TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Xét xử vụ mua bán đề thi công chức; thông tin mới vụ Tịnh thất Bồng Lai
TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Xét xử vụ mua bán đề thi công chức; thông tin mới vụ Tịnh thất Bồng Lai
A.Đ (T/H)
Thứ tư, ngày 28/09/2022 19:00 PM (GMT+7)
Xét xử 20 bị cáo trong vụ mua bán đề thi công chức; thông tin mới vụ Tịnh thất Bồng Lai; chủ phường lừa đảo, chiếm đoạt gần 900 chỉ vàng 9999 và hàng chục tỷ đồng... là những tin nóng 24 giờ qua.
Xét xử 20 bị cáo trong vụ mua bán đề thi công chức
Như Dân Việt đã thông tin: Trong hai ngày 27 và 28/9, TAND tỉnh Lạng Sơn đã xét xử sơ thẩm vụ án "Mua bán tài liệu bí mật nhà nước". Trong 20 bị cáo, có 19 bị cáo từng là công chức nhà nước, 1 bị cáo làm nghề tự do.
Theo cáo trạng cũng như lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, các bị cáo đã có hành vi phạm tội trong hai kỳ thi: Kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức tỉnh Lạng Sơn và kỳ thi tuyển dụng công chức tỉnh Lạng Sơn năm 2021.
Trong đó, Đinh Thị Giang, Nông Thị Hòa, Hoàng Thanh Thảo, Hoàng Trung Mạnh (đều là công chức thuộc Phòng Công chức, Viên chức Sở Nội vụ) và Chúc Ngọc Huyền (công chức Phòng Nội vụ TP.Lạng Sơn) là những bị cáo đóng vai trò tích cực, thông đồng để thực hiện hành vi mua bán đề thi, đáp án và hưởng lợi bất chính. Các bị cáo còn lại là người môi giới, thí sinh trong các kỳ thi.
Cụ thể, tại kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức tỉnh Lạng Sơn năm 2021, Đinh Thị Giang và Hoàng Trung Mạnh là những thí sinh dự thi.
Khoảng đầu tháng 12/2021, sau khi biết Hoàng Thanh Thảo được tham gia Ban đề thi, Đinh Thị Giang, Hoàng Thanh Thảo, Hoàng Trung Mạnh và Nông Thị Hòa đã cùng trao đổi tìm cách để Thảo lấy đề thi chính thức môn chuyên môn, nghiệp vụ cho Giang và Mạnh.
Sau đó, Giang cho cả nhóm biết có một số thí sinh khác cũng có nhu cầu nhờ giúp đỡ để đỗ kỳ thi này. Cả 4 bị cáo gồm: Giang, Mạnh, Thảo, Hòa đã thống nhất sẽ lấy đề và đáp án đưa cho các thí sinh có nhu cầu mua để sử dụng và thu trước của mỗi thí sinh này số tiền 50 triệu đồng/người.
Người tìm được thí sinh có nhu cầu mua đề thi và đáp án sẽ được hưởng 25 triệu đồng, còn Thảo được hưởng 25 triệu đồng.
Toàn cảnh xét xử 20 bị cáo trong vụ mua bán đề thi công chức ở Lạng Sơn. Ảnh: A Tam
Sau khi nhận được tiền, Giang đã gọi cho những người mua đề thi và đáp án đến nhà Giang và một số địa điểm khác để nhận tài liệu thi.
Tổng cộng, Đinh Thị Giang đã thực hiện hành vi mua bán đề thi và đáp án (thuộc tài liệu bí mật Nhà nước) cho các thí sinh để hưởng lợi 165 triệu đồng; Hoàng Thanh Thảo cũng thực hiện hành vi tương tự để hưởng lợi 170 triệu đồng; Nông Thị Hòa hưởng lợi 30 triệu đồng; Chúc Ngọc Huyền hưởng lợi 7,5 triệu đồng; Phạm Thị Hường hưởng lợi 12,5 triệu đồng.
Tại kỳ thi tuyển dụng công chức tỉnh Lạng Sơn vào tháng 7/2021, Hoàng Trung Mạnh được làm Thư ký Ban đề thi kiêm Tổ trưởng tổ in sao tài liệu.
Giang và Mạnh đã cùng trao đổi tìm cách để Mạnh chuyển để thi và đáp án chính thức môn nghiệp vụ chuyên ngành từ khu vực cách ly làm đề thi ra bên ngoài để bán cho các thí sinh có nhu cầu với số tiền 300 triệu đồng/người.
Người tìm được thí sinh có nhu cầu sẽ được hưởng 50% số tiền; số còn lại Mạnh được hưởng.
Mạnh đã chủ động đề xuất lập 1 tài khoản Gmail để sau khi có đề thi và đáp án chính thức, Mạnh sẽ chuyển vào tài khoản Gmail này. Từ đó, Giang tải đề thi và đáp án về chỉnh sửa và in ra, đưa cho Thảo, Hòa và Chúc Ngọc Huyền nhận, chuyển cho các thí sinh có nhu cầu.
Tiếp đó, khi được Mạnh báo mã đề thi chính thức các môn thi, Giang đã gọi điện cho các đồng phạm biết để báo lại cho thí sinh.
Trong vụ án này, Mạnh được hưởng lợi số tiền 650 triệu đồng; Đinh Thị Giang hưởng lợi 580 triệu đồng.
Các bị cáo trong vụ mua bán đề thi công chức ở Lạng Sơn. Ảnh: A Tam
Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, trong quá trình điều tra, xét xử các bị cáo đã chủ động giao nộp một phần hoặc toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính; xét nhân thân của các bị cáo, căn cứ các hồ sơ tài liệu, chứng cứ, kết quả phần tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt 20 bị cáo phạm tội "Mua bán tài liệu bí mật Nhà nước".
Trong đó, bị cáo Đinh Thị Giang lĩnh án 4 năm 6 tháng tù, truy thu số tiền 480 triệu đồng còn lại do hưởng lợi bất chính mà chưa giao nộp cho cơ quan Nhà nước.
Hoàng Trung Mạnh lĩnh án 3 năm 6 tháng tù; Hoàng Thanh Thảo lĩnh án 3 năm 6 tháng tù; Nông Thị Hòa lĩnh án 3 năm tù. Các bị cáo này đều bị phạt bổ sung 30 triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ trong 3 năm sau khi chấp hành án.
Đối với 16 bị cáo còn lại hưởng mức án treo, từ 1 năm 3 tháng đến 3 năm và chịu thời gian thử thách từ 2 năm 6 tháng đến 4 năm 6 tháng. Trong đó, có 15 bị cáo bị phạt bổ sung 20 triệu đồng, 1 bị cáo không áp dụng phạt tiền (do là lao động tự do, dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế đặc biệt khó khăn).
Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến hoạt động quản lý hành chính, an ninh, an toàn bí mật Nhà nước. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các hành vi hám lợi, vi phạm quy định bảo vệ bí mật Nhà nước.
Vụ Tịnh thất Bồng Lai: Lấy mẫu xét nghiệm ADN chuyển đến Phân viện Khoa học hình sự, Bộ Công an
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 28/9, nguồn tin từ Công an tỉnh Long An cho biết, những đơn thư tố cáo ông Lê Tùng Vân (90 tuổi) cùng một số cá nhân sinh sống ở hộ bà Cao Thị Cúc (62 tuổi) tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa - nơi được biết đến là Tịnh thất bồng Lai đang được xác minh.
Công an tỉnh Long An đến Tịnh thất Bồng Lai lấy mẫu giám định ADN hôm 23/9. Ảnh: Thiên Long
Theo đơn tố cáo, những người trong Tịnh thất Bồng Lai đã giả sư, giả trẻ mồ côi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các "mạnh thường quân". Để có căn cứ giải quyết nguồn tin về tội phạm trên, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) tỉnh Long An cho biết sẽ giám định ADN, tiến hành thu mẫu của 28 người sinh sống tại hộ của bà Cúc.
Theo đại diện Cơ quan ANĐT, cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành thu mẫu tóc, mẫu niêm mạc miệng của 27 người, 1 trường hợp vắng mặt.
Quá trình thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật, đồng thời có sự chứng kiến của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương.
Cũng theo vị đại diện này, phần lớn các thành viên sinh sống tại hộ bà Cúc có hành vi chống đối, không hợp tác với cơ quan chức năng.
Công an tỉnh Long An thông tin, toàn bộ mẫu thu được đã gửi đến Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an (tại TP.HCM) để phục vụ công tác giám định. Khi nào có kết quả cụ thể sẽ xử lý theo đơn tố cáo là có hay không hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chủ phường lừa đảo, chiếm đoạt gần 900 chỉ vàng 9999 và hàng chục tỷ đồng
Như Dân Việt đã đưa tin: Thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định, đơn vị này vừa qua đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Thị Ngọc (SN 1968, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Chủ phường Phạm Thị Ngọc làm việc với cơ quan điều tra liên quan vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 900 chỉ vàng 9999 và 21 tỷ đồng. Ảnh: VKSND NĐ
Kết quả điều tra ban đầu xác định, Phạm Thị Ngọc làm chủ phường, họ diễn ra trong thời gian dài; liên quan đến nhiều cá nhân trên địa bàn các huyện: Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy.
Đến năm 2020, Phạm Thị Ngọc bị mất khả năng cân đối thu, chi, mất khả năng thanh toán ở nhiều dây phường và bản thân Phạm Thị Ngọc còn bị nợ số tiền khoảng 11 tỷ đồng.
Để có tiền trả nợ và trả tiền, vàng cho những người đến kỳ nhận phường, Phạm Thị Ngọc đã dùng thủ đoạn gian dối tự nghĩ ra các dây phường không có thật để tiếp tục thu tiền, vàng của những người tham gia và đã chiếm đoạt của 93 người tại các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu với tổng số tiền 21,288 tỷ đồng và 889,1 chỉ vàng 9999.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định đang tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bắt "ổ nhóm" chuyên gọi điện thoại lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân
Như Dân Việt đã thông tin: Chiều tối 27/9, Công an quận Tân Phú (TP.HCM) tạm giữ đối tượng Nguyễn Hồng Thạch (SN 1993, ngụ tỉnh Đồng Nai) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thạch được xác định là đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo quy mô lớn với sự tham gia của 82 đối tượng khác.
Trước đó, ngày 26/9, Công an quận Tân Phú phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM đã kiểm tra tại nhà nhiều tầng số 48 Trần Quang Quá (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú), phát hiện tại đây có 82 đối tượng đang làm việc trên nhiều máy móc thiết bị liên lạc viễn thông để chuyên gọi điện thoại lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.
Người vợ ngoại tình khiến chồng và con trai phải vào tù
Như Dân Việt đã thông tin: Ông Tạ Văn Sơn (SN 1970) bị TAND Hà Nội tuyên phạt 7 năm tù về tội "Cướp tài sản", sáng 28/9. Cùng tội danh, bị cáo Tạ Tuấn Linh (SN 1996, con trai ông Sơn) và Nguyễn Tuấn Anh (SN 1972, em vợ ông Sơn) đều bị phạt mức 3 năm tù.
Theo cáo trạng, ông Sơn có một cửa hàng điện máy, vợ đứng bán hàng. Anh Trần Cường đến mua hàng, làm quen người vợ và sau đó 2 người phát sinh tình cảm, thường xuyên đi nhà nghỉ cùng nhau.
Ba người phải đi tù xuất phát từ việc vợ, mẹ, chị mình ngoại tình. Ảnh: X.A
Thấy vợ có biểu hiện lạ nên tháng 8/2021, ông Sơn kiểm tra camera, thấy anh Cường không đến mua hàng nhưng thường xuyên có mặt "tâm sự" với vợ mình. Ông hỏi nhưng người vợ chống chế, nói khách đến hỏi kinh nghiệm mở siêu thị điện máy.
Ông Sơn tiếp tục theo dõi và tối 19/11/2021 đã thấy vợ mình lên ô tô của anh Trần Cường. Bám theo, ông thấy hai người vào một nhà nghỉ ở Hoài Đức (Hà Nội).
Người đàn ông gọi điện thoại cho con trai là bị cáo Linh cùng đến bắt quả tang nhưng bị chủ nhà nghỉ chặn, không cho lên phòng. Linh lúc này gọi điện cho mẹ, nói hai bố con đang ở dưới, yêu cầu mẹ xuống dưới nói chuyện.
Vợ ông Sơn xuống trước, sau đó gọi anh Trần Cường đi theo. Lúc này, bố con ông Sơn yêu cầu anh Cường gọi vợ đến giải quyết nhưng được xin "giải quyết tình cảm", không muốn làm to chuyện.
Cả nhóm về nhà ông Sơn và tại đây, "khổ chủ" yêu cầu anh Cường trả 300 triệu đồng bồi thường danh dự. Người đàn ông ngoại tình này không có tiền mặt, muốn ghi giấy nợ nhưng bố con ông Sơn không đồng ý, yêu cầu viết giấy bán ôtô.
Do Trần Cường từ chối, ông Sơn gọi thêm em vợ là bị cáo Tuấn Anh đến cùng giải quyết. Ngay khi có mặt, Tuấn Anh chửi bới, bảo anh rể tắt camera để đánh Cường.
Người này đưa ra hai phương án cho anh Cường chọn là trả tiền hoặc chịu "bị đánh gãy chân". Do bị đánh, anh Cường buộc phải đồng ý cầm cố ôtô để trả 300 triệu đồng.
Sau đó, anh Cường lợi dụng sơ hở, chạy trốn và xin một tài xế lái ôtô chở vật liệu xây dựng cho đi nhờ. Bị cáo Tuấn Anh đuổi kịp, nhặt một gậy tre vụt khiến anh Cường gãy xương trụ tay phải, tổn hại 6% sức khỏe. Cảnh sát sau đó điều tra, khởi tố bố con ông Sơn và Tuấn Anh.
Tại tòa, Sơn thừa nhận hành vi, nói mất bình tĩnh, cảm thấy bị xúc phạm khi phát hiện vợ ngoại tình. Nữ chủ tọa nói: "Tôi thấu hiểu bức xúc của bị cáo nhưng không thể vì thế đánh đập, ép người ta đưa tiền".
Người vợ ông Sơn cũng có mặt, khóc lóc và cho rằng gia đình tan nát là lỗi của mình và nói: "Tôi rất xấu hổ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.