Việt Nam sẽ trồng 24.000ha một loài cây dược liệu quý như vàng ở những tỉnh nào?

K.Nguyên Thứ hai, ngày 31/10/2022 06:16 AM (GMT+7)
Phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao là một trong những mục tiêu được đưa ra tại dự thảo Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 vừa được Bộ NNPTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/10/2022 theo Tờ trình số 7212/TTr-BNN-TCLN.
Bình luận 0

Tiềm năng phát triển sâm của Việt Nam rất lớn

Tờ trình do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh ký nêu rõ, Việt Nam có nguồn cây dược liệu tự nhiên đa dạng và phong phú với khoảng 5.000 loài cây cho công dụng làm thuốc, được phân bố rộng khắp trên cả nước, tập trung nhiều nhất ở các quần thể rừng tự nhiên vùng núi cao … trong đó các loài sâm, đặc biệt là sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý, có nhiều tác như chống stress, chống trầm cảm, bồi bổ sức khỏe đặc biệt là có tác dụng phục hồi sự suy giảm chức năng; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. 

Sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung trong danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia.

Theo Bộ NNPTNT, hiện nay một số địa phương đã nuôi trồng, phát triển sâm, trong đó chủ yếu là sâm Ngọc Linh. 

Việt Nam sẽ trồng 24.000ha một loài cây dược liệu quý như vàng ở những tỉnh nào? - Ảnh 1.

Vườn sâm Ngọc Linh giống của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum được trồng tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). Ảnh: Báo Kon Tum.

Tính đến hết năm 2021, các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã trồng được hơn 7.670 ha sâm Ngọc Linh, một số doanh nghiệp đã sản xuất theo chuỗi từ gây trồng, thu hái, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển cây sâm, đặc biệt là sâm Ngọc Linh và sản phẩm từ sâm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh nên việc xây dựng "Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045" là rất cần thiết.

Theo Bộ NNPTNT, mục tiêu chung của chương trình là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y-dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng - an ninh. 

Bảo tồn nguồn gen sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng. 

Phát triển vùng nguyên liệu trồng Sâm Việt Nam tập trung tại các tỉnh có điều kiện sinh thái phù hợp lên khoảng 24.000 ha vào năm 2030; 100% diện tích trồng sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. 

Sản lượng khai thác sâm Việt Nam từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (tương đương diện tích khai thác 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương.

Nghiên cứu, chọn tạo các giống sâm Việt Nam có chất lượng

Trong tờ trình, Bộ NNPTNT cũng đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Theo đó, Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND các tỉnh trong phạm vi chương trình triển khai nghiên cứu, chọn, tạo giống sâm Việt Nam; trong đó tập trung vào sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu có năng suất, chất lượng cao, chống chịu với sâu và bệnh hại. 

Hình thành các cơ sở sản xuất giống hiện đại tại các địa phương trên cơ sở xác định cụ thể về quy mô diện tích vùng trồng sâm Việt Nam phù hợp, đảm bảo hiệu quả; trong đó ưu tiên tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu, đáp ứng yêu cầu ở quy mô sản xuất hàng hóa với khả năng cung ứng cây giống cho phát triển vùng nguyên liệu bình quân khoảng 2.000ha/năm. 

Mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu trồng sâm Việt Nam lên khoảng 24.000 ha vào năm 2030; 100% diện tích trồng sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Sản lượng khai thác sâm Việt Nam từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm.

Hoàn thiện các quy trình sản xuất giống và quy trình canh tác Sâm Việt Nam phục vụ gây trồng, phát triển vùng nguyên liệu ở quy mô sản xuất hàng hóa. 

Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, kiểm soát nguồn gốc giống sâm Việt Nam đảm bảo hợp pháp theo quy định hiện hành.

UBND các tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban Dân tộc đầu tư, phát triển các cơ sở chế biến sâm gắn với vùng nguyên liệu theo hướng hiện đại. 

Nghiên cứu, đầu tư trung tâm công nghiệp dược tại tỉnh Quảng Nam với sâm Việt Nam là cây chủ lực; phát triển, đa dạng hóa sản phẩm sâm Việt Nam theo chuỗi giá trị đạt khoảng 50-80 sản phẩm vào năm 2030; phát triển các kênh giới thiệu, phân phối sản phẩm ở trong và ngoài nước. 

Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sâm Việt Nam; đảm bảo các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; khuyến khích các tổ chức hình thành các phòng kiểm định nguồn gốc, chất lượng sâm Việt Nam tại các vùng trọng điểm nuôi trồng và chế biến sản phẩm sâm. 

Hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu và phát triển sản phẩm Sâm Việt Nam trong nước và quốc tế. Hình thành 3 trung tâm triển lãm giới thiệu các sản phẩm sâm Việt Nam gắn với phát triển làng du lịch cộng đồng thông qua tổ chức các lễ hội văn hóa Sâm hàng năm ở các cấp để quảng bá nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem