Sáng nay 16.4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, từ năm 2014, NHNN đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai rộng rãi trên toàn quốc Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là DNNVV trong quan hệ tín dụng ngân hàng.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, UBND các cấp, ngành ngân hàng đã tổ chức hàng ngàn buổi gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp, để cùng các Sở, ngành, chính quyền các cấp tháo gỡ cho doanh nghiệp những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo phó Thống đốc, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhận thức được vị trí và vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai hệ thống chính sách đồng bộ thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp về hành lang pháp lý, trợ giúp tiếp cận các nguồn lực để phát triển.
Về phía NHNN, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã xây dựng các Chương trình hành động của ngành , triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp như: hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD theo hướng tăng cường thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm của TCTD trong việc cho vay đối với doanh nghiệp, người dân theo quy định của Luật các TCTD, triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn trong một số ngành/lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, tháo gỡ nhiều cơ chế chính sách, thủ tục hành chính....giúp các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn của các TCTD ngày càng thuận lợi và nhanh chóng hơn.
“Đến nay, điều kiện cho vay tháo gỡ rất tích cực như nâng hạn mức cho vay tín chấp nông nghiệp nông thôn từ 100 triệu lên 200 triệu đồng hay như chính sách cho vay ngoại tệ đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu…Đặc biệt là về chính sách lãi suất, NHNN luôn chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí hoạt động một cách hợp lý nhất để giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp truyền thống, hoạt động hiệu quả.… không có chuyện NHTM tăng lãi suất trong năm 2019", ông Tú chia sẻ.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Trong thời gian tới, phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên...
“Năm nay ngành NH phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tạo dư địa cho sự phát triển của nền kinh tế. Sự quyết tâm của ngành NH không để cho tăng trưởng của năm nay thấp hơn nhưng vẫn phải giữ lạm phát ở mức mục tiêu 4% như Quốc hội đề ra hồi đầu năm. Nếu năm nay, NHNN phải buộc thắt chặt chính sách để đảm bảo các chỉ tiêu đó thì ngành NH vẫn cam kết đảm bảo đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu thắt chặt sẽ thắt chặt ở những lĩnh vực không phải lĩnh vực ưu tiên”, ông Đào Minh Tú khẳng định.
Ông Tú cho biết, trong điều kiện chính sách tiền tệ thắt chặt, nêu các NHTM thiếu vốn để đáp ứng cho các lĩnh vực ưu tiên, NHNN sẽ cấp vốn thông qua các công cụ cấp vốn của thị trường.
Tại Hội nghị, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, 3 tháng đầu năm 2019, dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018. Nguồn vốn tín dụng được đẩy mạnh tập trung các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,63% (tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tăng 3,16%), tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 7,25%, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,5%.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo NHNN, các chương trình, chính sách cho vay đối với doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Trong đó, theo ông Tần, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được điều kiện vay vì năng lực tài chính hạn chế, thiếu vốn đối ứng, phương án kinh doanh thiếu khả thi, công tác hạch toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch trong khi lại thiếu tài sản đảm bảo ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Ngoài ra, phần lớn các DNNVV có quy mô nhỏ, trình độ quản lý và áp dụng khoa học vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế; hoạt động mang tính tự phát, thiếu kế hoạch và chiến lược cụ thể. Các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển DNNVV thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Về phía Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, thừa nhận hiện nay các NHTM rất sẵn sàng cho vay và có nhiều gói tín dụng dành cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Tiền thì NHNN có, DN thì muốn vay tiền. Vấn đề tại sao không cho vay được dù NH rất muốn”, ông Thân đặt câu hỏi?
Theo ông Thân, DNNVV có năng lực chưa đảm bảo so với mặt bằng quốc tế như năng lực lãnh đạo, khả năng viết báo cáo tài chính. “Chính vì vậy, nếu NHNN không hạ thấp điều kiện cho vay xuống thì doanh nghiệp sẽ không cho vay được. Chúng tôi đề nghị NHNN xem xét hạ điều kiện cho vay thấp xuống thêm 1 bước nữa. Mặc dù điều kiện vay đã hạ dần rồi nhưng theo thôi vẫn chưa tháo gỡ được nút thắt hiện nay giữa NH và DN”, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV nêu đề xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.