Tiêu chuẩn nào thì được gọi là gạo chất lượng cao?

Thuận Hải Thứ tư, ngày 27/12/2017 10:32 AM (GMT+7)
Chọn sản xuất lúa gạo theo VietGAP, GlobalGAP hay SRP... đang khiến nhiều nông dân và doanh nghiệp băn khoăn, khi mà xu hướng tiêu dùng đang thay đổi rất nhiều. Việt Nam cũng từ một nước xuất khẩu gạo trắng phẩm cấp thấp sang tăng dần tỉ trọng gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao...
Bình luận 0

Bộ NNPTNT đang ráo riết thực hiện Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, dự kiến sang năm 2018, sản phẩm gạo Việt Nam xuất khẩu sẽ được dán “logo xịn”.

Thế nhưng, theo bà Phạm Thị Hồng Hạnh – Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NNPTNT, cái khó của ngành nông nghiệp không phải ở logo hay tên thương hiệu, mà là các tiêu chuẩn cho những sản phẩm được gắn logo sản phẩm gạo quốc gia Việt Nam. Vì như lâu nay, Việt Nam chỉ xuất khẩu “gạo xá”, gạo đóng bao với tỉ lệ 5% tấm, 10% tấm hoặc 25% tấm…

img

Nhiều nông dân băn khoăn chọn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hay áp dụng SRP?

Nhìn sang Thái Lan, kể từ tháng 12.2016, ngành nông nghiệp nước này yêu cầu chỉ loại gạo nào có chứa ít nhất 92% loại gạo thơm Hom Mali mới được gán nhãn gạo Hom Mali. Các loại gạo có tỷ lệ gạo Hom Mali từ 80% trở lên, có chứa hàm lượng tinh bột từ 20% trở xuống, sẽ được gọi là gạo jasmine Thái Lan. Nước này cũng lập cơ quan nghiên cứu giá trị gia tăng cho ngành gạo (API). Dự kiến, chính sách giảm sản lượng lúa gạo của Thái Lan sẽ kéo dài từ 5 – 10 năm.

Còn ở Ấn Độ, nước này tập trung tăng tiêu chuẩn kỹ thuật gạo basmati, Myanmar tuyên bố tập trung vào chất lượng gạo, Ấn Độ và Thái Lan đều nỗ lực tăng sản xuất, xuất khẩu thực phẩm hữu cơ, trong đó có gạo.

Tại Việt Nam, định hướng tăng sản xuất lúa gạo chất lượng cao của Việt Nam gặp cạnh tranh rất mạnh từ cả nước xuất khẩu và nhập khẩu. Cũng đã xuất hiện một số doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, kỹ thuật vào sản xuất nhằm phát triển bền vững. 

Trong vụ hè thu 2016, khoảng 150 nông dân tại các huyện Tam Nông (Đồng Tháp), Châu Thành (An Giang) và Tân Hiệp (Kiên Giang) tham gia thí điểm thực hiện trồng lúa theo SRP (Sustainable Rice Platform – nền tảng sản xuất lúa gạo bền vững), với tổng diện tích gieo trồng 462,5 ha. Sang vụ hè thu 2017, có 254 hộ nông dân tham gia mô hình với 781ha và mở rộng ra thêm ở một số địa phương.

Thế nhưng, theo một chuyên gia của Tổ chức Control Union (Hà Lan), Việt Nam hiện có khoảng 4 – 5 doanh nghiệp đang thực hành SRP, tuy nhiên, hiện tại SRP chỉ là “hành vi tốt” (best practice) chưa phải là bộ tiêu chuẩn (standard) để các bên có thể đánh giá độc lập. Do đó, các doanh nghiệp vẫn đang chờ tín hiệu từ Viện Lúa quốc tế (IRRI) về việc nâng cấp SRP thành tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững.

Còn theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Quốc Vọng, giảng viên Đại học RMIT, Việt Nam là một nước sản xuất lúa gạo thuộc top đầu thế giới, nhưng nếu không thay đổi tư duy về thị trường, chất lượng sản phẩm và đảm bảo tiêu chuẩn ATTP, thì nông sản Việt Nam nói chung và sản phẩm gạo nói riêng sẽ sớm bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu.

“Xã hội càng tiến bộ thì những tiêu chuẩn về chất lượng thực phẩm càng khó khăn và rõ ràng hơn. Do đó, cần phải có những thay đổi trong tư duy sản xuất để đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường”, ông Vọng nói.

Không lo năng suất lúa giảm

Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong trường hợp biến đổi khí hậu làm giảm 10% năng suất so với quỹ đạo tăng trưởng thì đến năm 2035, năng suất lúa trung bình của Việt Nam vẫn đạt 5,82 tấn/ha, cao hơn 10% so với mức trung bình hiện tại và cao hơn mức năng suất trung bình hiện nay của bất cứ nước Đông Nam Á nào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem