Tìm giải pháp tăng số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình phi lợi nhuận

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 24/11/2023 16:11 PM (GMT+7)
Việt Nam thực hiện 6 chương trình phi lợi nhuận nhằm đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Hiệu quả đã rõ, nhưng việc triển khai cá chương trình còn gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

5 năm gần đây đưa hơn 127.000 lượt lao động đi làm việc ở Hàn Quốc

Sáng nay (25/11) Bộ LĐTBXH tổ chức Hội thảo Thúc đẩy đưa người lao động các tỉnh phía Bắc đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận và giải pháp giảm số lượng lao động không về nước đúng quy định.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, hiện nay Bộ đang triển khai nhiều chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức phi lợi nhuận. Người lao động chỉ phải đóng một khoản phí rất thấp, được hỗ trợ vay vốn, đào tạo tiếng... để đi làm việc ở nước ngoài.

Có thể kể tới một số chương trình như: Chương trình EPS; Chương trình IM Japan; Chương trình hộ lý Osaka; Chương trình Đài Loan; Chương trình Hand in hand...

Ông Đặng Huy Hồng - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) - đơn vị dịch vụ công được Bộ LĐTBXH giao triển khai các chương trình phi lợi nhuận cho biết, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập, điều kiện lao động tốt, thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ gia tăng đáng kể.

Có thể kể tới như: Nhật Bản; Hàn Quốc; Đài Loan (Trung Quốc)... đây là những thị trường dẫn đầu trong việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc.

đi làm việc EPS

Lãnh đạo Bộ LĐTBXH, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Việc làm, Trung tâm Lao động ngoài nước tham gia chủ trì Hội thảo. Ảnh: N.Sơn

Ông Hồng cho biết, Chương trình EPS được thực hiện từ năm 2004, thay thế cho chương trình Tu nghiệp sinh. Chương trình này có nhiều ưu điểm: Bảo đảm quyền lợi cho người lao động, lao động tham gia chương trình được hưởng đầy đủ chế độ tiền lương, bảo hiểm như người lao động bản địa, mức lương tới thiếu hơn 2 triệu Won (khoảng 36 triệu đồng) chưa kể tiền lương làm thêm giờ.

Hiện nay lao động đi làm việc theo chương trình này trong 5 ngành nghề gồm: Sản xuất chế tạo; xây dựng; nông nghiệp; ngư nghiệp; đóng tàu. Hiện phía Hàn Quốc đang nghiên cứu đề xuất mở rộng thêm các ngành nghề.

Ông Hồng cũng cho biết, từ năm 2024 đến nay Việt Nam đã phái cử được hơn 127.295 lượt lao động đi làm việc theo chương trình EPS. Số lao động ở miền Bắc chiếm tỷ lệ hơn 40% tổng số lao động trong cả nước.

Ông Trần Văn Hà - Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang cho biết để thúc đẩy hoạt động đưa người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp toàn diện. Ngoài giải pháp truyền thông, vận động, hỗ trợ, kết nối, tỉnh còn giao chỉ tiêu cho từng xã, phường, quận huyện.

Nhờ có những giải pháp quyết liệt, mà thời gian qua tỷ lệ lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh thuộc diện cao nhất nhì cả nước. Mỗi năm, Bắc Giang có từ 3.000 - 4.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện tại toàn tỉnh có khoảng 30.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tính chung 9 tháng năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 lao động, đạt 101,37% kế hoạch năm 2023, (năm 2023, kế hoạch đưa 110.000 lao động đi làm việc) và bằng 108,23% so cùng kỳ năm ngoái, vượt xa cả thời kỳ đỉnh cao đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2019. Năm 2019, Việt Nam có 147.387 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng 9 tháng đầu năm 2019 chỉ đưa được khoảng 100.000 lao động đi làm việc.

Trong đó, tỉnh dẫn đầu cả nước đưa lao động đi làm việc theo chương trình EPS. Giai đoạn năm 2019 -2023 tỉnh có hơn 2.000 lao động đạt kỳ thi tiếng Hàn, trong đó 1.000 lao động xuất cảnh sang làm việc trong ngành nông nghiệp (25% lao động làm trong ngành nông nghiệp).

"Mặc dù là tỉnh có đông khu công nghiệp nhưng tỉnh tỉnh vẫn các định đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh chú trọng tới việc tạo việc làm cho lao động hết hạn hợp đồng về nước ngay chính tại các doanh nghiệp ở địa phương bởi đây là lực lượng lao động có tay nghề, có chuyên môn và tiếng", ông Hà nói.

Tuy đạt được nhiều thành tựu trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng theo ông Hà, điều kiện để lao động tham gia các chương trình phi lợi nhuận còn hạn chế. Ví dụ như: Chỉ tiêu tuyển dụng hạn chế; thời gian đi phải chờ đợi khá lâu; tiền ký quỹ cao...

Lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc có chiều hướng tăng

Mặc dù tỷ lệ lao động đi làm việc theo chương trình EPS tăng qua các năm nhưng tỷ lệ lao động bất hợp pháp cũng có chiều hướng gia tăng. Báo cáo của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết trong năm 2022 và 10 tháng đầu năm 2023 tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đang có dấu hiệu tăng trở lại như năm 2022 tỷ lệ này là hơn 28%. 9 tháng đầu năm là 2023 là hơn 34% (tháng đầu năm tỷ lệ này ở một số tỉnh tăng cao hơn). Ví dụ Hải Dương hơn 36,8%; Lạng Sơn hơn 36%; Nam Định hơn 33%; Vĩnh Phúc gần 40%... cao hơn mức bình quân của cả nước (34,54%) và cao hơn so với mức cam kết của Hàn Quốc trong năm 2023 (28%).

Chia sẻ với PV Dân Việt về con số này, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết sở dĩ con số lao động bất hợp pháp thời điểm này có tăng hơn trước năm 2022 và tăng cao hơn ở một số địa phương là bởi một số điều kiện khách quan.

Trước đây do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp phía Hàn Quốc ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Nhu cầu tuyển dụng lao động không cao nên lao động nhảy việc, bỏ trốn làm lao động bất hợp pháp không nhiều.

"Gần đây, tình hình kinh tế khởi sắc vì thế nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, người lao động vì thế cũng cân nhắc, lựa chọn và bỏ trốn tìm kiếm những công việc có thu nhập cao hơn", ông Liêm nói.

Về giải pháp, ông Liêm cho rằng ngoài những giải pháp vẫn tuyên truyền vận động, cũng như cấm xuất cảnh lao động quận, huyện có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao thì vẫn cần Hàn Quốc có những giải pháp mạnh mẽ xử lý doanh nghiệp tuyển dụng lao động bất hợp pháp.

lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan phát biểu kết luận tại Hội thảo. Ảnh: N.Giáp

Kết luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Bá Hoan - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình phi lợi nhuận có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động.

Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường chỉ đạo của Đảng về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tuyên truyền về Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và Quyết định 40 Quỹ hỗ trợ lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bộ giao cho trung tâm Lao động ngoài nước thực hiện các chương trình phi lợi nhuận, chi phí thấp để đưa lao động đi làm việc.

Ông Hoan đề nghị Cục Việc làm kết nối với các đơn vị để xây dựng cơ sở dữ liệu việc làm tại các địa phương, thực hiện hỗ trợ tạo việc làm cho lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước, nhất là lao động đi làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản, tận dụng lao động hết hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài về nước vào làm tại các doanh nghiệp trong nước…

Thứ trưởng cũng đề nghị các bên, trong đó có các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... tăng chỉ tiêu tuyển dụng lao động đi làm việc ở các thị trường lớn.

"Chúng tôi đề nghị Ngân hàng chính sách, địa phương... bố trí vốn, hỗ trợ đào tạo định hướng, hỗ trợ ngoại ngữ... để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài", Thứ trưởng Hoan nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem