Tiết lộ vị anh hùng Lương Sơn Bạc là hậu duệ Hoàng đế Trung Hoa

Vô Kỵ Thứ bảy, ngày 06/04/2019 18:32 PM (GMT+7)
Trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, có 1 trường hợp vô cùng đặc biệt. Xuất thân danh gia vọng tộc, giàu có bậc nhất Thương Châu, thậm chí còn là hậu duệ của hoàng đế nhà Hậu Chu, tức khác rất xa hầu hết các đầu lĩnh của Lương Sơn Bạc. Đó là “Tiểu Toàn phong” Sài Tiến.
Bình luận 0

Sài Tiền – nhân vật đặc biệt trong 108 vị anh hùng Lương Sơn

Giá trị cơ bản của Thủy hử là ở chỗ tác gia Thi Nại Am đã xây dựng được hàng loạt nhân vật hảo hán Trung Hoa võ nghệ cao cường, giàu lòng vị tha, xả thân vì nghĩa. Từng nhóm anh hùng được tập hợp riêng lẻ, rồi sau đó tất cả đều tụ về Lương Sơn, nhưng cái đặc sắc của Thủy Hử là mỗi nhân vật, trong 108 hảo hán Lương Sơn, là mỗi người có tính cách khác nhau, cách tới “bến nước” cũng không phải ai cũng giống ai và nguồn gốc xuất thân thì đa dạng vô cùng.

img

Sài Tiến xếp thứ 10 trong danh sách 108 anh hùng Lương Sơn.

Đó có thể là những quan lại trung thần của triều đình nhà Tống bị hãm hại như Lâm Xung, Võ Tòng, Dương Chí, Tống Giang, Hoa Vinh... khiến họ lần lượt phải bỏ sự nghiệp đi theo Lương Sơn Bạc. Cũng chẳng thiếu người cùng đường rồi trở thành kẻ cướp nhưng sau đã đi theo ánh sáng của chính nghĩa mà tụ về Lương Sơn.

Cũng có những anh hùng xuất thân nơi thôn dã, không chức vụ quyền hành nhưng bất bình với sự áp chế, bóc lột của quan lại địa phương như Lý Quỳ, Sử Tiến, Lưu Đường... nên đã ra tay cứu giúp người hoạn nạn hoặc tự cứu bản thân mình, trở thành kẻ phạm tội với triều trước khi thẳng tiến Lương Sơn.

Nhưng trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, có 1 trường hợp vô cùng đặc biệt. Xuất thân danh gia vọng tộc, giàu có bậc nhất Thương Châu, thậm chí còn là hậu duệ của hoàng đế nhà Hậu Chu, tức khác rất xa hầu hết các đầu lĩnh của Lương Sơn Bạc. Đó là “Tiểu Toàn phong” Sài Tiến.

img

Tạo hình Sử Tiến trên phim.

Trong Thủy Hử, Thi Nại Am xếp Sài Tiến ở vị trí thứ 10 trong 36 Thiên Cương tinh. Sài Tiến là quý tộc nức tiếng người huyện Hoành Hải, Quận Thương Châu. Sài Tiến có sở thích là kết giao với các hảo hán trong thiên hạ, luôn giúp đỡ các anh hùng hào kiệt khi họ gặp khó khăn.

Sài Tiến là hậu duệ của Hậu Chu Thế Tông

Từ khi binh biến Trần Kiều nhường ngôi vào năm 960, Tống Thái Tổ Vũ Đế đã tặng cho gia tộc họ Sài cuốn “Đan Thư Thiết Khoán” – có thể hiểu là “kim bài miễn tử” như cách để tôn vinh công trạng của Hậu Chu Thế Tông. Với “Đan Thư Thiết Khoán”, dù họ Sài có tội nặng thế nào cũng không bị xử tội chết, ngay cả đương kim thiên tử cũng chẳng thể đụng đến.

Nhiều anh hùng trước khi Lương Sơn Bạc, như Lâm Xung, Võ Tòng, Tống Giang cũng từng tìm đến sơn trang của Sài Tiến làm nơi trú ẩn. Bởi vì sơn trang của Sài Tiến được bảo vệ bởi “Đan Thư Thiết Khoán”, cho nên bọn quan sai, nếu không được sự cho phép của ông thì “ngoại bất nhập”.

img

Sử Tiến là người nghĩa hiệp, thích giao du.

Sài Tiến rất hào phóng trong việc sử dụng tài sản của mình để giúp đỡ người nghèo và các bằng hữu hảo hán. Các đầu lĩnh Lương Sơn, tất cả đều coi Sài Tiến là huynh đệ tốt.

Sau khi Lý Quỳ đánh chết Ân Thiên Tích, Sài Tiến bị Cao Liêm bắt giam, đánh đập tàn nhẫn. Lý Quỳ về đến Lương Sơn thưa chuyện với Tống Giang, lập tức các đầu lĩnh Lương Sơn xuống núi giải cứu Sài Tiến, đưa ông về Lương Sơn.    

Sài Tiến chấp nhận việc gia nhập Lương Sơn, ông và Lý Ứng phụ trách việc giữ kho lương của Lương Sơn sau khi hội tụ đủ 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Ông tham gia vào các cuộc chiến chống quân Liêu, Điền Hổ, Vương Khánh sau khi được chiêu an về triều.

img

Sử Tiến là hậu duệ của hoàng đế nhà Hậu Chu.

Ở cuộc chiến chống lại quân Phương Lạp, Ông cùng Yến Thanh trá hàng Phương Lạp và làm gián điệp cho nghĩa quân Lương Sơn. Với tài ăn nói của mình, ông nhanh chóng thu hút được lòng tin của Phương Lạp, Sài Tiến được Phương Lạp gả cho cháu gái.  Phương Lạp trong lúc mất cảnh giác với Sài Tiến và Yến Thanh thì bị cặp đôi này tấn công đột ngột. Sau đó Sài Tiến dẫn đường cho các đầu lĩnh Lương Sơn tiến vào căn cứ chính của Phương Lạp, đáo công đại thành.

Sài Tiến là một trong 27 vị anh hùng sống sót và trở về sau trận chiến với Phương Lạp, ông làm quan đến chức Hoành Hải quân Đô Thống chế. Tuy nhiên vì lo sợ bọn gian thần sẽ đổ tội cho ông vì mối quan hệ của ông với cháu gái của Phương Lạp nên ông đã cáo bệnh về quê, sống cuộc đời ung dung tự tại cho đến khi qua đời ở tuổi 69.

Hậu Chu Thế Tông – minh quân đệ nhất thời Ngũ Đại Thập Quốc

Tổ tiên của Sài Tiến là Sài Vinh, tức Hậu Chu Thế Tông (Hoàng đế thời Ngũ Đại Thập Quốc Trung Hoa). Hậu Chu Thế Tông (921 – 959), là Hoàng đế thứ hai của nhà Hậu Chu, trị vì từ tháng 1 năm 954 tới tháng 6 năm 959. Thế Tông được các sử gia đánh giá là vị minh quân đệ nhất của thời Ngũ Đại. Thập Quốc.

img

Hậu Chu Thế Tông.

Trong hơn 5 năm ở ngôi, Hậu Chu Thế Tông thi hành nhiều chính sách xuất sắc, từ khôi phục chế độ khoa cử, chiêu mộ nhân tài, chấn chỉnh đội ngũ quan lại, đề cao sự thanh liêm, Vua không chỉ tự mình làm gương, còn yêu cầu quan lại tiết kiệm, tránh xa hoa lãng phí để tránh gánh nặng cho dân, có chính sách xử phạt nghiêm khắc với quan tham ô, phạm pháp.

Ngay tháng đầu tiên lên ngôi, Hậu Chu Thế Tông tập trung vào việc phát triển nông nghiệp, phát triển sản xuất. Vua hạ chiếu quy định nếu những người già yếu bệnh tật trong quân đội chịu về quê làm ruộng đều được xuất ngũ. Để tiếp tục giảm gánh nặng cho người nông dân, Thế Tông hạ lệnh giảm thuế, miễn thuế, miễn tất cả các khoản nợ thuế cùng các loại thuế khác mà người dân còn nợ trước đây.

Năm Hiển Đức thứ 5 (958), vua hạ lệnh tiến hành điều tra ruộng đất quy mô lớn, thực hiện chính sách nộp tô bình đẳng. Hành động này đả kích nặng nề bọn địa chủ cường hào, giảm nhẹ gánh nặng thuế khóa cho người dân, đồng thời giúp tăng thu nhập cho quốc gia.

img

Bản đồ thời Hậu Chu Thế Tông.

Không chỉ vậy, Hậu Chu Thế Tông còn vang danh lịch sử với những thắng lợi trên chiến trường như trận đại chiến Cao Bình, đánh tan quân Bắc Hán của Lưu Sùng giữa năm 954; 2 cuộc thảo phạt Nam Đường cuối 955-đầu 957, thu được 4  châu Tần, Phượng, Thành, Giới (Cam Túc ngày nay).

Năm 959, Thế Tông hạ lệnh bắc phạt, đích thân dẫn quân đánh Liêu nhằm thu phục 16 châu Yên Vân mà Thạch Kính Đường cắt cho người Khiết Đan. Xuất binh được hơn 40 ngày, quân Hậu Chu thu được Tam Quan, tổng cộng giành được đất ở 3 châu và 17 huyện. Chính lúc này thì Thế Tông đổ bệnh, cuộc bắc phạt đành gác lại nửa chừng và phải rút quân.

Tháng 6 năm 959, Hậu Chu Thế Tông băng hà, thọ 38 tuổi. Con nhỏ mới 7 tuổi là Sài Tông Huấn lên nối ngôi. Đó là Hậu Chu Cung Đế. Vua mới còn nhỏ tuổi nên bị Triệu Khuông Dẫn soán ngôi, đã dẫn tới sự diệt vong của nhà Hậu Chu và sự ra đời của nhà Tống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem