Bộ Công Thương lên kế hoạch cung ứng hàng hóa Tết Nhâm Dần 2022

Thanh Phong Thứ bảy, ngày 30/10/2021 16:02 PM (GMT+7)
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, cơ quan này đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa cho dịp cuối năm và Tết Nhâm Dần 2022 ngay cả ở các địa phương có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp.
Bình luận 0

Làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ tư cơ bản đã được khống chế, nhu cầu của nền kinh tế đang dần hồi phục trở lại. Hai tháng cuối năm là khoảng thời gian tập trung vào sản xuất, lưu thông và mua sắm chuẩn bị cho các ngày lễ Tết. Dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí sẽ tăng trong các tháng cuối năm.

Để chuẩn bị cho đợt cao điểm cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kế hoạch, chuẩn bị nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa Tết Nhâm Dần  2022 kể cả trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của những biến động trên thị trường hàng hóa thế giới, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng sẽ tiếp tục neo ở mức cao.

Bộ Công Thương lên kế hoạch cung ứng hàng hóa Tết Nhâm Dần 2022 - Ảnh 1.

Kế hoạch cung ứng hàng hóa Tết Nhâm Dần 2022 được đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. *(Ảnh: Thanh Phong)

"Vào dịp cuối năm, thị trường sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hóa tăng phục vụ sản xuất, kinh doanh, cung ứng cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán. Bộ Công Thương đã kích hoạt các phương án, huy động các nguồn cung, kể cả các địa bàn có dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Hiện tại, các doanh nghiệp đã chủ động có phương án cung ứng hàng hoá, các địa phương đã có kinh nghiệm ứng phó tốt hơn và cũng đã có kế hoạch triển khai các Chương trình bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa thiết yếu sẽ ít có biến động bất thường", Bộ Công Thương thông tin.

Cũng theo dự báo từ phía Bộ Công Thương, giá nguyên vật liệu thế giới và xăng dầu tăng giá tác động tới giá của nhiều hàng hóa tiêu dùng. Do đó, các yếu tố làm giảm giá tiêu dùng trong thời kỳ giãn cách xã hội không còn tác động trong hai tháng còn lại của năm. Tất cả các yếu tố này làm cho chỉ số giá tiêu dùng của hai tháng cuối năm sẽ tăng khá cao so với mức tăng giá bình quân 10 tháng năm 2021.

"Bằng mọi giải pháp ổn định thị trường và giá cả hàng hóa trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương, doanh nghiệp vào cuộc để bảo đảm nguồn cung hàng hoá, các mặt hàng thịt lợn, phân bón, xăng dầu cho nhu cầu người dân, cũng như thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ", Bộ Công Thương thông tin.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Trong đó, có 3 nhóm hàng giảm giá và 8 nhóm hàng tăng giá.

Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%. Nguyên nhân khiến CPI tháng 10/2021 giảm là do nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng của người dân giảm, đồng thời nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng giảm. Giá thuê nhà tiếp tục xuống thấp, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm cũng là những yếu tố tác động lên CPI tháng 10.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem