Tinh giản biên chế ở Quảng Nam vẫn còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán

Trương Hồng Thứ ba, ngày 06/02/2024 09:11 AM (GMT+7)
Báo cáo của tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa phát huy vai trò, trách nhiệm đối với công tác tinh giản biên chế; còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán trong quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Bình luận 0

Ngày 6/2, nguồn tin cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã có báo cáo kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2023, theo đó Quảng Nam có 234 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được tinh giản biên chế.

Theo đó, năm 2023, căn cứ quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020) và Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế; tỉnh Quảng Nam đã giải quyết tinh giản biên chế cho 234 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. 

Trong đó, tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP là 176 người và theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP là 58 người. Phần lớn đối tượng tinh giản thực hiện theo chính sách về hưu trước tuổi và mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác.

Tinh giản biên chế ở Quảng Nam vẫn còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã có báo cáo kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2023, theo đó tỉnh Quảng Nam có 234 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được tinh giản biên chế. Ảnh: T.H

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, chưa mang lại kết quả tích cực trong việc tinh gọn tổ chức bộ máy, trong đó một phần là do chế độ hỗ trợ của chính sách tinh giản biên chế hiện nay còn hạn chế chưa đủ tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức tinh giản biên chế; đồng thời, điều kiện, tiêu chuẩn để tinh giản biên chế theo quy định còn nhiều ràng buộc, khó khăn.

Đối tượng tinh giản biên chế chủ yếu là nghỉ hưu trước tuổi; phần lớn cán bộ, công chức, viên chức tinh giản biên chế là do đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ; đối tượng tinh giản biên chế phần lớn là người sắp đến thời điểm nghỉ hưu xin về hưu trước tuổi và tập trung chủ yếu vào đối tượng là viên chức sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp y tế, chưa tinh giản được những người cần đưa ra khỏi bộ máy. 

Do đó, việc tinh giản biên chế để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chưa đạt mục tiêu đề ra.

Còn đối với nguyên nhân khách quan, chủ quan của hạn chế tồn tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ coi mục tiêu tinh giản biên chế là giảm cơ học, giảm biên chế để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, chưa gắn với thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ.

"Người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa phát huy vai trò, trách nhiệm đối với công tác tinh giản biên chế; còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán trong quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa quyết liệt trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự để tinh giản biên chế; chưa xem tinh giản biên chế là một phương thức, cơ hội để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức nhất là đối tượng thuộc diện dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tinh giản biên chế…", báo cáo nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem