Tình huống pháp lý vụ thiếu niên 14 tuổi cướp tài sản, xâm hại bà cụ 60 tuổi
Tình huống pháp lý vụ thiếu niên 14 tuổi cướp tài sản, xâm hại bà cụ 60 tuổi
T. Nam - K. Trinh
Thứ tư, ngày 30/10/2024 10:19 AM (GMT+7)
Theo luật sư, trường hợp cơ quan chức năng chứng minh có tội, đối tượng gây ra vụ việc sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội hai lần theo quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo trình báo của nạn nhân, khoảng 18h ngày 26/10, bà H. chạy xe máy trên đường đất giữa lô cao su thuộc ấp Lai Khê, xã Lai Hưng. Nam thiếu niên tên M. đi xe máy đuổi theo, chặn xe bà H. rồi yêu cầu nạn nhân mở cốp xe để kiếm đồ chiếm đoạt tài sản.
Sau khi chiếm đoạt số tiền 100.000 đồng, M. tiếp tục yêu cầu bà H. đi vào lô cao su rồi đe dọa, ép buộc bà H. quan hệ tình dục. Thực hiện xong hành vi, M. lái xe máy bỏ chạy. Nhưng ngay sau đó quay lại cướp luôn điện thoại của bà H..
Sau khi bà H. trình báo, công an đã triển khai lực lượng truy xét và xác định được nghi phạm trong thời gian ngắn.
Bước đầu làm việc, M. thừa nhận đã thực hiện hành vi. Trước đó M. được gia đình đưa về quê ngoại tại tỉnh Đồng Tháp để học tập, nhưng đầu tháng 10/2024, M. nghỉ học và quay lại huyện Bàu Bàng, Bình Dương sinh sống.
M. khai do vay mượn bạn bè 4 triệu đồng, bị đòi nợ và không có khả năng chi trả nên đã nảy sinh ý định đi cướp để lấy tiền trả nợ.
Quy định pháp luật về tội hiếp dâm, cướp tài sản
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp cho hay, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đối tượng liên tục thực hiện các hành vi phạm tội.
Cơ quan điều tra sẽ thu thập các chứng cứ để chứng minh hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc của đối tượng này khiến nạn nhân sợ hãi để chiếm đoạt 100.000 đồng của nạn nhân.
Việc đối tượng thực hiện hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào việc đối tượng có chiếm đoạt được tài sản hay không cũng như giá trị tài sản chiếm đoạt là bao nhiêu. Bởi vậy, hành vi trên cấu thành tội Cướp tài sản theo quy định tạo Điều 168, Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư Cường, diễn biến đáng chú ý trong vụ án này là đối tượng không chỉ một lần thực hiện hành vi Cướp tài sản mà sau khi thực hiện hành vi cướp tài sản và hiếp dâm nạn nhân đối tượng tiếp tục quay lại thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt điện thoại của nạn nhân.
Cơ quan điều tra sẽ trưng cầu định giá chiếc điện thoại để xác định giá trị tài sản chiếm đoạt làm căn cứ giải quyết vụ án. Nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt dưới 50.000.000 đồng nhưng hành vi của đối tượng được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì đối tượng vẫn bị áp dụng theo Khoản 2, Điều 168 với khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Bởi vậy, khi có căn cứ chứng minh có tội, đối tượng gây ra vụ việc sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội hai lần (cướp hai lần) theo quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự.
Đối với tội hiếp dâm, đây là hành vi rất đáng lên án vì đối tượng này chỉ bằng tuổi cháu của nạn nhân. Hành vi hiếp dâm người cao tuổi khi đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật hình sự đến mức phải xử lý hình sự.
Trường hợp, đối tượng phạm tội Hiếp dâm theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự thì có thể sẽ bị áp dụng khung hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Luật sư Cường cho biết, trường hợp người vi phạm 14 tuổi, vừa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, do vậy có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội danh trong đó có tội Cướp tài sản và tội Hiếp dâm theo quy định tại khoản 2, Điều 12 Bộ luật hình sự 2015.
"Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, người vi phạm đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi nên đối tượng này có thể sẽ phải chịu mức hình phạt bằng 1/2 mức hình phạt với người đã thành niên trong khung hình phạt nêu trên theo quy định tại khoản 2, Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015", luật sư Cường nêu quan điểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.