“Tín dụng đen” hoành hành, Bộ Tư pháp phát hiện nhiều bất cập

PV Thứ ba, ngày 29/01/2019 06:59 AM (GMT+7)
Qua kiểm tra, rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Bộ Tư pháp đã nhận thấy nhiều quy định làm cơ sở cho việc hạn chế hoạt động này. Nhưng, một số quy định cũng được phát hiện không còn phù hợp.
Bình luận 0

Thông tin từ Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển, thực hiện ý kến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, rà soát quy định pháp luật trong các lĩnh vực pháp luật dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Qua rà soát, bước đầu Bộ này nhận thấy Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã có nhiều quy định làm cơ sở cho việc hạn chế hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”.

Bộ Tư pháp viện dẫn, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã dành riêng mục 4, chương XVI để quy định về Hợp đồng cho vay tài sản, bao gồm quyền, nghĩa vụ của bên vay, bên cho vay.

img

Chánh văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, qua rà soát, Bộ này cũng đã nhận thấy có quy định chưa phù hợp với tình hình hiện tại.

Việc chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng tài sản vay; lãi suất cho vay; hình thức hợp đồng vay và các hình thức họ, hụi, biêu, phường cũng đã được quy định rõ ở mục 4 chương XVI.

Theo đó, để kiểm soát các vấn đề liê quan đến việc cho vay nặng lãi, điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể về mức trần của lãi suất cho vay như không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay…

Tiếp theo, Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Theo đó, hành vi cho vay nặng lãi chỉ cấu thành tội phạm khi có đủ hai dấu hiệu:

Lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự; thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Về hình phạt, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung theo hướng thay thế cách tính mức phạt tiền “từ một lần đến mười lần số tiền lãi” bằng mức tiền cụ thể từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng.

Ngoài ra, tại Nghị định số 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình đã có những quy định cụ thể về hành vi vi phạm và thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến cho vay nặng lãi và các hành vi vi phạm khác về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

img

Dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường đã được Bộ Tư pháp trình Chính phủ để đảm bảo cơ sở pháp lý cho các giao dịch đúng pháp luật.

Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Tư pháp cũng nhận thấy, quy định về tính mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản (điểm d, khoản 3, điều 11, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP) do Bộ Công an chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành (vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay), đến nay đã không còn phù hợp với quy định về lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (20%/năm/khoản tiền vay).

Quy định mức tính lãi suất cũng không còn phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Cùng với đó, quy định chưa điều chỉnh được hết các hành vi vi phạm trong giao dịch cho vay.

Hiện nay nhiều trường hợp cho vay không cần cầm cố tài sản, chỉ cần chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ khẩu hoặc giấy tờ tuỳ thân khác hay hình thức bốc họ…

Trước thực tế này, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị với Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167 để khắc phục những bất cập. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường để đảm bảo cơ sở pháp lý cho các giao dịch này phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem