“Tín dụng đen” bóc lột nông dân nghèo (Kỳ 5): ­­­Tiền nhận đền bù “bay vù” theo chủ nợ

Công Xuân- Huỳnh Đông Thứ hai, ngày 11/12/2017 06:20 AM (GMT+7)
Chưa kịp mừng vì được nhận một số tiền đền bù lớn do có đất sản xuất, nhà cửa nằm trong diện giải tỏa từ các công trình, dự án triển khai trên địa bàn, hàng loạt gia đình ở huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) đã bị cấn trừ tiền vay với lãi cắt cổ trước đó cho các chủ nợ. Theo đó, không ít gia đình dù nhận nhiều trăm triệu đến cả tỷ đồng nhưng ngay sau đó lâm vào cảnh trắng tay, khánh kiệt.
Bình luận 0

Con vay nợ, cha mẹ “gánh lưng” trả

Trong căn nhà xây khá khang trang rộng khoảng 100m2 nhưng vật dụng sinh hoạt bên trong ước tổng giá trị chỉ vài triệu đồng, ông Hồ Văn Trăm (thôn Tre, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà) kể: Vào giữa năm 2017, sau khi nhận được khoảng 770 triệu đồng tiền đền bù từ dự án hồ chứa nước Nước Trong, ông đã chia cho các con hơn một nửa, còn lại khoảng 300 triệu đồng gửi tiết kiệm để dưỡng già. Tuy nhiên, khoảng nửa tháng sau có một số người lạ mặt đến tìm ông và cho biết các con của ông đã vay của họ hàng trăm triệu đồng, với lãi suất 50% (1 triệu đồng sẽ trả 1,5 triệu đồng). Tính đến thời điểm này thì tổng số tiền nợ gồm gốc và lãi mà các con ông Trăm phải trả tất cả gần 300 triệu đồng. 

img

Lực lượng công an bảo vệ người dân khi đến nhận tiền đền bù dự án hồ chứa nước Nước Trong.  Ảnh: C.X

“Dù trước đó chưa nhận tiền bù nhưng đứa nào cũng đi vay để mua xe máy, tivi, ăn chơi đủ thứ. Thấy chủ nợ làm dữ nên tôi phải rút tiền tiết kiệm của mình trả một ít rồi. Chắc sau này cũng phải rút hết để trả nợ cho các con” - ông Trăm nói như khóc.

Tương tự là trường hợp của anh Hồ Văn Khánh, ở thôn Nước Biếc, Trà Thọ. Hơn nửa năm vay nóng, tiền gốc lẫn lãi mà anh phải trả lên đến 400 triệu đồng. Theo đó không chỉ chiếc xe máy – tài sản giá trị nhất trong nhà cũng bị chủ nợ thu giữ, cấn trừ nợ; gần như toàn bộ số tiền đến bù hơn 200 triệu đồng cũng đem trả nhưng vẫn chưa hết. Giờ anh Khánh phải rao bán 2ha vườn để trả nợ và được yên thân.

Trưởng thôn Nước Biếc Đinh Văn Nhít cho biết, trong thôn có 37 hộ dân chuyển về nơi ở mới, nhường đất cho dự án Hồ chứa nước Nước Trong. Trong thời gian chờ nhận tiền đền bù, hỗ trợ đã có khoảng 20 hộ dân đã vay mượn tiền của tư thương, với lãi suất rất cao. Trong đó phần lớn là con cái trong gia đình của các chủ hộ đứng ra vay, sử dụng không đúng mục đích. Đến khi gia đình nhận tiền đền bù đến hàng trăm triệu đồng, nhưng vẫn không đủ trả nợ.

“Họ biết mình trong vùng dự án, có tiền đền bù nên bảo cứ vay, lãi suất 50%, đến khi nhận tiền thì trả” - anh Khánh cho hay. Giao ước bằng miệng, anh Khánh không nhớ đã vay bao nhiêu tiền, chỉ nhớ lần vay ít nhất là 7 triệu, nhiều nhất là 50 triệu đồng...

Không riêng gì 2 trường hợp trên, trước đó tin vào lời dụ dỗ ngon ngọt của một số đối tượng buôn bán từ miền xuôi lên, hàng loạt gia đình ở huyện miền núi Tây Trà, đặc biệt là số có đất và nhà cửa nằm trong diện đền bù giải tỏa của các dự án đã vay mượn để mua sắm xe máy và các vật dụng sinh hoạt trong gia đình, tiêu xài cá nhân... với  lãi suất “cắt cổ” 50%. Tất cả các cuộc vay, mượn tiền chỉ qua thỏa thuận bằng lời nói, cam kết “ngầm”. Theo đó, sau khi nhận tiền đền bù, nhiều gia đình phải trả cho các đối tượng chủ nợ gần như hết sạch. Được biết riêng tại một số thôn ở xã Trà Thọ như Nước Biếc, 35 hộ được đền bù thì gần 30 hộ có vay tiền từ vài chục đến trăm triệu đồng. Còn ở thôn Tre, dù nhận tiền tỷ, nhiều gia đình không đủ trả gốc lẫn lãi cho chủ nợ.

Chính quyền “vạ lây”

Ông Hồ Tấn Vũ-Chủ tịch UBND xã Trà Thọ, huyện Tây Trà cho biết, riêng xã Trà Thọ có 158 hộ nhận đền bù của dự án hồ thủy lợi, tổng 3 đợt là 39 tỷ đồng, trong đó có 19 tỷ đồng đầu tư khu tái định cư (làm nhà cửa cho dân), 20 tỷ đồng được trao cho người dân. Tuy nhiên, khoảng 80% người dân nhận tiền đền bù đã vay tín dụng đen lãi suất 50% trước đó. Nhiều người trả nợ xong lâm vào cảnh tay trắng. Phần lớn trường hợp vay nặng lãi là thanh niên, người trẻ, vay “tín dụng đen” để mua xe máy, điện thoại xịn và chơi bời, ăn nhậu...

img

Cuốn sổ tiết kiệm với số tiền còn lại khoảng 200 triệu đồng mà ông Trăm dự định sẽ rút ra để trả nợ cho con.  Ảnh: C.X

Ông Vũ cho hay, chính quyền địa phương rất nhiều lần giải thích, khuyên bà con không nên vay tiền của các đối tượng này. Thế nhưng vì nhẹ dạ cả tin và tin vào lời ngon ngọt của họ nên người dân vẫn vay. Chính vì vậy tại các đợt chi trả tiền bồi thường từ các dự án, chủ nợ và tư thương bán hàng cho người dân kéo ra chặn đường lấy tiền nợ, tranh chấp với nhau gây mất an ninh trật tự địa phương. Chính quyền địa phương phải can thiệp, nhờ lực lượng chức năng can thiệp.

“Lẽ ra tiền đền bù giúp bà con có thêm điều kiện để làm ăn, chăn nuôi trồng trọt phát triển kinh tế gia đình, thế nhưng không ít hộ dù nhận hàng trăm triệu đồng nhưng nhanh chóng hết sạch. Chuyện vay mượn thì hai bên tự thỏa thuận nên không có cơ sở để can thiệp, xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi” - ông Vũ nói

Được biết, công trình hồ chứa nước Nước Trong nằm trên địa bàn 6 xã của hai huyện Sơn Hà và Tây Trà, có tổng lưu vực 460km2, dung tích chứa 290 triệu m3. Hồ chứa nước Nước Trong đầu tư trên 2.500 tỷ đồng để phục vụ nước tưới cho 52.000ha đất nông nghiệp, phục vụ cho vùng hạ lưu của tỉnh. Để triển khai dự án này có 449 hộ dân di dời đến các khu tái định cư. Tổng số tiền đền bù, hỗ trợ cho các hộ di dời trên 342 tỷ đồng.

Về việc người dân vay “tín dụng đen” và sau đó phải dùng tiền đền bù trả cho chủ nợ, một lãnh đạo huyện Tây Trà cho biết, huyện đã nắm thông tin từ  xã Trà Thọ. Việc vay vốn giữa người dân và các đối tượng cho vay cũng chỉ thỏa thuận ngầm với nhau chứ không có thủ tục giấy tờ gì. Sắp tới, huyện sẽ chỉ đạo cho lực lượng Công an huyện xác minh, điều tra tìm hiểu và có hướng xử lý...

Hệ quả bi thảm

Theo nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hậu quả của việc vay tiền từ tín dụng đen là không thể trả được lãi và gốc của những khoản vay. Trên thực tế, không có ngành kinh doanh nào có thể kinh doanh sinh ra đủ lợi nhuận để chi trả lãi theo hình thức trên. Trong khi về phía cho vay, khi lãi suất lên đến đỉnh điểm, nhiều người không chỉ dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm được mà còn giấu gia đình cắm sổ đỏ vay tiền ngân hàng, đi huy động người thân giúp để có tiền cho vay.

Các đối tượng vay tiền đã đánh đúng vào lòng tham lãi suất cao của người cho vay. Đây là vấn đề rất khó thay đổi bởi nó ăn sâu, bám rễ vào tâm tưởng của một bộ phận dân cư. Mặc dù vẫn biết cho vay ngoài ngân hàng có rất nhiều nguy cơ rủi ro nhưng vì ham lãi suất cao, nhiều người vẫn nhắm mắt đánh cược với số phận. Bởi cho vay lãi cao như vậy chẳng khác gì "gà đẻ trứng vàng". Vì vậy tất yếu lãi mẹ đẻ lãi con, khoản nợ không ngừng tăng lên... Hệ lụy của nó không chỉ là làm méo mó, hủy hoại nền kinh tế, mà thậm chí liên quan đến cả tính mạng con người. Đã có không ít số phận phải kết thúc bi thảm chỉ vì tín dụng đen.

N.A

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem