Sau Tết Nguyên đán đã gần 3 tháng nhưng nhiều ngôi chợ truyền thống quy mô lớn nhất TP.HCM vẫn vắng tanh.
Theo các tiểu thương, sức mua hiện giảm rất sâu, người đi chợ thắt chặt chi tiêu hơn. Vì vậy, chợ vốn đã ế cộng thêm giá trị mua hàng giảm khiến tiểu thương thêm lo lắng.
Tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, khu vực thực phẩm thiết yếu ngay lối đi chính nhưng cũng không thấy ai. "Nhìn cảnh này thì hiểu chợ chúng tôi đang vắng thảm thế nào. Trước đây, chợ Bà Chiểu tấp nập bao nhiêu thì bây giờ ngược lại bấy nhiêu", anh Tài - tiểu thương bán trái cây rầu rĩ.
Khu vực nhà lồng bên trong chợ Bà Chiểu lại càng vắng thê thảm hơn. Các quầy sạp tạp hóa, thịt heo ở cuối nhà lồng vắng tanh.
Vắng khách, tiểu thương loay hoay làm đủ thứ việc lặt vặt, dọn dẹp quầy sạp nhưng vẫn dư thời gian. Họ cho biết từ sau Tết đến nay, hôm nào cũng phải đóng cửa về sớm vì ế.
Nhiều tiểu thương cho biết, thời điểm này, nhóm hàng thời trang, gồm quần áo, giày dép 2-3 ngày chưa bán được cái nào là chuyện bình thường, bởi người dân thắt chặt chi tiêu, ngay cả hàng thiết yếu còn giảm sức mua thì các ngành hàng khác khó có khách.
Tại chợ Tân Định, quận 1, lối đi chính từ đường Hai Bà Trưng vào, tiểu thương ngành hàng vải ngồi thành hàng dài chờ khách. Ngành hàng vải là mặt hàng nổi tiếng tại chợ Tân Định.
Không nhiều quầy sạp quần áo có khách. Đây là nhóm hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong giai đoạn kinh tế khó khăn sau dịch Covid-19.
Ghi nhận cho thấy, chỉ khu vực thực phẩm tươi sống là có đông khách tại các chợ truyền thống. Tuy nhiên, ban quản lý các chợ cũng cho biết, sức mua hiện nay với mặt hàng này chỉ đủ để tiểu thương hoạt động cầm chừng và chưa trở lại như thời điểm trước dịch Covid-19.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2023 tại TP.HCM ước đạt gần 264.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán lẻ ước đạt 163.600 tỷ đồng, chiếm gần 62%. Theo các doanh nghiệp bán lẻ, mức tăng này là do nhu cầu mua sắm Tết, sau Tết đến nay, sức mua đã chững lại trong bối cảnh khó khăn chung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.