Tìm ra nguyên nhân chính khiến Ebola bùng phát thành đại dịch

Huyền Anh (Theo NBC News) Thứ năm, ngày 16/02/2017 15:25 PM (GMT+7)
Các nghi thức tang lễ truyền thống chính là một trong những nguyên nhân quan trọng trong việc thúc đẩy Ebola trở thành đại dịch.
Bình luận 0

img

Việc tập trung chôn cất an toàn đã góp phần dập tắt đại dịch Ebola

Một câu chuyện mà các chuyên gia vẫn thường xuyên nhắc lại như bài học trong việc phòng chống dịch bệnh Ebola: sau lễ tang một người chết vì virus Ebola ở Sierra Leone, có 13 người khỏe mạnh bị nhiễm bệnh, 13 người này lại lần lượt lây cho hơn 300 người khác. Một phân tích cho thấy rằng chính 3% bệnh nhân “siêu lây lan” (superspreader) này là nguyên nhân gieo rắc virus cho hơn 60% số ca nhiễm trong đại dịch Ebola ở Tây Phi.

Đó cũng chính là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa chứa bí quyết dập tắt căn bệnh ngay từ khi còn trong trứng nước.

Từ năm 2014-2016, dịch bệnh Ebola xuất hiện trên toàn Guinea, Sierra Leone và Liberia với hơn 28.000 trường hợp nhiễm và giết chết ít nhất 11.000 người. Loại virus cực kỳ nguy hiểm này lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các vết xước trên da hay niêm mạc, dịch cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch…) của người bị nhiễm. Không giống như nhiều bệnh khác, nguy cơ lây lan mạnh và nguy hiểm nhất của virus Ebola là giai đoạn cuối, khi người bệnh tử vong.

Các bác sỹ đã đã không mất nhiều thời gian để phát hiện ra rằng nghi thức tang lễ truyền thống trong đó có việc tắm rửa, thay quần áo cho người chết chính là điều kiện thuận lợi cho các ổ dịch. Virus trong máu, mồ hôi và dịch cơ thể của người chết vì Ebola có thể tồn tại và truyền nhiễm trong nhiều giờ thậm chí nhiều ngày.

Việc tuyên truyền người dân tạm thời từ bỏ các nghi thức tang lễ cuối cùng đã giúp ngăn chặn dịch bệnh, nhưng cho đến khi phát hiện và triển khai thì cũng đã có hàng ngàn người nhiễm bệnh.

Các nhà khoa học trước đó đã sử dụng một mô hình tính toán và phát hiện ra rằng trung bình, mỗi bệnh nhân Ebola sẽ lây nhiễm cho 2.39 người khác.

“Trong đại dịch Ebola, rõ ràng vai trò của các “superspreader” là vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy bệnh dịch", nhà nghiên cứu Benjamin Dalziel thuộc Đại học bang Oregon cho biết. Ngoài ra, độ tuổi cũng là một yếu tố nhân khẩu học đáng chú ý. Trong đó, trẻ nhỏ và người già là nhóm đối tượng được rất nhiều người quan tâm chăm sóc, dễ hiểu đây cũng là nhóm dễ lây cho người khác nhất.

Ebola cuối cùng đã bị dập tắt nhưng không phải nhờ vắc xin hay thuốc mà với nỗ lực của các lực lượng y tế công cộng rộng trong việc tập trung chôn cất an toàn và nhanh chóng cách ly những người có triệu chứng ban đầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem