Cần cơ chế kiểm soát khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đóng cùng lúc 2 "vai"

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 03/06/2022 19:00 PM (GMT+7)
Một trong những mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này là nhằm tăng cường thu hút đầu tư (thu hút các dự án đầu tư mới).
Bình luận 0

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Cần cơ chế kiểm soát khi PVN đóng cùng lúc 2 "vai" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). (Ảnh: QH)

Trình bày Tờ trình Dự án luật Dầu khí (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Dầu khí hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập tập trung vào các vấn đề như: Một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được quy định cụ thể bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật hoặc quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã có những thay đổi; Một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí nhưng chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác; Một số vấn đề đang được quy định tại các văn bản dưới Luật cần được quy định trong Luật Dầu khí để nâng cao hiệu lực thi hành và đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với các Luật khác có liên quan.

Như vậy, xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, việc xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành. Mục đích và quan điểm xây dựng Luật dầu khí (sửa đổi) đã được xác định và nêu chi tiết tại Tờ trình số 159/TTr-CP.

Cần cơ chế kiểm soát khi PVN đóng cùng lúc 2 "vai"

Góp ý kiến về dự thả Luật Dầu khí, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho biết, một trong những mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này là nhằm tăng cường thu hút đầu tư (thu hút các dự án đầu tư mới).

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã thiết kế tốt khi xác định cơ chế ưu đãi thông thường, đồng thời có cơ chế ưu đãi đặc biệt dành cho các dự án quan trọng tùy theo mong muốn của chúng ta. Thiết kế này là phù hợp, nhưng đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị, cần tham vấn thêm vì hiện đang áp dụng theo hướng nếu cơ chế bình thường không đạt được thì mới áp dụng cơ chế đặc biệt, gây kéo dài thời gian áp dụng.

"Đề nghị cần áp dụng song song hai cơ chế ưu đãi này, vì mục tiêu của chúng ta là thu hút đầu tư. Nghiên cứu thêm kinh nghiệm thế giới khi áp dụng cơ chế ưu đãi đặc biệt là linh hoạt áp dụng cho từng dự án, từng nhu cầu cụ thể của nhà đầu tư, để vừa hài hòa quyền lợi, vừa thu hút nhà đầu tư", đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Đối với quy định về vai trò, trách nhiệm của PVN, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, dự thảo quy định theo hướng lựa chọn một mô hình tương ứng với một số quốc gia trong khu vực, đó cơ quan dầu khí quốc gia (PVN) đóng 2 vai trò, đó là doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

"Tôi cũng mong muốn cơ quan soạn thảo nên thuyết minh, đánh giá rất kỹ lợi ích và chi phí của việc lựa chọn mô hình. Ngoài ra, cần có cơ chế kiểm soát để tránh việc xung đột lợi ích", ông Hiếu nói.

Cần cơ chế kiểm soát khi PVN đóng cùng lúc 2 "vai" - Ảnh 3.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình)

Không có lý do gì mà không dùng những gói giải pháp hỗ trợ tài chính để kiểm soát giá xăng dầu

Góp ý kiến tại tổ về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) lưu ý thêm, cần tạo cơ chế chính sách đặc thù cho ngành dầu khí.

Lấy dẫn chứng từ các quốc gia khác trên thế giới, đại biểu Ngân cho biết, hiện các nước có khai thác dầu mỏ có rất nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ. Chẳng hạn như Malaysia, quốc gia này có rất nhiều chính sách hỗ trợ và giá xăng dầu của Malaysia hiện nay rất thấp so với giá tại Việt Nam. Các nước Nga, Ukraine, Brazil, Trung Quốc... cũng đều có các chính sách hỗ trợ cho việc khai thác dầu khí.

Đáng nói, những quốc gia khai thác được dầu mỏ thì người dân phải được hưởng những quyền lợi trong việc khai thác này và sử dụng quyền lợi đó khi cần thiết. Vì vậy, theo đại biểu Ngân, trong điều kiện hiện nay không có lý do gì mà không dùng những gói giải pháp hỗ trợ tài chính một cách nhanh chóng hơn để kiểm soát giá xăng dầu.

" Đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu 50% còn lại, còn các luật thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng... phải theo trình tự trình qua Quốc hội thì có thể không kịp nhưng cần giảm ngay thuế bảo vệ môi trường để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp hiện nay là rất cần thiết và cấp bách", đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem