Tình báo Mỹ và chiến dịch lật đổ Thủ tướng Iraq Abdul Karim Qasim
Tình báo Mỹ và chiến dịch lật đổ Thủ tướng Iraq Abdul Karim Qasim
Thứ năm, ngày 21/05/2020 19:31 PM (GMT+7)
Từ năm 1961 đến cuối năm 1962, CIA đã tiến hành ba vụ mưu sát nhắm vào Thủ tướng Iraq Qasim trong đó đáng kể nhất là vụ gài bom vào khán đài nơi Thủ tướng Qassim sẽ đến dự buổi khánh thành . Rất may, buổi lễ phải hoãn lại và Thủ tướng Qassim thoát chết.
Ngày 14/7/1958 tại Iraq đã xảy ra một cuộc đảo chính quân sự do tướng Abdul Karim Qasim chỉ huy để lật đổ nhà vua Faysal II. Chỉ sau có một ngày, cuộc binh biến đã thành công khi quân đảo chính nắm quyền kiểm soát toàn bộ thủ đô Baghdad và nhiều thành phố lớn khác. Hội đồng quân sự lâm thời mà đứng đầu là tướng Qasim đã ra lệnh hành quyết nhà vua Faysal II, Thủ tướng Nuri as-Said và một số thành viên hoàng gia khác bị buộc tội đã gây nhiều tội ác với nhân dân Iraq.
Đến tháng 8/1958, Hội đồng quân sự lâm thời đã chỉ định tướng Qasim làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tá Abdul Salam Arif làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Động thái đầu tiên của chính phủ mới ở Iraq do tướng Qasim đứng đầu là hủy bỏ các hiệp định về an ninh, kinh tế, quân sự mà chính phủ trước đây đã ký với Anh và Mỹ. Trong đó có hiệp định hỗ trợ an ninh và quan hệ song phương được ký kết với Anh vào năm 1947 và các thỏa thuận về viện trợ quân sự, kinh tế ký kết với Mỹ vào các năm 1954-1955. Thủ tướng Qasim còn yêu cầu Anh phải rút hết quân đội ra khỏi Iraq.
Ngày 30/5/1959, những binh lính Anh cuối cùng rời khỏi căn cứ quân sự Al-Habay ở miền Nam Iraq, chấm dứt sự hiện diện của thực dân Anh trên lãnh thổ Iraq suốt hàng chục năm liền. Một động thái khác của Thủ tướng Qasim cũng gây phản ứng mạnh nơi các quốc gia phương Tây là việc quốc hữu hóa toàn bộ ngành dầu khí vốn lâu nay nằm trong tay các tập đoàn dầu khí Anh và Mỹ.
Trong khi quay lưng lại với phương Tây thì Thủ tướng Qasim lại chủ trương mở rộng bang giao với khối các quốc gia XHCN, nhất là với Liên Xô. Về đối nội, Thủ tướng Qasim chủ trương xóa bỏ mọi thù hằn giữa các sắc tộc, ân xá cho các thủ lĩnh người Kurd bị bắt giữ dưới chế độ trước đây và cho phép những người Kurd lưu vong quay về lại sinh sống và làm ăn tại miền Bắc Iraq.
Thủ tướng Qasim còn phát động một cuộc cách mạng ruộng đất để nâng cao đời sống cho dân nghèo vào năm 1959. Ông còn cho xây dựng nhiều khu nhà ở mới cho người nghèo thành thị mà điển hình là khu dân cư Madinat al-Thawra ở ngoại ô thủ đô Baghdad, được đổi tên thành Saddam City dưới chế độ Saddam Hussein và hiện nay mang tên Sadr City.
Đương nhiên những hành động của Thủ tướng Qasim đã gây khó chịu cho các quốc gia phương Tây, nhất là khi Mỹ muốn mở rộng ảnh hưởng tại các quốc gia vùng Vịnh, vốn là nguồn cung cấp dầu khí quan trọng cho phương Tây.
Từ tháng 10/1961, CIA phái các nhân viên đặc biệt đến miền Bắc Iraq móc nối với các bộ tộc người Kurd và kích động các nhóm này tiến hành các hoạt động chống phá Chính phủ Iraq để đòi độc lập cho người Kurd. Và để dẹp yên các cuộc nổi dậy của người Kurd, Thủ tướng Qasim phải nhờ đến sự giúp đỡ về quân sự của Syrie. Thế nhưng hành động này lại gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ các quốc gia Arập.
Không những kích động người Kurd gây nội chiến ở Iraq, Mỹ còn gây sức ép để Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser, người khai sinh ra Liên minh các nước Cộng hòa Arập (UAR) cô lập Iraq trên chính trường quốc tế, không kết nạp Iraq làm thành viên UAR lấy lý do Thủ tướng Qasim ra lệnh đàn áp người Kurd.
Nhưng quan trọng hơn hết là việc CIA tiến hành các kế hoạch lật đổ chế độ của Thủ tướng Qasim và giết hại ông. Từ năm 1961 đến cuối năm 1962, CIA đã tiến hành ba vụ mưu sát nhắm vào Thủ tướng Qassim nhưng không thành công, trong đó đáng kể nhất là vụ gài bom vào khán đài nơi Thủ tướng Qasim sẽ đến dự buổi khánh thành một cơ sở chế biến dầu khí ở thành phố Bassora vào tháng 3/1961. May thay do thời tiết quá xấu, buổi lễ khánh thành phải hoãn lại khiến quả bom phát nổ và Thủ tướng Qasim thoát chết.
Thất bại trong tổ chức các vụ mưu sát nhắm vào Thủ tướng Qasim, CIA đổi sang phương thức dùng chất độc để giết hại ông. Một chiếc khăn tay và một hộp xì-gà có tẩm thuốc độc do chuyên viên về độc dược của CIA Sidney Gottleib làm ra, được gửi đi bằng đường bưu điện cho đích danh người nhận là Thủ tướng Qasim để giết hại ông nhưng cũng không thành công.
Từ giữa năm 1962, CIA tiến hành móc nối và mua chuộc một số sĩ quan không quân có tư tưởng phản loạn trong quân đội Iraq để lên kế hoạch làm binh biến lật đổ chế độ của Thủ tướng Qasim.
Ngày 9/2/1963, cuộc binh biến do Đại tá không quân Ahmad Hasan al-Bakr cầm đầu đã bất ngờ diễn ra tại thủ đô Baghdad khiến cho lực lượng trung thành với Thủ tướng Qasim trở tay không kịp và buộc phải buông súng đầu hàng khi biết tin Thủ tướng Qasim và Phó thủ tướng Abdul Salam Arif bị bắt và bị hành quyết một cách bí mật. Lúc đó Abdul Karim Qasim mới 49 tuổi. Những gì còn lại của Thủ tướng Qassim được tìm thấy nơi mộ phần của ông vào tháng 7/2004 chỉ là một ít xương, đôi giày da, quân hàm cấp tướng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.