Tín dụng Ngân hàng chính sách xã hội trợ lực cho Hà Nam phát triển kinh tế bền vững

Hoàn Dung Thứ sáu, ngày 10/01/2025 15:45 PM (GMT+7)
Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đã góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đến tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, góp phần hỗ trợ Hà Nam thúc đẩy kinh tế, phát huy vị thế của một tỉnh cửa ngõ phía Nam của thủ đô.
Bình luận 0

 Tạo việc làm mới cho 3.317 lao động

Phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; không "hy sinh" tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước. 

Tinh thần này cũng được thể hiện rõ trong hành trình hơn 22 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ tại tỉnh Hà Nam khi Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang là kênh tín dụng tin cậy hữu ích giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên trong cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương.

Tín dụng Ngân hàng chính sách xã hội trợ lực cho Hà Nam phát triển kinh tế bền vững- Ảnh 1.

Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội giúp người dân Hà Nam phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, tạo nhiều việc làm ổn định

Trải qua 22 năm xây dựng và phát triển, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam luôn nhận được quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, sự ủng hộ của cấp uỷ, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, nhờ đó hàng năm chi nhánh đều hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao (cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm) với mục đích cho vay để đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, đến nay chi nhánh đang thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng, phục vụ cả đời sống. Nguồn vốn chính sách đã góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đến tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, góp phần hỗ trợ Hà Nam thúc đẩy kinh tế, phát huy vị thế của một tỉnh cửa ngõ phía Nam của thủ đô.

Đến 31/12/2024 tổng nguồn vốn tín dụng đạt 3.534 tỷ đồng, tăng 10,29% so với năm 2023, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 208 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 3.528 tỷ đồng, tăng 10,24% so với năm 2023. 

Thông qua 109 điểm giao dịch đến hết năm 2024 chi nhánh đã tổ chức an toàn 1.308 phiên giao dịch cố định tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn cùng với mạng lưới 3.114 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, tổ dân phố với phương châm "Giao dịch tại nhà, thu nợ tại xã", nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 17.924 lượt khách hàng được vay vốn, với số tiền là 1.188,6 tỷ đồng; nguồn vốn cho vay tạo việc làm mới cho 3.317 lao động, hỗ trợ xây dựng 15.152 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 2.340 lượt HSSV vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây dựng 135 căn nhà ở xã hội cho hộ gia đình theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, tạo điều kiện cho 56 người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội cũng không ngừng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn còn 0,15% trên tổng dư nợ.

Ngân hàng Chính sách xã hội góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách, trong năm 2024 chi nhánh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tuyên truyền, hướng dẫn mở tài khoản, chi trả an sinh xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng với 3.828 tài khoản góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Những nỗ lực của từng người dân và sự thẩm thấu của dòng vốn tính dụng chính sách vào đời sống đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 5,81% năm 2015 xuống còn 1,51% theo chuẩn nghèo đa chiều mới vào cuối năm 2024. 83/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới cũng ghi dấu ấn hành trình của tín dụng chính sách trên vùng đất chiêm trũng Hà Nam. 

Nhờ có mô hình tổ chức quản lý phù hợp với mạng lưới rộng khắp nên 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế có nhu cầu, đủ điều kiện đã được tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen, đảm bảo an sinh và an toàn trật tự xã hội trên địa bàn.

Đơn cử gia đình bà Nguyễn Thị Huệ ở xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm là hộ nghèo của xã. Chồng mất sớm vì bệnh trọng, suốt 6 năm chạy chữa bệnh cho chồng khiến kinh tế gia đình bà kiệt quệ. Được Tổ tiết kiệm và vay vốn tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay vốn 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, bà đã mua bò, dê, gà về nuôi, đồng thời mua cây keo giống về trồng và xen canh các loại cây màu. Từ đó, cuộc sống của gia đình bà Huệ có nhiều thay đổi tích cực.

Hay như Cơ sở sản xuất giò chả của gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Trung Tiến, xã Công Lý, huyện Lý Nhân. Hiện nay ngoài 2 vợ chồng, gia đình còn thuê 4 nhân công là người địa phương. Mỗi ngày cơ sở của chị cung cấp ra thị trường gần 200 kg giò, đem lại lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/tháng. 

Chị chia sẻ: "Có được cơ ngơi như hiện tại thì nguồn vốn chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho gia đình tôi từ những ngày đầu khó khăn nhất". Chị kể, trước kia gia đình là hộ cận nghèo. Nghề giò vốn là nghề truyền thống của gia đình nhưng sản xuất thủ công do vốn làm ăn hạn hẹp. Chỉ đến khi tiếp cận được nguồn vốn chính sách, kinh tế gia đình mới có sự thay đổi, bứt phá. Từ nguồn vay ban đầu là 20 triệu đồng, rồi 50 triệu đồng và 100 triệu đồng đã giúp gia đình chị đổi đời, tạo thêm việc làm cho bà con trong vùng.

Thành quả là thế nhưng con đường giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững của tỉnh còn không ít khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo còn tới 1,51%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 1,79% trong tổng số 280 nghìn hộ của tỉnh.

Định hướng của Hà Nam trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics của vùng Đồng bằng sông Hồng vào những năm tới cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho tỉnh trong việc giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập.

Chung tay cùng địa phương giải quyết những bài toán này, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chi nhánh sẽ bám sát, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam Lê Thị Kim Dung cho biết: Đơn vị sẽ chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về tín dụng chính sách xã hội. 

Đồng thời, đề nghị chính quyền quan tâm thực hiện hiệu quả về tín dụng chính sách xã hội theo Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 và MTTQ các cấp tiếp tục nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem