Tìm lại những viên ngọc vô giá

Thứ ba, ngày 13/11/2012 11:03 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với 1.000 tác phẩm, công trình văn hoá, văn nghệ dân gian của 54 dân tộc VN đã xuất bản, tới đây thêm 1.500 tác phẩm, công trình sẽ tiếp tục ra đời, góp thêm những viên ngọc quý vào kho tàng văn hóa dân gian.
Bình luận 0

Những viên ngọc quý

Thực hiện Dự án “Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam”, giai đoạn I đã được hoàn thành từ năm 2008 – 2012 với 1.000 tác phẩm đã được công bố và được đưa về gần 600 thư viện, tất cả các trường đại học, các hội văn học nghệ thuật, các đài truyền hình, đài phát thanh.

img
Giáo sư Tô Ngọc Thanh đang giới thiệu một số các tác phẩm đã xuất bản trong giai đoạn I của dự án.

Cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1598/QĐ-TTg phê duyệt Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam giai đoạn II (2013 – 2017). Điều đó có nghĩa, khi dự án hoàn thành, chúng ta sẽ có tổng cộng 2.500 công trình- tác phẩm. Đây là nguồn tư liệu quý giá cho những nhà nghiên cứu nhà văn hóa và tất cả những ai quan tâm đến văn hóa, văn nghệ dân gian.

Có thể nói đây là một dự án mang tính lịch sử, là những “của để dành” cho con cháu đời sau. Nói như GS-TS khoa học Tô Ngọc Thanh – Trưởng ban chỉ đạo Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam: “Những tác phẩm-công trình đó như là những viên ngọc quý, hôm nay không đeo, sau 30 năm nữa mới đeo, ngọc vẫn toả sáng”.

Mỗi tác phẩm- công trình văn nghệ dân gian được dựa trên 5 tiêu chí nhất định. Lĩnh vực đầu tiên là về văn hoá sản xuất, là mối quan hệ con người đối với thiên nhiên, toàn bộ tri thức về nông nghiệp, môi trường về sản xuất… Lĩnh vực thứ 2 văn hoá xã hội, là mối quan hệ con người với cộng đồng, tức là mối quan hệ xã hội bao gồm về luật tục, luật lệ, quy chế về hôn nhân, tang lễ, hội lễ, tâm linh…

Lĩnh vực thứ 3 là quan hệ với chính bản thân con người, ăn, ngủ, tình cảm. Lĩnh vực thứ 4 là văn hoá tâm linh, tức là mối quan hệ với những điều không trông thấy thì đó là mối quan hệ chi phối tư duy con người, chi phối nhận thức về vũ trụ, về thế giới và về nhân sinh, sự biết ơn đối với tổ tiên. Lĩnh vực thứ 5 là mối quan hệ với cái đẹp, là văn học nghệ thuật dân gian. Đó là cái đẹp về mặt nhân cách, về mặt con người, cái đẹp cả về tâm hồn và hình thức.

Công trình một đời người

Theo GS Thanh, mỗi dân tộc có một tập tục, tâm linh, luật lệ riêng mà chúng ta cần tìm hiểu cũng như lưu giữ nó. Ví dụ tang lễ của người Tày sẽ khác với tang lễ của người Mường, người Khơ Mú, người Kinh… hay như những tập tục thì mỗi dân tộc là một nét khác biệt với sự hấp dẫn riêng. Tuy nhiên GS cho biết, để có được những tác phẩm-công trình như thế, 1.200 cộng tác viên và các nhà khoa học chuyên ngành đã lao động rất âm thầm, lặng lẽ và gian khổ, thậm chí là không công trong nhiều chục năm qua.

GS Tô Ngọc Thanh cho biết, gần 20 nhà khoa học chuyên ngành sẽ cùng Ban chỉ đạo đọc duyệt về chất lượng khoa học của các công trình.

Mỗi công trình đều phải xuống cơ sở tìm hiểu, vì thế một công trình phải mất ít nhất là 3 năm, thậm chí có công trình lên đến 10 năm mới xong. Ví dụ như cố nhà giáo Bùi Thiện đã phải mất cả đời mới hoàn thành một cuốn sách nói về văn hoá Mường. Khi đang còn giảng dạy, ông đã tự mình đi sưu tầm những tư liệu về văn hoá Mường và viết ra bản thảo với 7.000 trang tác phẩm bằng tiếng Mường.

“Bây giờ nếu có ai muốn đọc, nghiên cứu, tìm hiểu về cơm đồ, nước vác, nhà đất, lợn thui, ngày lui, tháng tới… thì tìm cuốn sách của nhà giáo Bùi Thiện, một cuốn sách được lưu giữ toàn bộ về văn hoá Mường trong đó” - GS Thanh nói.

Không chỉ khó khăn về việc sưu tầm, mà còn khó khăn về biên tập tác phẩm, bởi cách chọn tác phẩm, cách biên tập, đọc duyệt của dự án rất khác so với những nhà xuất bản khác. Sai một ly đi một dặm, không dễ gì cải chính được nên tác giả công trình phải là những nhà có chuyên môn, phải có nền tảng về văn nghệ dân gian. Ngoài ra, kinh phí để xuất bản cũng là một vấn đề khó khăn không nhỏ, mà theo GS Tô Ngọc Thanh, từ năm 1995, Nhà nước chỉ “động viên tinh thần” là chính nên việc xin kinh phí luôn là nỗi trăn trở của những người làm công tác sưu tầm văn học dân gian. Tuy nhiên, giờ đây, mọi việc đã thay đổi.

“Tôi vui mừng và rất biết ơn, phải nói là ngay khi có được quyết định của Thủ tướng, mấy ngày liền tôi không ngủ được” - GS Thanh tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem