Theo dấu chân tê giác

Thứ hai, ngày 28/06/2010 17:40 PM (GMT+7)
(NTNN) - Mấy ngày qua, dư luận xôn xao chuyện có người bỏ cả núi tiền nhập hai con tê giác từ châu Phi về nuôi. Phải chăng ở Việt Nam, loài động vật này thực sự còn tồn tại? PV NTNN đã thâm nhập Vườn quốc gia Cát Tiên để tìm câu trả lời.
Bình luận 0
 img
Nhiều giai thoại được đồn thổi về công dụng chữa bệnh của các bộ phận tê giác.

Đồng bào dân tộc Xtiêng sống ở xã Phước Cát 2, thuộc vùng lõi của rừng quốc gia Cát Tiên vẫn truyền tai nhau về câu chuyện tê giác, như là một con vật linh và ai hạ được tê giác người đó sẽ có sức mạnh vô địch, trường sinh bất lão. Nhưng câu chuyện đó đến nay vẫn chưa được ai kiểm chứng.

Lời của già làng

Từ thành phố Đà Lạt, tôi vượt hơn 200km đường đèo dốc để có mặt ở buôn Pù Khiêu, xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng). Hỏi KGiang “tê giác” ai cũng biết, bởi cả cái buôn có 16 nóc nhà này chỉ có một mình KGiang là già nhất và biết nhiều chuyện về tê giác nhất.

Mới đi từ rẫy ngô về KGiang nói: “Ta sống 71 mùa rẫy rồi và đã nhiều lần được thấy và đối đầu với tê giác. Nó là một con thú tinh khôn và không phải ai cũng có thể gặp được. Người Xtiêng và người Châu Mạ ở vùng này khi còn nhận thức thấp và mơ hồ, vẫn nghĩ rằng ai giết được tê giác thì người đó sẽ trường sinh bất lão vì con tê giác chẳng khác gì một kho thuốc quý di động”.

Theo già KGiang, quan niệm của người Xtiêng, Châu Mạ là máu của tê giác lúc tươi có thể chữa được bách bệnh, từ đau đầu, đau lưng đến mê sảng hay sức khoẻ suy kiệt... vì tê giác biết chọn cây thuốc quý để ăn. Còn da của tê giác thì có tác dụng chữa rắn cắn vô cùng hiệu nghiệm. Nếu ai bị rắn độc cắn chỉ cần có một miếng da tê giác nhỏ bằng trôn bát, đắp vào vết cắn tức khắc nó dính chặt vào và hút nọc độc ra, tới khi nào hết chất độc thì miếng da đó tự rụng ra.

Để giữ “báu vật” đó, người ta chỉ việc ngâm miếng da vào rượu rồi đem phơi là có thể dùng được lại. Nhưng nhiều người vẫn nghĩ rằng sừng tê giác mới là một dược liệu linh nghiệm nhất.

Sở dĩ tê giác mỗi lần giao phối có thể kéo dài đến nửa ngày bởi mọi sức mạnh đã được tiết ra từ cái sừng. Nếu người đàn ông nào uống rượu sừng tê giác sẽ tăng sức mạnh trong lĩnh vực phòng the, mạnh cốt cường dương. Ngay cả phân tê giác phơi khô cũng được người ta ngâm rượu dùng để uống mỗi khi mệt mỏi.

Liệt kê một hồi về những công dụng của các bộ phận tê giác xong, già làng KGiang bảo: “Nói là thế thôi chứ thực chất cũng chưa có khoa học nào chứng minh công dụng của các bộ phận tê giác cả. Ngày xưa tê giác ở đây nhiều lắm, ai cũng muốn săn nhưng nó khôn lanh nên không ai có thể săn được. Hồi chiến tranh chống Mỹ có súng quân dụng thì mới có người bắn được tê giác thôi, chứ cung nỏ của đồng bào chúng tôi, không thể nào cắm được vào da của con vật này.

Đã có một số người đã hạ được tê giác nhưng họ đều là những người đi săn thuê, theo sự đặt hàng của những người thành phố và súng cũng được chuyển từ thành phố lên để giao cho những người săn trộm. Theo già KGiang thì những người tò mò về tê giác lúc nào cũng có mặt ở đây, mặc dù chốn này là vùng khỉ ho cò gáy, sơn cùng thuỷ tận để hòng chiếm đoạt được tê giác.

Kỷ niệm khó quên

Già làng KGiang kể, tê giác lạ lắm, lúc mình đi rừng một mình thì gặp được, nhưng khi cả trăm người tham gia vào dự án khảo sát tê giác, ăn ở luồn rừng cả tháng trời lại chẳng thấy bóng dáng nó đâu.

Vừa ôm con khỉ con trong lòng, già KGiang nhớ lại những lần đụng đầu nhớ đời với tê giác. Ông kể, vào đầu tháng 7- 1999, nhập nhoạng tối, ông và vợ là bà Điểu Níc đang đốt những cành khô trên rẫy điều thì bất thình lình một con tê giác đực ở đâu hiện ra. Nó dài chừng 3m, đen bóng và to bằng con voi.

“Chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì bất ngờ nó lao về phía chúng tôi. Hốt hoảng, cả 2 phải chạy vòng vèo hình chữ chi lượn qua các cây điều để về chòi canh. Thế nhưng con tê giác không chịu bỏ cuộc, nó vẫn bám riết, nó chạy tới làm hàng loạt cây điều ngả rạp. Chỉ đến khi thấy đống lửa lớn đang cháy thì nó mới khựng lại.

Hai vợ chồng tôi hết hồn trèo tuột lên chòi, không dám xuống đất nấu cơm nữa. Suốt cả đêm hôm đó con tê giác vẫn quanh quẩn trong rẫy điều, nó không chịu đi. Đợi cho lửa tắt, nó mới phì nước miếng vào đống than củi và ăn gần hết cả đống than lớn. Trời sáng, nó mới lững thững đi”.

3 ngày sau, vẫn con tê giác đực đó, dẫn theo một con tê giác cái chửa to kềnh càng về lại rẫy điều nhà KGiang. Chúng rống suốt cả đêm. Sáng ra, từ chòi canh, vợ chồng ông đã thấy một chú tê giác con vừa mới chào đời. Trông bé như con nghé con. Gia đình tê giác đó ở trong rẫy điều nhà ông KGiang suốt 10 ngày trời. Sự kiện lạ lùng đó đã khiến bà Điểu Níc đùa với những người làm rẫy ở cạnh đó rằng: “Nhà tôi nuôi tê giác đó. Nó đang đẻ, nếu bán sẽ được khối tiền!”.

Tuy là nói đùa nhưng nhìn những con tê giác sống hồn nhiên trong khu rẫy, nhiều người vẫn cứ tin là thật. Lý giải về chuyện lạ lùng này, KGiang cho biết, sở dĩ vợ chồng tê giác về rẫy nhà ông để sinh con là do đây là khu vực bầu chim, có nguồn nước khoáng rất tốt cho tê giác con. Bởi thế, sau khi đi thám thính, tê giác bố mẹ đã quyết định chọn nương rẫy nhà ông để vượt cạn.

Sau lần tê giác về rẫy nhà mình sinh con, còn nhiều lần khác ông KGiang đã bắt gặp loài vật này. Và, ngay cả bức ảnh chụp được tê giác tại vườn Cát Tiên cũng là do ông chỉ chỗ để các nhà khoa học đặt bẫy ảnh.

----------------

Đón đọc bài 2: Xâm nhập rừng già

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem