Tìm dấu vết tê giác: Đụng kẻ săn trộm

Thứ tư, ngày 30/06/2010 13:41 PM (GMT+7)
(NTNN) - Đi theo con đường mà loài tê giác đã qua, chúng tôi chỉ thấy những dấu vết cũ của một cá thể tê giác. Nhưng những kẻ săn trộm thú thì đã có mặt ở đây...
Bình luận 0
 img
Kiểm lâm viên gỡ đường bẫy mới phát hiện.

Dấu vết mờ mịt

Sau đêm ngủ rừng đầu tiên bị đánh thức liên tục bởi những tiếng gọi nhau của lũ thú đi ăn, chúng tôi lại bắt đầu một ngày mới bằng bữa ăn với thực đơn quen thuộc: Canh lá nhíp, đọt mây xào thịt. Chắt nồi nước sôi vào đầy ba chiếc bình tông và chia mỗi người một bọc cơm nắm, anh Thái phổ biến: “Sáng nay chúng ta sẽ đi kiểm tra ở khu vực bầu Trâu, đây cũng là nơi có thể tìm thấy dấu của tê giác, và cũng là điểm nóng của nạn bẫy thú trộm!”.

Hơn một giờ đồng hồ hành quân liên tục, chúng tôi đến được bầu Trâu. Đây là khu vực có địa hình khá bằng phẳng, rừng thưa, chỉ có cây cổ thụ và những vạt sâm tre mọc đến ngang thắt lưng người, xen vào đó là những mạch nước ngầm từ trên núi đổ xuống tạo thành những vũng nước và những con lạch nhỏ. Rút chiếc máy định vị toàn cầu ra xác định vị trí, anh Thái nói với anh Vinh: “Mình ra con đường năm ngoái vừa đi xem có xuất hiện những dấu mới không”.

Tới một đường mòn nhỏ, gạt lớp lá mục ra để lộ những dấu chân to tròn như những chiếc đấu đong gạo, anh Thái nói: “Đây là dấu chân tê giác từ cuối mùa mưa trước, con tê giác này cũng đã trưởng thành. Theo tính toán của các chuyên gia đi khảo sát tê giác năm ngoái thì nó có thể nặng khoảng 1 tấn. Có lẽ đây là cá thể tê giác duy nhất còn tồn tại trong rừng.

Những mùa mưa trước chúng tôi đi khảo sát đều thấy dấu vết mới của con vật này, nhưng sau khi một con tê giác bị bắn chết ở xã Gia Viễn, thì dấu mới ở khu vực này không thấy xuất hiện nữa”.

Theo anh Thái, trong nhiều năm khảo sát, cả chụp ảnh lẫn quay phim (năm 2006) cho thấy đây chỉ là một con tê giác cái. “Sở dĩ tê giác nước mình bị sụt giảm đến chóng mặt như vậy là vì các con đực có sừng đã bị bọn săn trộm tiêu diệt hết, những con cái không thể tự giao phối được!” - bới lại dấu chân tê giác năm trước, anh Thái phân tích.

Anh cũng cho biết, vào mùa mưa trước, khi đi kiểm tra trạm đã gỡ được những chiếc bẫy khổng lồ. Bọn săn trộm dùng hẳn những sợi cáp lụa to như ngón tay để giăng bẫy. Với loại này thì con thú to cỡ bao nhiêu cũng chẳng thể nào thoát.

Quá thất vọng vì không gặp dấu vết mới của loài tê giác, anh Vinh bảo, thế là báu vật của rừng già mà kiểm lâm chúng tôi và cả những nhà khoa học gìn giữ suốt nhiều năm cuối cùng đã bị hủy hoại. Nếu cứ cái đà săn trộm, bẫy trộm thế này thì chỉ vài năm nữa thôi rừng chỉ còn là rừng rỗng.

Phá tan đường bẫy

Nhìn những ngọn lá nhíp mới bị hái còn tuôn nhựa, anh Vinh nhận định, mới hôm qua cũng có người đột nhập vào rừng. Chắc chắn đây là bọn vào rừng đặt bẫy thú trộm. Với kinh nghiệm 26 năm trong nghề, anh Thái bảo đi ngang quả đồi này thế nào cũng gặp bẫy. Chúng tôi lại ngược dốc. Đi chừng 100m thì anh Vinh ra hiệu cho mọi người chậm lại.

Trước mắt chúng tôi, một vệt cây bị chặt hạ xếp thành hàng rào chắn ngang đường di chuyển, cứ khoảng 15m lại để ra một lối đi nhỏ, ở đó có một sợi bẫy bằng dây phanh xe đạp giăng ra, tạo thành một cái thòng lọng.

Phải mất gần một giờ đồng hồ chúng tôi mới gỡ hết các sợi bẫy, với tổng cộng 31 sợi đã giăng ra, đồng thời thu được toàn bộ đồ đi rừng của kẻ săn trộm để lại, gồm: lương thực, nước uống, 2 bao tải mang theo để đựng thú và 1 con dao đi rừng.

Anh Thái cho biết: “Đây chỉ là bẫy bắt những con thú nhỏ như cầy, nhím, heo rừng. Nguyên lý hoạt động rất đơn giản, chúng làm thòng lọng rồi đặt một thanh tre chắn ngang tạo thành một chiếc cò, rồi vít cành cây xung quanh xuống làm cần giữ. Khi con vật đi qua làm bật cò, thòng lọng thít lại, con thú sẽ bị treo ngược lên cây. Có những đường bẫy dài đến 2km nằm vắt ngang qua mấy quả đồi với hàng trăm chiếc thòng lọng giống như tấm lưới khổng lồ, không con thú nào đi qua mà thoát được”.

Nhìn những cây đã bị chặt để làm đường bẫy vẫn còn xanh tươi rỉ nhựa ra, anh Vinh bảo, lần theo dấu này thế nào cũng gặp bọn đang phát rừng làm bẫy. Nghe anh Vinh nói vậy, 3 chúng tôi như 3 con sóc nhẹ nhàng lần theo đường cây bị chặt để bắt kẻ giết rừng. Nhẹ nhàng đi, bỗng anh Vinh thì thào vào tai tôi: “Đối tượng kia rồi!”.

Hắn đang mải miết phát cây làm bẫy. Sau 1 phút trao đổi anh Thái nói nếu lao tới bắt hắn lúc này rất dễ sổng vì chỗ này cây thưa mà kẻ chạy trốn thường lao như thiêu thân. Bởi thế, anh Vinh được phân công trườn tới tiếp cận đối tượng, khoảng cách được thu hẹp còn khoảng 10m.

Như có linh tính mách bảo, kẻ đặt bẫy đang làm bỗng ngưng phát, con dao vẫn khư khư trên tay. Tiếp cận mục tiêu, anh Vinh quát: “Đứng im!”. Sau một tích tắc ngỡ ngàng, trấn tĩnh, hắn phóng luôn con dao về phía anh rồi bỏ chạy giống như một con thú hoang tìm đường tháo thân. Tránh được mũi dao hiểm thì đối tượng đã lao đi mất, anh Vinh rượt theo nhưng không kịp vì rừng quá rậm.

Đón đọc bài cuối: Sát thủ trả giá

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem