Tỉnh không có tiền cho người nghèo ăn tết: Chờ... nhà hảo tâm

Thứ ba, ngày 21/01/2014 07:01 AM (GMT+7)
Dân Việt đưa tin về việc một số tỉnh không có khả năng trích ngân sách lo tết cho hộ nghèo. Thực tế, ở một số tỉnh này, tiền, quà tết cho người nghèo chủ yếu nhờ lòng hảo tâm đóng góp, hỗ trợ.
Bình luận 0
Quà tết trông vào nhà tài trợ

Đã nhiều năm rồi, Phú Yên không xuất ngân sách để hỗ trợ tết cho người nghèo, chứ không riêng năm nay. Tất cả đều vì một câu “tỉnh nghèo, ngân sách quá khó khăn”…

Cận tết mà nhà vợ chồng Ma Ngót (đều đã 70 tuổi) ở buôn Tun Chách, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh, vẫn chưa thấy sắm sửa gì. Ông bà đã mất sức lao động, đang sống với con gái út và 3 đứa cháu; chi tiêu gia đình đều trông vào việc đi làm thuê của con gái.

Theo ông Đặng Văn Hải – Trưởng buôn Tun Chách, nhà Ma Ngót thuộc diện hộ nghèo, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, thỉnh thoảng được phát nhận gạo, quà cứu trợ. “Nghe nói sắp đến đây, nhà Ma Ngót được nhận gạo cứu đói và quà tết của một doanh nghiệp nào đó tặng. Ngoài ra, không còn được hỗ trợ gì khác. Ở buôn này và cả xã Ea Bia đều có trên 50% hộ nghèo” - ông Hải nói.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ huyện Bến Cát (Bình Dương) tặng quà tết cho bà con nghèo ở phường 3, TP. Tuy Hòa, Phú Yên.
Đại diện Hội Chữ thập đỏ huyện Bến Cát (Bình Dương) tặng quà tết cho bà con nghèo ở phường 3, TP. Tuy Hòa, Phú Yên.

Theo ông Nguyễn Phất – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Phú Yên, đến cuối năm 2013, toàn tỉnh đang có 31.415 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 13,03%). Từ nhiều năm nay, tỉnh chỉ xuất ngân sách cho lãnh đạo tỉnh đi thăm và tặng quà tết cho một số ít hộ quá nghèo, chứ không đủ khả năng hỗ trợ đại trà cho tất cả hộ nghèo.

Ngoài các hộ hưởng chính sách và quà tết của trung ương, việc hỗ trợ quà tết cho người nghèo, tỉnh đều phải vận động các nhà tài trợ (như doanh nghiệp, ngân hàng…). Dù mỗi năm đều có hàng ngàn suất quà tết từ các nhà tài trợ tặng hộ nghèo nhưng không thể phủ quà tết đến tất cả các hộ nghèo trong tỉnh. Điều này do ngân sách tỉnh quá khó khăn, ví như năm nay tỉnh chỉ thu ngân sách được trên 1.900 tỷ đồng…

Tuy nhiên, ông Đỗ Duy Vinh – Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Phú Yên nói với phóng viên: “Năm nào cũng vậy, hộ nghèo đều có hỗ trợ của tỉnh. Chỗ nào nói không hỗ trợ thì anh đi hỏi chỗ đó!”.

Tại Kon Tum - tỉnh cùng với Phú Yên thông báo không có ngân sách để trích lo cho người nghèo đón tết, ngày 20.1, lãnh đạo Sở LĐTBXH cho biết: Việc lo tết cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã và đang thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Hiện nay nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp đang tiến hành giúp đỡ người nghèo đón tết với số tiền hàng tỷ đồng.

Tuần trước, tại Kon Tum đã có hơn 4.528 suất quà được trao cho người nghèo, người tàn tật, trẻ mồ côi. Nhưng 3.300 suất quà trong số đó là của Ủy ban MTTQ tỉnh Kon Tum trích Quỹ Vì người nghèo để tặng (trị giá 300.000 đồng/suất), số quà còn lại là của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đứng ra quyên góp để tặng. Ngoài ra, Hội Nạn nhân chất độc da cam của tỉnh cũng chuẩn bị gần 1.000 suất quà cho hội viên. Còn ngân sách địa phương không có nguồn để hỗ trợ cho tất cả các hộ nghèo.

“Địa phương khó nói”


Chiều 20.1, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Thái Phúc Thành – Cục phó Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho rằng: “Việc không đủ kinh phí hỗ trợ tết cho hộ nghèo là vấn đề nhạy cảm nên địa phương rất khó nói. Hiện nay, trung ương đã phân cấp cụ thể cho các địa phương. Theo đó, các địa phương có trách nhiệm lo tết cho người nghèo. Vì thế, việc địa phương trích ngân sách bao nhiêu, trích như thế nào là quyền của địa phương, bộ hay cục đều không thể can thiệp” – ông Thành khẳng định.

Về vấn đề duy trì chính sách chung chăm lo tết cho người nghèo, ông Đỗ Lai Thành cho rằng: “Mỗi năm Nhà nước phải trích ngân sách cả trăm tỷ đồng để hỗ trợ cho các đối tượng có công, đối tượng chính sách, cộng với hàng chục nghìn tấn gạo cứu đói mỗi dịp giáp hạt, giáp tết đã là cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, nếu ban hành thêm một chính sách lo tết cho người nghèo e rằng ngân sách không kham nổi”.

Cũng theo ông Thành, Bộ LĐTBXH đã có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện chăm lo tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thế nhưng, chăm lo tới đâu, chăm lo thế nào thì ngành LĐTBXH không ép được mà phải tùy thuộc vào tình hình tài chính của từng địa phương.

“Ngoài nguồn ngân sách của tỉnh, các địa phương khó khăn cần phải chủ động kêu gọi các đoàn thể chính trị - xã hội vào cuộc hỗ trợ chăm lo tết cho người nghèo. Vì thế, không thể viện cớ khó khăn mà “bỏ qua” tết của nhóm người yếu thế này được” - ông Thành nhấn mạnh.

Về phía địa phương, ông Phạm Xuân Bình– Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình thì cho rằng: “Thật khó để có thể có một mức sàn chung trong việc lo tết cho người nghèo vì ngân sách nhà nước có hạn, tỉnh thì có tỉnh giàu, tỉnh nghèo. Có chăng chỉ có thể kêu gọi tinh thần tương thân tương ái, tính đoàn kết, tự giác chủ động của từng địa phương theo kiểu “lá rách ít đùm lá rách nhiều thôi”.

Hiện nay, Quảng Bình có hơn 31.000 hộ nghèo (chiếm 14% tổng số dân). UBND tỉnh chỉ có thể trích ngân sách 1 tỷ đồng hỗ trợ tết cho các đối tượng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, 7 huyện, thành phố trong toàn tỉnh cũng đã trích ngân sách gần 2 tỷ đồng để lo tết cho người nghèo, nâng tổng số tiền hỗ trợ tết cho người nghèo lên gần 3 tỷ đồng (tết năm 2013 là hơn 4 tỷ đồng).

Năm nay, người nghèo của tỉnh Quảng Bình cũng nhận được 1.000 suất quà do Ngân hàng BIDV hỗ trợ cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt. “Quảng Bình vừa phải trải qua 2 cơn bão lớn, ngân sách đã được trích ra để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiệt hại nên chẳng còn là bao. Vì vậy, đây cũng là nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương” – ông Bình khẳng định.

Hùng Phiên- Minh Nguyệt- Tiến Thành (Hùng Phiên- Minh Nguyệt- Tiến Thành)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem