Tiểu thương dự kiến không tích trữ hàng hoá Tết Nguyên đán

Thanh Phong Thứ bảy, ngày 18/12/2021 17:37 PM (GMT+7)
Dịp trước Tết dương lịch và cả Tết Nguyên đán, nhiều tiểu thương ở các chợ truyền thống cho biết, sẽ không tích trữ hàng hoá Tết Nguyên đán do lo ngại dịch Covid-19 đang bùng phát.
Bình luận 0

Sức mua giảm, tiểu thương kinh doanh cầm chừng, không tích trữ hàng hoá Tết Nguyên đán

Những ngày qua, dịch Covid – 19 có những diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Theo đó, mỗi ngày, TP.Hà Nội có hàng nghìn ca mắc Covid – 19 mới được ghi nhận. Tuy nhiên, hiện tại, theo khảo sát của PV, giá cả các mặt hàng ở các chợ, siêu thị vẫn được duy trì ở mức bình ổn.

Cụ thể, giá thịt heo mát Meat Deli phân phối ở các siêu thị ghi nhận không có sự điều chỉnh nào so với những ngày hôm trước. Theo đó, mức giá thịt lợn do thương hiệu này bán ra đang dao động trong khoảng 129.900 - 189.900 đồng/kg. Trong đó, thịt đùi heo và thịt ba rọi đang có giá bán lần lượt là 119.900 đồng/kg và 189.900 đồng/kg.

Tại các chợ truyền thống ở Hà Nội như quanh khu vực Mỹ Đình, Cầu Giấy, Nghĩa Tân,… giá thịt lợn cũng dao động trong khoảng 100.000 đến 180.000 đồng/kg tùy loại. Giá một số mặt hàng rau củ quả như súp lơ, su su, rau cải,… dao động trong khoảng trên dưới 20.000 đồng/kg.

Dịch Covid - 19: Tiểu thương dự kiến không tích trữ hàng hoá dịp trước Tết - Ảnh 1.

Sức mua giảm, tiểu thương kinh doanh cầm chừng, không tích trữ hàng hoá Tết Nguyên đán. (Ảnh: Thanh Phong)

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh thời gian tới, một số tiểu thương đánh giá, sức mua của người tiêu dùng năm nay sẽ giảm mạnh, do đó, lượng dữ trự hàng hóa cũng sẽ không cao nên tiểu thương dự kiến không tích trữ hàng hoá Tết Nguyên đán.

Theo chị Liên, một tiểu thương kinh doanh rau, thịt tại chợ Mỹ Đình cho hay, cùng thời điểm hàng năm, các hộ kinh doanh sẽ trữ hàng bán Tết rất nhiều. Tuy nhiên, trước tác động của dịch Covid-19, sức mua giảm sút nên hầu như không ai dám trữ hàng nhiều mà chỉ đủ hàng bán cầm chừng. Chúng tôi không tích trữ hàng hoá Tết Nguyên đán nhiều.

"Trung bình một ngày tôi đặt lò mổ khoảng 1 đến 1,5 con lợn và khoảng 20 đến 30 kg rau, củ mỗi loại. Dịp cuối năm, tôi thường phải đặt đến 3, 4 con lợn thậm chí nhiều hơn để bán. Tuy nhiên, năm nay, do dịch bệnh, các hàng quán bán chậm, người tiêu dùng đơn lẻ cũng ít nên tôi dự kiến sẽ nhập hàng ít đi", chị Liên chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, anh Quang Dũng, một tiểu thương chuyên cung cấp lợn "cắp nách" từ Sơn La về Hà Nội đánh giá, dịp tết năm nay, giá loại lợn này có thể sẽ tăng khoảng 10%.

Cùng với đó, anh Dũng nhận định, nhu cầu thị trường năm nay cũng sẽ giảm mạnh so với mọi năm. Do đó, giới thương lái sẽ không "găm" hàng sẵn mà chỉ thực hiện theo đơn đặt hàng của một số khách quen.

"Thông thường, giá lợn "tên lửa" (lợn Mán, cắp nách) có giá trong khoảng 150.000 – 200.000 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, năm nay, tôi nghĩ rằng giá sẽ phải tăng khoảng từ 5% - 10% do giá thức ăn chăn nuôi, nhân công tăng. Đặc biệt, theo tôi, giá lợn đến tay người dân Hà Nội sẽ phải chịu phần lớn chi phí vận chuyển do giá xăng dầu quá cao.

Hàng năm, mỗi dịp gần tết, chúng tôi có thể tung ra thị trường tới hàng trăm con lợn. Trong đó, khoảng 70% cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn phục vụ nhu cầu liên hoan cuối năm. Có những lúc cao điểm, ngoài số lợn đã hợp đồng cung cấp sẵn, chúng tôi còn "găm" sẵn khoảng 20 - 30 con, nuôi ở ngoại thành Hà Nội để khi khách có nhu cầu sẽ cung cấp được ngay. Với tình hình dịch thì chỉ dám nhận đặt hàng đến đâu thì nhập về đến đấy", anh Dũng chia sẻ.

39.000 tỷ đồng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2022

Nhận định về thị trường hàng hóa cuối năm 2021, đầu năm 2022, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, hiện tại, mới có quận Đống Đa nằm trong diện "màu cam" về dịch Covid-19. Tuy nhiên, TP.Hà Nội cũng không thể đề phòng nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng trong dịp cuối năm 2021.

Dịch Covid - 19: Tiểu thương dự kiến không tích trữ hàng hoá dịp trước Tết - Ảnh 2.

Nhiểu tiểu thương, hộ kinh doanh dự kiến không dự trự hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2022. (Ảnh: Thanh Phong)

"Sở Công Thương phải có kịch bản đề phòng những vấn đề này. Hiện tại, chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là hết năm dương lịch và hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Nếu dịch bùng phát mạnh, vấn đề lưu thông phân phối chắc chắn có ảnh hưởng. Việc ảnh hưởng như thế nào là do sự chuẩn bị của chúng ta", ông Phú đánh giá.

Cũng theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, trong bối cảnh hiện tại, giá nguyên liệu sản xuất, đầu vào cao khiến giá thành sản phẩm cao là không thể tránh khỏi. Mục tiêu bây giờ không phải là kéo giá xuống mà phải kìm hãm đà tăng, giữ bình ổn.

Theo dự báo từ Sở Công Thương Hà Nội, khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yếu cần chuẩn bị trong dịp Tết Nguyên đán 2022 là đối với khoảng 10,33 triệu người sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội. Do đó, Sở Công Thương Hà Nội đã chuẩn bị lượng hàng hoá ước tính khoảng 39.000 tỷ đồng để phục vụ Tết trên địa bàn thành phố.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem