Tình gia đình trong ngôi trường đặc biệt ở Quảng Ninh

Liễu Chang Thứ hai, ngày 20/11/2017 10:31 AM (GMT+7)
Ở ngôi trường đặc biệt này, tình thầy trò, cô trò đã hóa thành tình cha con, mẹ con.
Bình luận 0

Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh là ngôi nhà chung của hơn 100 đứa trẻ kém may mắn, những người thầy, người cô, người bảo mẫu ở đây không chỉ là bố là mẹ của 1, 2, 3 đứa trẻ mà là của hơn 100 em nhỏ. Ở nơi đây, tình thầy trò, cô trò hóa thành tình cha con, mẹ con.

img

Các con bị khuyết tật tặng các bố, các mẹ bài hát " Người mẹ trong trí tưởng tượng" bằng ngôn ngữ kí hiệu nhân ngày tri ân các thầy cô.

img

Vẻ ngây thơ, hồn nhiên của các em nhỏ nơi mái nhà đặc biệt.

Người thầy và chuyến đi… để trở về!

“Bố Đức” là danh từ mà những đứa trẻ nơi đây gọi anh Tạ Trọng Đức (SN 1985, quê ở Hoành Bồ, Quảng Ninh) - phó Bí thư Đoàn của Trung tâm, phòng quản lý tư vấn Trung tâm Bảo trợ tỉnh. 

img

"Bố Đức" luôn là người được các con vây quanh mỗi khi hết giờ học trên lớp.

Chia sẻ về câu chuyện của cuộc đời mình, anh Đức nhớ lại: Năm 8 tuổi anh được đưa vào Trung tâm bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vào một ngày nắng năm 1993. Trước đó, tai họa ập xuống gia đình của 6 đứa trẻ tại vùng quê nghèo khi bố mẹ đều bị tai nạn lao động mất sớm. 

Năm 2003 học hết THPT, rời mái ấm và anh thi đỗ vào trường Nhạc viện Quốc gia – Hà Nội. Nhưng khó khăn, vất vả và sự cô đơn luôn bủa vây lấy chàng thanh niên trẻ. Học phí đè nặng, mất dần phương hướng, không còn mục tiêu rõ ràng… đã khiến anh chán nản và mơ hồ về tương lai. Và năm 2005 anh quyết định thôi học.

“Thời gian đó mình đi làm phụ hồ tại các công trình xây dựng. Người ta nói sự chờ đợi có thể giết chết một con người. Cơ hội đã không đến với mình, lúc đó mình cảm giác mình mất phương hướng, mất niềm tin thật sự. Sau đó vì quá thất vọng và mất niềm tin, mình bỏ nhà đi làm phụ hồ, đi theo đám bạn hư hỏng trở thành bụi đời, lang thang… “ - anh Đức tâm sự.

May mắn, chị gái lấy chồng ở miền Nam thấy anh lông bông nên đã kéo anh vào nam đi làm. Ở cái tuổi 19 - 20 nông nổi, bồng bột khiến chàng thanh niên trẻ chẳng thể an phận một chỗ làm việc.

“Mình lang thang nay đây mai đó khắp 26 tỉnh thành và Lâm Đồng là điểm dừng giữ chân được mình lâu nhất. Tại đây mình xin vào làm công quả tại Thiền viện ở hồ Tuyền Lâm. Thời gian gần 3 năm làm việc tại đây , mình tĩnh tâm lại và suy nghĩ về cuộc đời mình, bình ổn lại bản thân”.

Sau khi bình tâm lại, anh đưa ra một quyết định táo bạo. Và giữa năm 2009 anh quay trở về quê hương và tiếp tục xin đi học tại Trường CĐ Sư Phạm Quảng Ninh, khoa Sư phạm âm nhạc. Anh vừa đi học, vừa làm xe ôm để có thể phần nào trang trải cuộc sống ngoài số tiền ít ỏi mà các chị gom góp gửi cho hàng tháng.

“Một sự tình cờ, một nhân duyên để có mình ở đây ngày hôm nay. Khoảng thời gian mình đi chạy xe ôm thì có vô tình gặp lại các thầy cô, các mẹ tại Trung tâm. Khi biết được hoàn cảnh của mình các mẹ đã gợi ý giúp mình tìm làm việc ở Trung tâm và nhờ đó mới có mình của ngày hôm nay”.

img

Là người phụ trách mảng "văn hóa đời sống"  với phương châm chia sẻ và lắng nghe nên các em nhỏ ở đây rất thân với anh.

Hiện tại anh còn là người phụ trách chia sẻ, tư vấn, định hướng và giải đáp những khúc mắc của các em. Nhiều em ở đây đang ở lứa tuổi mới lớn, tâm sinh lý thay đổi, nên các thầy cô như một người bạn, người bố, người mẹ tâm sự cùng các con. “Các con ở đây đều thiếu thốn tình cảm từ nhỏ, mình hiểu điều đó vì mình cũng đã từng trải qua, nên các thầy các cô ở đây luôn cố gắng quan tâm, chia sẻ, dạy dỗ và chăm sóc để các con sau này ra đời trở thành người người có ích cho xã hội”.

img 

Anh thành thạo trong sử dụng ngôn ngữ kí hiệu để có thể giao tiếp, tâm sự với nhiều em nhỏ khuyết tật tại đây.

Không chỉ làm bố của đứa con gái bé bỏng của mình, anh Đức còn là bố của hơn 100 em nhỏ tại mái trường đặc biệt này. Người thầy đó là bố, là bạn, là tiền bối, là người từng trải nên luôn là người hiểu các con nhất. “Mình là người được nuôi nấng, dạy dỗ và trưởng thành từ đây nên hơn ai hết mình hiểu các con cần gì và muốn gì” - anh Đức cho hay. 

Cô giáo 70 tuổi

Người mà chúng tôi muốn nhắc đến là cô, là mẹ Phùng Thị Lựu. Người phụ nữ đặc biệt này là mẹ của những đứa trẻ, là bu của các các thầy cô giáo đang làm công tác giảng dạy tại đây.

img

"Mẹ Lựu" là người có ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ những đứa trẻ lớn lên ở đây mà ngay cả các thầy cô đang giảng dạy tại Trung tâm.

Năm 37 tuổi, một người phụ nữ vừa phải làm mẹ, vừa phải làm cha của 3 đứa con thơ sau khi chồng cô qua đời vì bệnh tật. Cô nghỉ hưu sau nhiều năm làm việc tại ngành đường sắt. Năm 1997, một người quen làm việc tại Trung tâm nhờ cô chăm một đứa trẻ khóc và nôn trớ dữ dội vì bị sởi nặng. Vì quá thương đứa bé gái đó, nên cô đã đồng ý. “Không nghĩ rằng mình sẽ gắn bó lâu dài ở đây như vậy, chắc cái duyên cái số thế nào mà cô đã ở đây chăm sóc các con năm nay vừa tròn 20 năm”.

Cô Lựu cũng có con cháu, nhà cửa đàng hoàng nhưng cô đã chọn sống và làm việc ở đây. Cô chia sẻ: “Các con, các cháu cũng có ý muốn đưa mẹ về, nhưng cô nói mẹ còn trẻ, còn khỏe thì để mẹ làm những gì mẹ thích, khi nào không đi được nữa thì đưa mẹ về, nên các con cũng ủng hộ".

img

Mẹ luôn ân cần quan tâm, chỉ bảo và cho các em lời khuyên khi chúng cần.

Cô kể: Ngày mới vào Trung tâm, một  mình cô chăm nuôi 28 đứa trẻ, nhưng các con đều ngoan và nghe lời nên cũng không vất vả là mấy, đứa lớn giúp chăm đứa bé hơn. “Các con tại đây đều là những đứa trẻ kém may mắn và thiếu tình thương nên các bố, các mẹ ở đây ai cũng cố gắng bù đắp phần nào cho chúng. Cũng chẳng làm gì đao to búa lớn, chỉ là luôn quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ và cho chúng lời khuyên khi chúng cần”.

28 đứa trẻ năm đó giờ đã trưởng thành và thành công ở những lĩnh vực nhất định vẫn luôn nhớ về người mẹ chăm sóc, dạy dỗ năm đó. 

img

Hết giờ học, các em lại xúm xít hộ mẹ nơi góc bếp.

Dù đã 70 tuổi nhưng cô vẫn còn khỏe và hoạt bát. Công việc hàng ngày của cô là đi chợ, và chuẩn bị rau cỏ cho nhà bếp để các em có bữa ăn vừa đảm bảo vệ sinh, vừa đảm bảo dinh dưỡng. Hàng ngày, một tốp các em xúm xít hộ người “mẹ già” nhặt rau cỏ nơi góc bếp là hình ảnh đã không còn quá xa lạ. Chỉ là công việc nhặt rau, nhưng thông qua những câu chuyện cô kể, những bài thơ cô đọc, những đứa trẻ luôn nhận được một thông điệp ý nghĩa nào đó về cuộc sống, về cuộc đời.

Em Vũ Văn Chiến hiện đang học lớp 11, quê ở Đầm Hà, được mẹ Lựu nhận chăm sóc từ khi mới 3 tuổi (2004) : “Mẹ lúc nào cũng quan tâm đến em, từ ăn mặc, học hành, ăn uống… một sự quan tâm rất chu đáo. Em luôn coi mẹ như mẹ ruột của mình”.

Trao đổi với chúng tôi, cô Hoàng Minh Hoa, Giám đốc Trung tâm cho biết: "Hiện tại, tại Trung tâm có hơn 100 em nhỏ là trẻ mồ côi, trẻ khyết tật (khiếm thị, khiếm thính..) ở các lứa tuổi. Hầu hết các em đều thiếu tình thương từ nhỏ nên các thầy, các cô ở đây luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các con. Các con ở đây đều ngoan, biết yêu thương, nhường nhịn nhau và luôn cố gắng nỗ lực học tập".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem