Tìm nguồn nhập khẩu vắc xin Covid-19, "tăng tốc" sản xuất vắc xin Việt Nam
Tìm nguồn nhập khẩu vắc xin Covid-19, "tăng tốc" sản xuất vắc xin Việt Nam
Diệu Linh
Thứ sáu, ngày 14/08/2020 06:08 AM (GMT+7)
Trước thông tin thế giới đã có vắc xin Covid-19 như Nga, Mỹ, ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1 Bộ Y tế (VABIOTECH) cho biết, Công ty ông cũng đang tìm nguồn nhập khẩu vắc xin Covid-19 để có vắc xin phòng Covid-19 sớm nhất cho Việt Nam.
Ông Đạt cho biết, Công ty VABIOTECH ngoài việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin thì cũng là đơn vị nhập khẩu vắc xin. Do đó, khi có thông tin Nga, Mỹ đã có vắc xin Covid-19, VABIOTECH đã có các mối, tiếp cận các đơn vị thương mại trên thế giới để tìm nguồn nhập khẩu vắc xin này vào Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Đạt cũng đánh giá, hiện tại vắc xin Covid-19 đang "hot", nhiều Chính phủ cũng đã đặt mua với số lượng lớn, giá cao, thậm chí là đặt hàng khi vắc xin chưa được thương mại hóa, do đó đối với các nước hạn chế về tài chính, đơn hàng nhỏ thì việc mua được vắc xin Covid-19 không dễ dàng.
"Chúng tôi đang cố tìm nguồn vắc xin Covid-19 để nhập về Việt Nam càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, hiện tại các nhà sản xuất vẫn trả lời là "chờ đợi", vì họ phải đáp ứng nhu cầu trong nước, sau đó ưu tiên đơn hàng lớn, rồi mới đến các đơn hàng nhỏ", ông Đạt chia sẻ.
Do đó, giải pháp trước mắt vẫn là Việt Nam cần "tăng tốc" nghiên cứu để sớm sản xuất thành công vắc xin Covid-19, tự chủ về nhu cầu vắc xin trong nước.
Về vắc xin mà VABIOTECH đang nghiên cứu, ông Đạt cho biết, thử nghiệm trên động vật gần đây cho thấy, sau khi tiêm mũi nhắc lại, kháng thể trong máu có tăng lên. "Với tiến độ như hiện nay, đầu năm 2021 chúng tôi sẽ thử nghiệm vắc xin trên người tình nguyện, nhóm nhỏ. Khi hoàn thiện, quy mô sản xuất có thể đạt 100 triệu liều/năm", ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, hiện công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19 của Việt Nam là công nghệ vector virus, cùng với công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19 của Nga vừa công bố. Với công nghệ này có thể nâng được công suất sản xuất vắc-xin lên nhanh chóng trong thời gian ngắn trong khi công nghệ cũ các lô mẻ sản xuất năng suất thấp hơn, hiệu suất thấp hơn và phải qua nhiều bước để nhân chủng, tinh chế...
Bộ Y tế cho biết cùng với nghiên cứu thử nghiệm vắc xin các đơn vị sẽ thành lập quy trình sản xuất quy mô công nghiệp, số lượng lớn, sẽ tăng công suất từ 3 triệu liều lên 6 - 10 triệu liều và hàng trăm triệu liều/năm. Cả nước có 3 trung tâm thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 tại 3 miền. Dự kiến, cuối năm 2021 sẽ có vắc xin Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Tin cùng sự kiện: Dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.