Tinh hoa nghề khắc gỗ làng Bảo Hà

Thứ tư, ngày 21/12/2011 14:57 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) là địa phương giàu truyền thống cách mạng và văn hóa. Nơi đây còn được ghi nhận như là “cái nôi” của nghề khắc gỗ truyền thống.
Bình luận 0

Mặc bao biến cố, thăng trầm của thời gian, mạch ngầm văn hóa cổ truyền ở nơi đây vẫn không ngừng chảy và nó đang trở thành “điểm nhấn” trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương này.

Bàn tay khắc gỗ nên vàng

Ở Bảo Hà ngày nay vẫn lưu truyền câu chuyện cổ kể về ông tổ làng nghề Nguyễn Công Huệ. Chuyện kể rằng: Vào thế kỷ thứ XV, Nguyễn Công Huệ khi đó còn nhỏ, nhưng đã có biệt tài làm các con giống ngộ nghĩnh bằng các vật dụng có sẵn trong vườn nhà. Những gốc tre gai góc, những gốc mít xù xì, được cậu đục đẽo thành hình long, ly, quy, phượng; từ củ chuối, gốc sắn đến sơ mướp, gáo dừa... cũng được cậu uốn gọt thành ông Bụt, ông phỗng...

img
Nghề tạc tượng ở Bảo Hà.

Tài hoa của Nguyễn Công Huệ được truyền tụng khắp nơi. Giặc Minh (lúc bấy giờ đang đô hộ nước ta) biết chuyện, ngoài càn quét, chúng vơ vét đưa về bản xứ những thợ giỏi, trong đó có Nguyễn Công Huệ. Sau 10 năm khổ sai nơi xứ người, ông trở về làng xưa, truyền lại cho dân làng 4 nghề học được: Điêu khắc gỗ, sơn mài, dệt vải và ngải cứu (châm cứu bằng lá ngải).

... Nối tiếp nhau, các nghệ nhân từ thời phong kiến đến nay luôn được phong tặng những danh hiệu cao quý, như: Nghệ nhân Tô Phú Vượng được phong "Hoàng tín đại phu kỳ tài hầu"; Nghệ nhân Tô Phú Luật được phong "Diệu nghệ bá"; Hoàng Đình Ức được ban chức "Phụng thi tạc tượng cục", chuyên lưu ứng vụ, Cục phó Nam tước... Tất cả làm rạng danh làng nghề Bảo Hà. Hiện, truyền thuyết và các sắc phong đang được lưu giữ trong nhà thờ các dòng họ Tô, họ Hoàng để ghi nhận tài năng mang tầm vóc quốc gia của những nghệ nhân Bảo Hà.

Điều đáng nói, từ nhóm thợ tài ba thuở ấy, đã phát triển thành những phường thợ tỏa đi khắp nơi, sáng tạo nhiều tượng thờ nổi tiếng ở khắp các miền quê trên cả nước, trong đó có hệ thống tượng thờ tại cụm Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia miếu và chùa làng Bảo Hà. Có thể nói, nơi đây đã hội tụ tất cả tài năng, trí tuệ, tâm tư, khát vọng của người dân địa phương, đặc biệt của người thợ nghề sơn mài, điêu khắc gỗ. Từ long đình, bài vị, hương án, đến các tượng quan văn, quan võ, tố nữ, ông phỗng... tất cả không chỉ lấp lánh màu son, thếp bạc dù đã trải hàng trăm năm, mà còn rất "có hồn".

“Điểm nhấn” xây dựng nông thôn mới

Tuy là địa phương có ngành nghề truyền thống sơn mài, điêu khắc, dệt chiếu cói... nhưng phần đông lao động ở Đồng Minh vẫn làm nông nghiệp trồng cấy, chăn nuôi. Trong khi đó, ruộng đất lại manh mún. Đây là những trở ngại lớn cho quá trình xây dựng NTM trên địa bàn xã. Chưa kể, nghề truyền thống phát triển, nhưng phần đông lao động lại chưa qua đào tạo mà chỉ làm dựa theo kinh nghiệm tích lũy được.

Ông Nguyễn Văn Niêm - Bí thư Đảng ủy xã Đồng Minh cho biết: “Năm 1977, cụ Đào Trọng Đạm - Nghệ nhân điêu khắc làng Bảo Hà có vinh dự được chọn và gửi tác phẩm “Tượng Phật Bà nghìn mắt, nghìn tay” tham gia Liên hoan Điêu khắc quốc tế tại TP.Leipzig (Đức). Tiếp nối, ông Nguyễn Huy Ngoãn có 2 tác phẩm sơn mài và điêu khắc "đỉnh" trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Anh Đào Minh Tuân (đại diện lớp trẻ) cũng có tác phẩm điêu khắc độc đáo trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học... Chúng tôi rất hãnh diện bởi mạch ngầm văn hóa ở quê tôi từ bao đời nay vẫn không ngừng chảy”.

Chính bởi lẽ này, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Minh xác định cần phải lấy việc phát triển ngành nghề truyền thống làm đòn xeo, thúc đẩy xây dựng NTM. Nhưng muốn vậy, ngoài quy hoạch lại nông thôn, đồng ruộng, cần phải tập trung đào tạo nghề cho nông dân.

Về quy hoạch, theo ông Bùi Văn Nhâm - Chủ tịch UBND xã Đồng Minh cho biết, hiện địa phương chưa làm xong quy hoạch về nông thôn để thực hiện phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc.

Riêng về đào tạo nghề, cũng theo ông Nhâm, tính đến thời điểm cuối năm 2011, Đồng Minh có xấp xỉ 4.600 lao động, trong đó lao động trong độ tuổi lĩnh vực nông nghiệp là hơn 2.000 người (chiếm gần 45%), trong khi tiêu chí đặt ra là lao động nông nghiệp chỉ còn dưới 25%. Như vậy, cần phải cơ cấu lại lao động, nhưng đồng thời cũng phải khẩn trương bắt tay vào việc đào tạo để nâng cao tay nghề cho lao động địa phương, nhất là nghề điêu khắc gỗ.

Cho dù mới đạt 5/19 tiêu chí xây dựng NTM, nhưng với đề án đã được xây dựng mà "điểm nhấn" là duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, chắc chắn việc xây dựng NTM ở Đồng Minh sẽ thuận lợi cơ bản, thậm chí cán đích sớm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem