Tuy nhiên đến giữa tháng 12/2019, việc Washington và Bắc Kinh vừa đạt được thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” đã làm lóe lên tia hy vọng đối với lĩnh vực nông nghiệp trụ cột của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
2019 được coi là một năm đầy "thách thức" đối với những người nông dân trồng đậu tương ở Mỹ. Hoạt động của họ đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động của các chính sách thuế quan cũng như điều kiện thời tiết ẩm ướt ở khu vực Midwest nước Mỹ, Grant Kimberley - Giám đốc phát triển thị trường của Hiệp hội đậu tương Iowa, nói.
Nông dân thu hoạch đậu tương tại trang trại ở Scribber, Nebraska, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN.
Theo ông, thị trường đậu tương của Mỹ trong năm 2019 được “bao bọc” bởi các yếu tố không chắc chắn, trong đó có những khúc ngoặt, gần giống như khi xem một bộ phim có nhiều điểm cốt truyện thay đổi theo chiều hướng khác nhau.
Chính quyền Mỹ kể từ năm 2018 đã áp đặt nhiều vòng thuế quan bổ sung đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, từ đó khởi đầu một cuộc tranh chấp thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Để đáp trả, Trung Quốc đã quyết định đánh thuế đối với một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm một số sản phẩm nông nghiệp như sữa.
Trong tài khóa 2017, nông dân và các chủ trang trại Mỹ đã xuất khẩu khoảng 22 tỷ USD nông sản sang Trung Quốc. Tuy nhiên, con số này được Bộ Nông nghiệp Mỹ dự kiến sẽ giảm mạnh xuống chỉ còn 6,5 tỷ USD trong tài khóa 2019.
Theo Giám đốc Grant, trước khi cuộc chiến thuế quan xảy ra, "khoảng 1/3 số đậu tương được trồng ở Mỹ sẽ cập bến Trung Quốc". Tuy nhiên giờ đây, người nông dân trồng đậu tương ở bang Iowa đã phải bù đắp một phần tổn thất đó bằng cách tăng cường xuất khẩu sang các nước khác. Mặc dù vậy, sẽ là rất khó để tìm một điểm tiêu thụ khác ngoài Trung Quốc bởi nước này là một trong những nơi tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới.
Nhận định về diễn biến tích cực trong mối quan hệ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ông Grant đã nói với Tân Hoa Xã trong một cuộc phỏng vấn qua gần đây rằng: "Tôi nghĩ rằng đây là tin tốt đẹp khi cả hai nước (Mỹ và Trung Quốc) đã đàm phán và đi đến một thỏa thuận”. Giám đốc Grant nói rằng người nông dân trồng đậu tương cần phải sớm bắt đầu lên kế hoạch cho vụ mùa tiếp theo trong bối cảnh sự ổn định thị trường đang dần được cải thiện.
Trong khi đó, cha của Giám đốc Grant là Rick Kimberley, đồng thời là Chủ tịch của công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp Kimberley Farms Inc., cũng chia sẻ thông qua nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc WeChat: "Tôi rất vui mừng khi nhận được tin. Đó là một chiến thắng có lợi cho chúng tôi và người tiêu dùng Trung Quốc. Tôi hy vọng họ có thể tiếp tục đàm phán để giải quyết các vấn đề khác".
Gia đình Kimberley đã được nhiều người ở Mỹ và Trung Quốc biết đến kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (khi đó còn là Phó Chủ tịch) đến thăm trang trại gia đình của họ ở Maxwell, Iowa, vào năm 2012.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp của bang Iowa Mike Naig nhận định thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” với Trung Quốc là tín hiệu tốt cho nền kinh tế Mỹ nói chung và bang Iowa nói riêng. Theo chuyên gia Naig, đây sẽ là điểm khởi đầu của những thay đổi mà ông và những người nông dân ở Iowa hy vọng sẽ thấy.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Văn phòng Nông trại Mỹ Zippy Duvall đã nói trong một tuyên bố vào ngày 13/12, khi hai nước tuyên bố rằng họ đã đồng ý về mặt văn bản của thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”: "Những người nông dân và chủ trang trại của Mỹ rất mong muốn được quay trở môi trường kinh doanh toàn cầu. Tiến trình khôi phục khả năng cạnh tranh của chúng tôi ở Trung Quốc là một thành phần quan trọng trong đó".
Gọi đó là "tin mừng", Chủ tịch Duvall nói rằng nền nông nghiệp Mỹ đã bị cuốn vào các cuộc tranh chấp thương mại và "đã đến lúc lật trang".
Trung Quốc đã chuyển từ thị trường nông sản lớn thứ hai của Mỹ xuống thị trường lớn thứ năm kể từ khi tranh chấp thương mại bắt đầu, Chỉ tịch Duvall nói, "mở lại cánh cửa thương mại với Trung Quốc và các nước khác là chìa khóa để giúp nông dân và người chăn nuôi trở lại".
TTXVN (TTXVN/Báo Tin tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.