Tỉnh Lai Châu lần đầu tiên tổ chức hội chợ giới thiệu một loài cây dược liệu quý như vàng, tốt như nhân sâm

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 02/11/2022 06:00 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên tỉnh Lai Châu tổ chức một hội chợ giới thiệu sâm Lai Châu, loại cây dược liệu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm. Tất cả bộ phận của sâm Lai Châu đều có thể dùng làm thuốc, có tác dụng cầm máu, tăng cường sinh lực, chống stress.
Bình luận 0

Hội chợ sâm Lai Châu năm 2022 lần đầu tiên được UBND tỉnh Lai Châu từ ngày 11/11 đến hết ngày 13/11/2022 tại Trung tâm thương mại tỉnh Lai Châu. 

Theo UBND tỉnh Lai Châu, Hội chợ sâm Lai Châu năm 2022 là sự kiện quan trọng nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây sâm Lai Châu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm hiểu nhằm xúc tiến hợp tác đầu tư, liên kết với người dân sản xuất, kinh doanh cây sâm Lai Châu và chế biến các sản phẩm từ sâm.

Hội chợ sẽ có các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm sâm Lai Châu, hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển vùng Sâm Lai Châu, hội thảo Chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển Sâm Lai Châu.

Tại các sự kiện, UBND tỉnh Lai Châu sẽ có báo cáo hiện trạng, tiềm năng, định hướng phát triển sâm trên địa bàn tỉnh; công bố chỉ số sâm Lai Châu; công bố bảo hộ giống sâm Lai Châu; công bố cơ sở trồng sâm được cấp mã số; công bố bản đồ thích ứng vùng trồng sâm, phát triển vùng trồng sâm cùng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sâm tại Lai Châu.

Đặc biệt sẽ có lễ ký kết hợp tác, biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội Sâm Lai Châu với UBND tỉnh Lai Châu; một số doanh nghiệp cam kết với UBND các huyện, thành phố nhằm phát triển sản xuất cũng như thương hiệu sâm Lai Châu.

Tỉnh Lai Châu lần đầu tiên tổ chức hội chợ giới thiệu một loài cây dược liệu quý như vàng, tốt như nhân sâm - Ảnh 1.

Sâm Lai Châu là loại cây thuốc rất quý hiếm về giá trị nguồn gen cũng như về giá trị sử dụng; được xếp hạng ở mức độ nguy cấp, đối tượng ưu tiên bảo tồn và phát triển ở Việt Nam hiện nay. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đi thăm và khảo sát vùng trồng Sâm Lai Châu trên địa bàn huyện Mường Tè. Ảnh: laichau.gov.vn.

Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fuscidiscus) hay còn gọi là Tam thất hoang Mường Tè, Tam thất đen (tên địa phương) là loài cây thuộc chi Nhân sâm (Panax L.), họ Ngũ gia bì (Araliaceae) có phân bố hẹp ở Lai Châu.

Sâm Lai Châu là loại cây thuốc rất quý hiếm về giá trị nguồn gen cũng như về giá trị sử dụng; được xếp hạng ở mức độ nguy cấp, đối tượng ưu tiên bảo tồn và phát triển ở Việt Nam hiện nay. 

 Cây sâm Lai Châu từ lâu đã được người dân bản địa sử dụng như là vị thuốc y học cổ truyền có tác dụng làm thuốc bổ và để điều trị một số bệnh như tụ máu thâm tím, chảy máu và đau cơ. Tất cả các bộ phận của cây đều được sử dụng để làm thuốc. Thân rễ thường được sử dụng làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh lực, chống stress. Lá và nụ hoa dùng làm trà uống kích thích tiêu hóa, an thần. 

Theo những tài liệu đã công bố tại Việt Nam, cây sâm Lai Châu mới chỉ phát hiện thấy duy nhất ở tỉnh Lai Châu. Sâm Lai Châu có phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung và lân cận (Mường Tè và Tây Sìn Hồ, giáp biên giới với Trung Quốc) và dãy núi Pu Sam Cáp nằm giữa các huyện Sìn Hồ và Tam Đường với Thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. 

Theo một số tài liệu nghiên cứu, sâm Lai Châu có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng gần giống với tác dụng của nhân sâm. 

Trong thân rễ sâm Lai Châu có saponin “MR2” chiếm tỉ lệ lớn, đặc trưng có trong sâm Ngọc Linh. Chính vì vậy, giá trị kinh tế trên thị trường của Sâm Lai Châu rất cao. Giá thu mua 01 kg sâm tươi trung bình 20 triệu đồng/kg, 01 kg sâm tươi 10 tuổi giá khoảng 50 triệu đồng, những lúc khan hiếm có thể lên tới 60-70 triệu đồng/kg.

Do có nhiều giá trị về dược liệu và kinh tế nên loài cây này đã bị khai thác tận diệt, có nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Để góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân, tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phục hồi sinh thái rừng thì việc nghiên cứu gây trồng, phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao thuộc họ nhân sâm là hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, góp phần bảo tồn loài dược liệu quý này tại Lai Châu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem