hãng Eurocopter khâm phục. Người lãnh đạo của hãng đã phải thốt lên: “Chính Công ty Trực thăng Miền Nam đã cứu cánh và hồi sinh cho máy bay EC-225”.
Đại tá Nguyễn Đức Toàn, Phó giám đốc Công ty Trực thăng Miền Nam khẳng định: “Nếu không có trí tuệ và sự miệt mài của đội ngũ kỹ thuật, hoạt động bay của công ty không thể đạt hiệu quả cao như ngày hôm nay”. Vũng Tàu đang vào Xuân. Biển trời của Tổ quốc đang vào Xuân. Mùa xuân như càng làm cho những chuyến bay ra các giàn khoan, ra quần đảo Trường Sa và đi tới mọi miền đất nước thêm náo nức.
Ngồi trên chiếc máy bay EC-225 từ bầu trời Vũng Tàu ra thềm lục địa, tôi cảm thấy xốn xang khó tả. Một năm với đầy biến động khó khăn của nền kinh tế, nhưng Công ty Trực thăng Miền Nam vẫn thực hiện 13.000 giờ bay an toàn tuyệt đối, được khách hàng trong nước và quốc tế yên tâm, tin tưởng. Năm 2013, công ty được Bộ Quốc phòng khen thưởng về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
báo Quân đội Nhân dân (Theo báo Quân đội Nhân dân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.