Trước tình hình băng nhóm cho vay nặng lãi lộng hành, lãnh đạo công an một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để tuyên chiến với vấn nạn này; nhằm đem lại bình yên cho người dân, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Cho vay “nóng”… trá hình từ Bắc vào Nam
Nhóm thanh niên hoạt động cho vay nặng lãi bị Công an TP.Cần Thơ bắt giữ vào ngày 12.5. CACC
Trước đây, tôi có vay 20 triệu đồng (vay giùm cho đứa con gái) và nhân viên của công ty cho vay đến nhà nói chỉ đóng hơn 1,9 triệu đồng/tháng. Do nhân viên hướng dẫn vay nói thủ tục đơn giản hơn vay ngân hàng, mọi giấy tờ đều do họ làm hết nên tôi đã đồng ý. Không ngờ, thời gian sau đó, con tôi vô tình đọc hợp đồng mới phát hiện là lãi cao gấp 10 lần của Nhà nước, tiền vay và lãi tổng cộng lên đến hơn 20 triệu đồng...”, chị L.T.M (Rồng Giềng, Kiên Giang) chia sẻ. |
Ngày 21.5, thông tin từ Công an TP.Cần Thơ cho biết, đơn vị này vừa mở đợt cao điểm tấn công tội phạm và vi phạm pháp luật về hành vi cho vay nặng lãi, đòi nợ, xiết nợ theo kiểu “xã hội đen”.
Gần đây nhất, tối 12.5, lực lượng Công an TP.Cần Thơ bắt 8 đối tượng ở Hà Nội đến quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) thuê nhà trọ để hoạt động cho vay nặng lãi.
Tại đây, lực lượng công an phát hiện và thu giữ 70.000 tờ rơi quảng cáo cho vay, gần 60 triệu đồng, nhiều sổ hộ khẩu, giấy CMND, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hồ sơ vay tiền.
Các đối tượng trên khai nhận, Lê Mạnh Vĩ (27 tuổi) là người cầm đầu, tổ chức cho nhóm hoạt động. Bước đầu, Vĩ khai cho người đi phát tờ rơi quảng cáo cho vay tiền với thủ tục đơn giản, hỗ trợ nhanh chóng, trả góp theo ngày, không cần thế chấp, chỉ cần giấy chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu…
Từ đầu năm 2018 đến khi bị phát hiện, nhóm của Vĩ đã cho hơn 100 người trên địa bàn TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long vay, tổng số tiền hơn 400 triệu đồng (với mức lãi suất từ 10 đến 30%/tháng).
Trong số nạn nhân trên có rất nhiều nạn nhân vay tiền vì có hoàn cảnh khó khăn, lãi suất cao nên đã không có khả năng chi trả.
Theo Công an TP.Cần Thơ, ngoài quận Ninh Kiều, trong đầu tháng 5, các địa phương khác trên địa bàn thành phố cũng phát hiện 9 vụ cho vay nặng lãi.
Lực lượng chức năng đã mời các đối tượng có liên quan đến làm việc, theo đó, các đối tượng đều thành thật khai báo là có cho hàng trăm người vay, với lãi suất là từ 20-30%.
Nguồn tin của phóng viên NTNN cho biết, Công an tỉnh Đồng Tháp đang củng cố hồ sơ xử lý một số đối tượng có hành vi “cho vay nặng lãi”. Trước đó, ngày 9.5, lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra hành chính Nguyễn Văn Thư (25 tuổi, ngụ tỉnh Tuyên Quang) khi đối tượng này đang xuất hiện tại một điểm rửa xe ở khóm 2, phường 1, (TP.Sa Đéc).
Kết quả, lực lượng Công an phát hiện và thu giữ 7 cuốn sổ ghi chép việc thu tiền góp hàng ngày của những người vay tiền; hơn 400 hợp đồng đặt cọc liên quan đến hoạt động cho vay và các loại giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu của những người vay tiền; gần 3.000 tờ quảng cáo, trên 500 tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền.
Liên quan đến vụ việc này, cơ quan điều tra đã tạm giữ thêm 2 đối tượng khác. Qua điều tra, nhóm nghi can thừa nhận hoạt động cho vay tiền tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và Tiền Giang, với lãi suất 20%/tháng.
Mới đây, cũng trên địa bàn Đồng Tháp, Công an huyện Lấp Vò đã bắt quả tang Trần Văn Hiền (26 tuổi) và Hoàng Văn Chung (20 tuổi, cùng ngụ tỉnh Lào Cai) có hành vi phát tờ rơi quảng cáo cho vay tiền tại ấp Bình Hiệp A (xã Bình Thạnh Trung). Lực lượng công an thu giữ 1.000 tờ rơi có nội dung trên quảng cáo cho vay tiền với thủ tục cực nhanh; 24 tờ giấy có nội dung hợp đồng mua bán trá hình cho vay tiền theo hình thức tín dụng đen.
Nhiều con mồi sập bẫy
Ở một diễn biến khác, Công an TP.Cần Thơ cho biết, thời gian gần đây, phía công an liên tục nhận được phản ánh từ người dân là nạn nhân của các đối tượng cho vay nặng lãi.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng cho vay với lãi suất cao. Đến hạn, nạn nhân không có tiền trả sẽ bị hăm dọa, đánh đập. Trước thái độ hung hăng của các đối tượng trên, một số nạn nhân đã lén lút bỏ xứ ra đi.
Trước tình trạng trên, lãnh đạo Công an TP.Cần Thơ đã chỉ đạo các phòng ban nghiêp vụ nhanh chóng xác minh, phát hiện các đối tượng tổ chức cho vay nặng lãi chủ yếu từ các vùng miền khác đến như: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa... Do kiếm sống bằng nghề cho vay lãi nặng nên những nhóm đối tượng này thường bấp chất thủ đoạn...
Chia sẻ với PV NTNN, chị Võ Thị Hồng Vân (ngụ ở xã Trường An, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) cho hay, trước đây chị từng vay 5 triệu đồng của một đối tượng cho vay nặng lãi. Khi trả xong, chị tính tổng số tiền lãi và tiền vay mà mình phải đóng là trên 100 triệu đồng.
Bà Lê Thị Dìn (ngụ cùng xã Trường An) bức xúc nói: “Chỉ vì tôi không đóng tiền, không đúng hẹn mà những người cho vay tiền đến nhà tôi đem theo xăng và hợp nước sơn màu đỏ hù dọa, đá cháu tôi té xuống đất”.
Còn gia đình bà Lưu Thị Khen (ở xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) thì bức xúc nhớ lại, chỉ vì trả tiền không đúng hẹn mà nhóm người cho vay nặng lãi đã đến nhà đập phá tài sản và hăm dọa đốt nhà.
Trong khi đó, một nạn nhân ở Giồng Riềng vẫn chưa hết lo lắng khi kể lại. “Trước tôi có vay 20 triệu đồng (vay giúp con gái). Nhân viên của công ty cho vay đến nhà nói chỉ đóng hơn 1,9 triệu đồng/tháng. Do nhân viên nói thủ tục đơn giản hơn vay ngân hàng, mọi giấy tờ đều do họ làm hết nên tôi đã đồng ý. Không ngờ, thời gian sau đó, con tôi vô tình đọc hợp đồng mới phát hiện là lãi cao gấp 10 lần của Nhà nước, tiền vay và lãi tổng cộng lên đến hơn 20 triệu đồng. Rất may là phát hiện sớm, nếu không để thêm vài chục triệu tiền lãi nữa là chúng tôi không thể đóng nổi” - chị L.T.M ở huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) phản ánh.
ĐẠI TÁ TRẦN NGỌC HẠNH – GIÁM ĐỐC CÔNG AN TP.CẦN THƠ: Truy quét băng nhóm cho vay nặng lãi
Liên quan đến việc triệt xoá các băng nhóm cho vay nặng lãi trên địa bàn TP.Cần Thơ, khi nhận được tin báo của người dân, Ban giám đốc Công an thành phố đã cử trinh sát xác minh.
Kết quả đúng như phản ánh của người dân nên chúng tôi chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ và công an các đơn vị, địa phương khẩn trương điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật đối với các nhóm đối tượng cho vay nặng lãi.
Thời gian tới đây, phía công an sẽ tiếp tục mở nhiều đợt tấn công truy quét băng nhóm hoạt động cho vay nặng lãi, xử lý các hành vi phát tờ rơi, đòi nợ thuê… Từ đó hy vọng sẽ đem lại bình yên cho người dân, đảm bảo giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
THIẾU TƯỚNG NGUYỄN MINH THUẤN – GIÁM ĐỐC CÔNG AN ĐỒNG THÁP: Nâng cao ý thức phòng ngừa tác hại của tín dụng đen
Cũng như Công an TP.Cần Thơ, Công an tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục xoá các băng nhóm cho vay trên, từ đó giữ bình yên cho người dân; nhất là người dân ở vùng nông thôn ít có kiến thức về pháp luật, chưa hiểu các thủ đoạn của băng nhóm cho vay từ nơi khác đến.
Công an tỉnh sẽ tập trung rà soát và lập hồ sơ quản lý các đối tượng cho vay lãi nặng, cho lực lượng trấn áp mạnh các băng nhóm bảo kê, đòi nợ thuê trong hoạt động tín dụng đen. Bên cạnh việc truy bắt các đối tượng hoạt động theo kiểu cho vay nặng lãi, công an tỉnh còn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực vay và cho vay để người dân nâng cao ý thức phòng ngừa tác hại của tín dụng đen.
LUẬT SƯ TRƯƠNG TRỌNG SƠN – VP NGỌC SƠN – VĨNH LONG: Thận trọng trước những mời chào cho vay hấp dẫn
Người dân cần hết sức thận trọng khi lựa chọn nơi mà mình quyết định vay. Nơi đó phải có địa chỉ cụ thể và được cấp phép hoạt động cho vay. Khi vay, thì phải có những giấy tờ cụ thể, có những quy định rõ ràng về lãi suất, cách tính lãi suất, thời hạn vay, trả và có đòi hỏi phải thế chấp gì không. Phải có những giấy tờ trên thì mới có căn cứ để bảo vệ quyền cho mình về sau.
Huỳnh Đặng (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.