Tín hiệu vui: Khi đại gia làm nông nghiệp công nghệ cao

Minh Huệ (thực hiện) Thứ hai, ngày 11/08/2014 12:55 PM (GMT+7)
“Các đại gia làm nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) không phải để khuếch trương thương hiệu, mà để làm ăn, mà đã làm ăn thì phải có lãi. Đó là tín hiệu tốt cho ngành nông nghiệp nước ta” - TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) bày tỏ quan điểm quanh việc gỡ khó cho doanh nghiệp đầu tư cho NNCNC. 
Bình luận 0

Thời gian gần đây có rất nhiều đại gia bất động sản, tài chính ngân hàng chi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đô la để đầu tư cho NNCNC, ông đánh giá như thế nào về điều này?

- Tôi cho đây là những tín hiệu tốt cho ngành nông nghiệp nói chung của nước ta, bởi với cách thức làm ăn bài bản, ứng dụng công nghệ mới cho năng suất và chất lượng cao, các công ty này đã và đang góp phần tạo ra nhiều sản phẩm tốt cho xã hội, mang về lợi nhuận cao không chỉ cho doanh nghiệp (DN), mà còn tạo thu nhập cho nông dân và giá trị cho xã hội.

Tuy nhiên, nông nghiệp không phải là lĩnh vực “ngon ăn”, nhất là NNCNC vì vốn đầu tư rất lớn. Trong khi những điều kiện căn bản để phát triển NNCNC ở nước ta như nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng đều rất hạn chế, chưa kể làm nông nghiệp luôn có nhiều rủi ro không lường trước được về thời tiết, sâu bệnh; giá trị gia tăng của nông nghiệp thường thấp hơn so với các lĩnh vực khác...

Vì thế, đầu tư vào lĩnh vực này, DN phải chủ động nghiên cứu, đầu tư thật bài bản, chú trọng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản phẩm thì mới bền vững, chứ làm khơi khơi kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì rất dễ thất bại. Có thể lấy ví dụ từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, khi DN này chi khá mạnh tay để mua công nghệ hiện đại của Israel về áp dụng trên cây mía, cao su trồng tại Lào.

Nhờ phát triển công nghệ cao, DN có thể tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp, vừa giúp khai thác hết giá trị sản phẩm, vừa bảo vệ môi trường. Như bã mía tạo ra điện phục vụ cho chính nhà máy đường của DN, sử dụng không hết thì bán cho Lào, tro đem làm phân bón, sản xuất ethanol... Vì vậy, giá đường của Hoàng Anh Gia Lai chỉ khoảng 4.500 đồng/kg, trong khi tại Việt Nam 12.000-13.000 đồng/kg.

Với sự tham gia của nhiều đại gia, liệu thời gian tới bức tranh nông nghiệp sẽ được cải thiện, thưa ông?

- Theo thống kê, hiện cả nước đã có 29 khu nông nghiệp ứng dụng CNC được xây dựng, nhưng hoạt động cũng còn hạn chế, có nơi mới dừng lại ở làm thí điểm mà không thể nhân rộng do đầu tư chưa đồng bộ, tập trung, cơ chế hỗ trợ vốn, thu hút DN chưa hấp dẫn...

Thực tế, ở nhiều nơi như Lâm Đồng đã xuất hiện một số mô hình NNCNC có hiệu quả, đem lại lợi nhuận khá cao. Chủ nhân các mô hình đó cũng không phải là các đại gia, mà nhiều người là nông dân, DN vừa và nhỏ...


img
TS Võ Trí Thành
 Muốn thúc đẩy phát triển NNCNC thành công, Việt Nam cần có đột phá lần 2 cho nông nghiệp, nông thôn, trong đó quan trọng nhất chính là đổi mới thể chế về công nghệ, về tích tụ đất đai... Việc tích tụ đất đai, bằng cách nhiều người góp đất lại với nhau trong một tổ chức để tạo ra sức mạnh mới
 
Vấn đề ở đây là gì?. Theo tôi, đó là cách nhìn nhận về giá trị gia tăng của nông nghiệp đã thay đổi đáng kể. Thứ nhất, thời kỳ nông sản giá rẻ đã dần qua rồi, mặc dù vẫn có nhiều mặt hàng giá cả bấp bênh, song nhờ đầu tư CNC, người ta có thể tạo ra được những giá trị gia tăng cao hơn.

 

Thứ hai, nhiều DN bắt đầu nhìn nhận nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nghĩa là không phải nông nghiệp thuần túy, mà đó là chế biến, tiêu thụ, đa dạng sản phẩm...

Vì vậy, khi có thêm các DN ngoài ngành đổ vốn vào nông nghiệp, đặc biệt là NNCNC, tôi cho đây là dấu hiệu quá tốt, vì lâu nay vốn đầu tư cho lĩnh vực này vẫn rất thấp. Và họ sẽ góp phần tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho ngành nông nghiệp nói chung.

 Tuy nhiên, nhiều DN than thở muốn làm NNCNC tại Việt Nam không đơn giản vì những rào cản về đất đai, vốn tín dụng... Theo ông chúng ta cần làm gì để cải thiện điều này?

- Lịch sử ngành nông nghiệp của nước ta đến nay có thể rút ra được mấy bài học lớn. Đó là, để tạo được một nền nông nghiệp bền vững, năng suất và giá trị cao thì vấn đề lợi thế quy mô sản xuất rất quan trọng, nhất là với trồng trọt. Điều này được phản ánh rõ nhất qua tích tụ đất đai để giảm chi phí, tận dụng tốt nhất và áp dụng tốt nhất thành tựu khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng và chính sách giá cả cần được chú trọng và minh bạch hóa thông tin.

Trong bối cảnh hiện nay, những bài học trên là chưa đủ, bởi lâu nay nông nghiệp Việt Nam hầu như chỉ dựa vào nguồn lực sẵn có của nông dân, dựa vào mở cửa thị trường, cho nông dân làm chủ trên mảnh đất của họ..., nhưng bây giờ, giá trị gia tăng từ nông nghiệp đã bắt đầu chững lại. Do đó, chúng ta cần phải đổi mới.

Cụ thể, chúng ta cần phải đổi mới những gì, thưa ông?

- Theo tôi, muốn làm được NNCNC phải có 3 điều: Lợi thế quy mô đất đai để giảm chi phí sản xuất, nâng cao trình độ khoa học công nghệ; Những bên liên quan của chuỗi nông sản như nông dân, DN, các kênh phân phối, tài chính ngân hàng, công nghệ, cơ quan nghiên cứu, thông tin thị trường... phải được vận hành trôi chảy, nếu không sẽ xảy ra tình trạng độc quyền hoặc bị ngắt quãng ở một khâu nào đó; Phải có tổ chức gắn với nông nghiệp, nông dân có đủ khả năng hấp thụ công nghệ, vốn, có tiếng nói và vị thế mặc cả trong chuỗi giá trị đó.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem