TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Phá đường dây sản xuất hơn 4 triệu sách giáo khoa giả; tin mới vụ "La Điên"

A.Đ (T/H) Thứ bảy, ngày 22/06/2024 06:00 AM (GMT+7)
Phát hiện đường dây sản xuất, buôn bán hơn 4 triệu sách giáo khoa giả; thông tin mới vụ bắt doanh nhân "La Điên" ở Thái Bình; yêu cầu điều tra bổ sung cựu Vụ trưởng lừa Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bao nhiêu tiền... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Phát hiện đường dây sản xuất, buôn bán hơn 4 triệu sách giáo khoa giả

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 21/6, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP.Đà Nẵng) cho biết, vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là sách giáo khoa các loại với số lượng hơn 4 triệu cuốn sách.

Theo cơ quan công an, đường dây này do Nguyễn Trung Luật (SN 1981, trú phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) và Phạm Ngọc Quang (SN 1977, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Quảng cáo Quang Thắng; trú tại phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM) cầm đầu.

Quá trình điều tra xác định, khoảng đầu năm 2022, Nguyễn Trung Luật trao đổi, thống nhất cùng Phạm Ngọc Quang sản xuất sách giả Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng một số nhà xuất bản khác để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Sau đó, Luật cung cấp giấy in, đặt số lượng in để Quang tổ chức việc in sách giả tại hai xưởng in của Quang tại địa đường Lê Đức Thọ và số đường số 5 (quận Gò Vấp).

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Phá đường dây sản xuất hơn 4 triệu sách giáo khoa giả; tin mới vụ

Công an Đà Nẵng triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả các loại với số lượng hơn 4 triệu cuốn sách. Ảnh: CACC

Đơn giá Luật trả cho Quang là 270.000 đồng trên 1 ram giấy khổ 60cm x 84cm. Sau khi in xong, giấy được để nguyên khổ rồi vận chuyển về xưởng gia công của Luật đặt tại con hẻm trên đường TX25 (phường Thạnh Xuân 25, quận 12) để cắt, đóng bìa, dán tem giả, đóng thùng.

Số sách này sau đó được vận chuyển đến 3 điểm kho khác của Luật đặt tại con hẻm trên đường TX25 và đường Hà Huy Giáp (phường Thạnh Xuân, quận 12) để cất giấu, chờ mang đi tiêu thụ.

Trong đường dây này, Phạm Ngọc Quang giao Phan Xuân Năng (SN 1990; trú phường Hiệp Thành, quận 12) quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động tại hai xưởng in.

Năng là người đặt bản kẽm, trao đổi, thống nhất với Luật về số lượng đơn hàng đặt in, nhận tiền thanh toán của Luật rồi chuyển lại cho Quang.

Còn Nguyễn Trung Luật giao cho Lê Hà Thanh (SN 2001; trú thôn Hưng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vận chuyển giấy in đến giao cho xưởng in của Phạm Ngọc Quang, nhận sản phẩm sau khi in xong để chuyển về xưởng gia công, vận chuyển sách thành phẩm đến cất giấu tại các kho của Luật, quản lý kho và xuất hàng cho khách hàng khi có yêu cầu của Luật.

Số sách giả này được Luật phân phối sỉ thông qua các đầu nậu để vận chuyển đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có TP.Đà Nẵng...

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Phá đường dây sản xuất hơn 4 triệu sách giáo khoa giả; tin mới vụ

Tang vật bị lực lượng chức năng thu giữ. Ảnh: CACC

Qua khám xét, Phòng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện rất nhiều các máy móc, phương tiện, trang thiết bị phục vụ việc sản xuất sách giả cùng hàng triệu con tem giả, hơn 600.000 sản phẩm, bán thành phẩm là sách giả.

Căn cứ các tài liệu thu giữ được cùng khai thác nhanh các đối tượng, công an xác định từ năm 2021 đến nay, các đối tượng đã sản xuất, tiêu thụ hơn 4 triệu cuốn sách giả trên địa bàn cả nước.

Phòng Cảnh sát kinh tế đã tiến hành bắt giữ tổng cộng 10 đối tượng trong đường dây này.

Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

Vụ bắt doanh nhân "La Điên" ở Thái Bình: Bắt Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện và nữ trưởng phòng

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 21/6, liên quan vụ Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ Nguyễn Sơn La ("La Điên"), Giám đốc Công ty TNHH Mạnh La về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" để điều tra về hành vi móc nối, chi phối cán bộ, cơ quan chức năng làm trái quy định của pháp luật về đất đai, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ở diễn biến mới nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã có các quyết định tố tụng mới.

Cụ thể, quá trình mở rộng điều tra vụ án liên quan "La Điên", Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố bị can, bắt ông Đỗ Xuân Khu - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Kiến Xương; Ngô Thị Bích Liên - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Kiến Xương.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Phá đường dây sản xuất hơn 4 triệu sách giáo khoa giả; tin mới vụ

Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Kiến Xương Đỗ Xuân Khu bị bắt trong diễn biến mở rộng điều tra vụ án liên quan "La Điên". Ảnh minh hoạ/Báo Thái Bình

2 người này bị bắt về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Trước khi bắt giữ 2 người trên, Công an tỉnh Thái Bình cũng đã bắt giữ Bùi Đức Chỉnh - Chủ tịch UBND xã Minh Quang (huyện Kiến Xương) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Như Dân Việt đã đưa tin, liên quan vụ "La Điên" Thái Bình bị bắt, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Thiên Tư (SN 1961), trú tại xã Nam Bình, huyện Kiến Xương, nguyên là cán bộ địa chính xã Minh Quang, huyện Kiến Xương; Trần Văn Thành (SN 1983), trú tại xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải, là chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Xương về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", theo quy định tại khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Đây là diễn biến tiếp theo sau khi Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ "La Điên" - Nguyễn Sơn La, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Mạnh La.

Theo cơ quan điều tra, Phạm Thiên Tư và Trần Văn Thành bị bắt để điều tra về hành vi làm trái công vụ, tạo điều kiện cho "La Điên" chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở nông thôn trái quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.

Về phần đối tượng "La Điên", cơ quan điều tra cũng cáo buộc người này có hành vi móc nối, chi phối cán bộ, cơ quan chức năng làm trái quy định của pháp luật về đất đai, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Yêu cầu điều tra bổ sung cựu Vụ trưởng lừa Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bao nhiêu tiền

Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 21/6, TAND TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm Nguyễn Sỹ Tá (SN 1972), cựu Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ủy ban Dân tộc về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị hại trong vụ là ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, vắng mặt tại tòa.

Cáo buộc của Viện kiểm sát thể hiện, ông Tá tự nhận mình làm chủ dự án Núi Cuống (Quảng Ninh) và bán lại cho ông Đỗ Anh Dũng. Ông Dũng 2 lần chuyển tổng cộng 80 tỷ đồng cho bị cáo Tá nhưng sau đó không mua được dự án nên đòi lại. Cựu Vụ trưởng chỉ trả lại 33 tỷ đồng, còn chiếm đoạt 47 tỷ.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Phá đường dây sản xuất hơn 4 triệu sách giáo khoa giả; tin mới vụ "La Điên"- Ảnh 6.

Cựu Vụ trưởng hầu tòa với cáo buộc lừa 80 tỷ đồng của Chủ tịch Tân Hoàng Minh.

Khai tại tòa, Nguyễn Sỹ Tá khẳng định không lừa đảo, cáo trạng truy tố bị cáo là không đúng sự thực. Cựu Vụ trưởng khai, dự án Núi Cuống của Công ty Đức Anh do vợ chồng ông Duyệt, bà Yến làm chủ. Hai người đưa hồ sơ, ủy quyền cho Tá bán dự án với giá 320 tỷ đồng.

Do quen biết từ trước, bị cáo Tá đến gặp, chào bán cho Chủ tịch Tân Hoàng Minh và ban đầu, ông Dũng định giá 500 tỷ đồng. "Tôi giật mình, bảo ôi sao nhiều thế. Sau thống nhất bán dự án với giá 400 tỷ", bị cáo khai.

Phía Tân Hoàng Minh và Công ty Đức Anh sau đó ký hợp đồng mua bán dự án Núi Cuống nên bị cáo Tá khẳng định bản thân là môi giới, được ông Đỗ Anh Dũng đưa 50 tỷ đồng tiền công. Việc cáo trạng truy tố ông 2 lần nhận tiền, tổng 80 tỷ đồng là sai.

Chủ tọa hỏi, 50 tỷ đồng này của cá nhân Đỗ Anh Dũng hay tiền của Tân Hoàng Minh nhưng bị cáo Tá trả lời không nắm rõ, bản thân nghĩ đây là tiền "riêng của anh Dũng".

Tiếp tục khai báo, Nguyễn Sỹ Tá cho hay hợp đồng mua bán Núi Cuống không thực hiện được vì phía Tân Hoàng Minh không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng hạn. Khi đó, Đỗ Anh Dũng gọi điện, thông báo cho ông việc này và bảo "em trả cho anh tiền môi giới". Bị cáo Tá do vậy trả lại 33 tỷ đồng.

Cựu Vụ trưởng phản bác cáo trạng, nói gay gắt: "Anh Dũng ở nước Việt Nam là người thế nào mà bảo anh ấy tin dự án của tôi, Công ty Đức Anh của tôi trong khi tôi không đứng tên?".

Chủ tọa sau đó cho tạm dừng xét xử để hội ý và quyết định trả hồ sơ do thấy "cáo trạng truy tố chưa phù hợp". Đầu tiên, có 2 cổ đông của Tân Hoàng Minh lấy tư cách của tập đoàn này, ký hợp đồng mua cổ phần Công ty Đức Anh nên cần lấy lời khai của họ để làm rõ.

Tiếp đến, cần xác định lại số tiền Đỗ Anh Dũng chuyển cho Nguyễn Sỹ Tá là tiền riêng của ông Dũng hay có tiền từ các cổ đông khác tại Tân Hoàng Minh. Ngoài ra, cần làm rõ một sổ đỏ bị cáo Tá giữ nhưng đứng tên người khác, đang bị cảnh sát kê biên là của ai.

Những việc này không thể tiến hành làm rõ tại tòa nên Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ, đề nghị Viện kiểm sát điều tra bổ sung.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Phá đường dây sản xuất hơn 4 triệu sách giáo khoa giả; tin mới vụ "La Điên"- Ảnh 7.

Ông Đỗ Anh Dũng đã bị tòa sơ thẩm phạt 8 năm tù vì lừa đảo và hiện là bị hại trong vụ án lừa đảo dự án Núi Cuống.

Theo hồ sơ vụ án, Công ty Đức Anh là chủ đầu tư dự án Núi Cuống và năm 2018, muốn bán lại nên gặp Nguyễn Sỹ Tá, nhờ "tìm khách". Bị cáo Tá quen biết ông Đỗ Anh Dũng nên giới thiệu mua.

Tá cho hay, ông ta từng làm Giám đốc Nhà khách Chính phủ, số 37 Hùng Vương, nên được "các bác" cho dự án. Nếu ông Dũng muốn mua, cần đặt cọc 20% giá trị chuyển nhượng đồng thời giữ bí mật để Tá đi "cảm ơn các bác".

Năm 2019, nhân viên Tân Hoàng Minh gửi hợp đồng cho Tá và được bị cáo này báo lại, giá dự án là 320 tỷ đồng, cần đặt cọc 80 tỷ nhằm "đảm bảo việc ký kết hợp đồng và thực hiện chuyển nhượng".

Trong năm 2019, bị cáo Tá tới trụ sở Tập đoàn Tân Hoàng Minh 2 lần, nhận đủ 80 tỷ đồng đặt cọc, Viện kiểm sát nêu. Sau đó, ông ta yêu cầu nhóm cổ đông của Công ty Đức Anh phải chi cho mình 20 tỷ đồng nếu bán được dự án Núi Cuống.

Tuy nhiên, Công ty Đức Anh sau đó không bán dự án cho Tân Hoàng Minh. Ông Dũng tìm hiểu và được biết, UBND tỉnh Quảng Ninh "không xem xét chấp nhận" vì đảo Núi Cuống "chưa phù hợp quy hoạch sử dụng đất".

Ông Dũng cũng làm việc với các cổ đông của Công ty Đức Anh và được biết, dự án Núi Cuống không thuộc sở hữu của bị cáo Tá và người này không chuyển 80 tỷ đồng ông Dũng đặt cọc cho Công ty Đức Anh.

Phía Tân Hoàng Minh sau đó ký hợp đồng mới với Công ty Đức Anh để mua dự án đồng thời đòi tiền Nguyễn Sỹ Tá. Bị cáo này chỉ trả lại 33 tỷ đồng, còn chiếm đoạt 47 tỷ đồng.

Sau đó, Công ty Đức Anh cũng hủy hợp đồng với Tân Hoàng Minh, không bán đảo Núi Cuống cho doanh nghiệp này. Hiện tại, ông Đỗ Anh Dũng được xác định là bị hại và có đơn đề nghị cơ quan tố tụng buộc Nguyễn Sỹ Tá phải hoàn trả 47 tỷ đồng chưa được hoàn trả.

Quá trình điều tra, bị cáo Tá không thừa nhận hành vi phạm tội, cho hay đã giới thiệu ông Dũng tới Công ty Đức Anh để mua dự án và được ông Dũng "thưởng" 80 tỷ đồng nhưng yêu cầu ký một số thỏa thuận. Bị cáo khẳng định đã "ký nhưng không đọc" nên không biết bản thân ký vào thỏa thuận đặt cọc.

Liên quan vụ việc, hồi tháng 3/2024, ông Đỗ Anh Dũng bị TAND TP.Hà Nội tuyên án sơ thẩm, xác định lừa đảo hơn 8.600 tỷ đồng của 6.600 nhà đầu tư thông qua việc bán trái phiếu "khống" nhưng đã khắc phục hết nên phải nhận án 8 năm tù. Ông Dũng đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Xin lỗi công khai 2 vợ chồng bị bắt giam oan sai

Như Dân Việt đã đưa tin: Ngày 21/6, VKSND huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã chủ trì buổi xin lỗi, cải chính công khai đối với vợ chồng ông Lê Trường (59 tuổi) và vợ là bà Tôn Nữ Kim Loan (57 tuổi, ngụ xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong).

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Phá đường dây sản xuất hơn 4 triệu sách giáo khoa giả; tin mới vụ "La Điên"- Ảnh 9.

Vợ chồng ông Trường (ngồi) tới dự buổi xin lỗi công khai. Nguồn: nld.com.vn

Tại buổi xin lỗi, ông Trần Việt Hùng, Phó Viện trưởng VKSND huyện Đắk Glong, cho biết nguyên nhân dẫn đến việc khởi tố oan đối với ông Lê Trường và bà Tôn Nữ Kim Loan là do các cơ quan tiến hành tố tụng chưa xem xét, đánh giá đầy đủ, toàn diện sự việc. Những sai phạm do người thi hành công vụ gây ra đã làm tổn thất lớn về danh dự, tinh thần và vật chất đối với ông bà và gia đình trong thời gian vừa qua.

VKSND, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong đã thấy được trách nhiệm và rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc. Đại diện lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Đắk Glong, VKSND huyện trân trọng xin lỗi ông Lê Trường, bà Tôn Nữ Kim Loan và gia đình; mong muốn ông bà chấp nhận lời xin lỗi và cam kết xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những người thi hành công vụ đã có hành vi gây thiệt hại cho ông bà.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Phá đường dây sản xuất hơn 4 triệu sách giáo khoa giả; tin mới vụ "La Điên"- Ảnh 10.

Đại diện VKSND huyện Đắk Glong tặng hoa cho vợ chồng ông Trường. Nguồn: nld.com.vn

Thượng tá Nguyễn Minh Anh, Phó trưởng Công an huyện Đắk Glong, cho hay việc thực hiện các hoạt động tố tụng thiếu chính xác đã dẫn đến khởi tố sai đối với ông Trường, bà Loan. Đây là vấn đề vô cùng đáng tiếc, đã gây thiệt hại về vật chất, tinh thần, gây ra nhiều khó khăn cho vợ chồng ông và gia đình; gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Đắk Glong.

"Thay mặt cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong, tôi xin chân thành gửi lời xin lỗi tới ông Lê Trường và bà Tôn Nữ Kim Loan. Mong ông bà chia sẻ những thiếu sót với cơ quan điều tra, VKS và phối hợp cùng chúng tôi để giải quyết những vấn đề tiếp theo, để đảm bảo bồi thường thiệt hại cho ông bà theo quy định" - thượng tá Nguyễn Minh Anh nói.

Tại buổi xin lỗi, bà Tôn Nữ Kim Loan cho biết việc vô cớ bị khởi tố, bắt tạm giam mỗi người 4 tháng đã gây cho gia đình bà tổn thất vô cùng nặng nề. Con bà bị sốc phải bỏ học, việc kinh doanh và tài sản bị mất mát rất lớn. Gia đình bà từ chỗ ổn định bỗng nhiên bị đảo lộn…

Như đã phản ánh, tháng 12/2014, vợ chồng ông Trường đã bán 5,2ha đất (đất lâm nghiệp được vợ chồng họ mua trước đó) cho 2 người dân trên địa bàn xã. Khi người mua vào canh tác đã xảy ra tranh chấp đất với một phụ nữ khác.

Tháng 1/2016, người mua đất đã làm đơn tố cáo vợ chồng ông Trường. 5 tháng sau, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 vợ chồng ông Trường về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tháng 6/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong thay đổi quyết định khởi tố vụ án, từ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thành tội vi phạm về quy định sử dụng đất đai.

Ngày 10/4 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong đã đình chỉ điều tra vụ việc. Song, vợ chồng ông Trường đã mang thân phận bị can suốt 8 năm, trong đó có 4 tháng bị tạm giam oan sai. Vợ chồng ông Trường làm đơn yêu cầu bồi thường hơn 4,2 tỷ đồng.

Thông tin mới vụ vận chuyển trái phép hơn nửa triệu USD qua biên giới

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 21/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết, liên quan đến vụ vận chuyển trái phép 530.150USD qua biên giới, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam 3 đối tượng cùng về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".

Theo đó 3 đối tượng là La Văn Thuận (SN 1982); Huỳnh Văn Sinh (SN 1972) và Trần Thị Thảo (vợ Sinh, SN 1976, đều trú xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang).

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Phá đường dây sản xuất hơn 4 triệu sách giáo khoa giả; tin mới vụ "La Điên"- Ảnh 11.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang tống đạt các quyết định và lệnh tạm giam đối với La Văn Thuận. Ảnh: Tiến Tầm

Trước đó, qua công tác nắm tình hình tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang phát hiện nhóm đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép tiền USD qua biên giới.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Phá đường dây sản xuất hơn 4 triệu sách giáo khoa giả; tin mới vụ "La Điên"- Ảnh 12.

Đối tượng Huỳnh Văn Sinh khai nhận tại Cơ quan điều tra. Ảnh: Tiến Tầm


TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Phá đường dây sản xuất hơn 4 triệu sách giáo khoa giả; tin mới vụ "La Điên"- Ảnh 13.

Đối tượng Trần Thị Thảo khai nhận tại Cơ quan điều tra. Ảnh: Tiến Tầm

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh và đại tá Bùi Tấn Ân, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì xác lập chuyên án và phối hợp các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh có liên quan tiến hành đấu tranh triệt xóa nhóm đối tượng này.

Căn cứ kết quả đấu tranh chuyên án, Ban chuyên án tiến hành phá án: Khoảng 4 giờ 15 phút ngày 12/6, lực lượng công an phát hiện bắt quả tang La Văn Thuận đang vận chuyển 530.150USD đến khu vực sông Bình Di (thuộc tổ 3, khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) để đưa sang Campuchia.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Phá đường dây sản xuất hơn 4 triệu sách giáo khoa giả; tin mới vụ "La Điên"- Ảnh 14.

Tang vật là 530.150USD. Ảnh: Tiến Tầm

Mở rộng điều tra, truy xét, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiến hành bắt giữ 2 vợ chồng Huỳnh Văn Sinh và Trần Thị Thảo ngay sau đó.

Trong quá trình điều tra, xác định đường dây vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới trên do vợ chồng Sinh thiết lập để kiếm lời.

Hiện vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem