Tỉnh Nam Định hỗ trợ 2,5 tỷ đồng cho các chủ thể OCOP năm 2022
Tỉnh Nam Định hỗ trợ 2,5 tỷ đồng cho các chủ thể sản phẩm OCOP năm 2022
Mai Chiến
Thứ sáu, ngày 14/04/2023 06:29 AM (GMT+7)
Năm 2022, toàn tỉnh Nam Định có 65 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh là chủ thể của 91 sản phẩm OCOP được hỗ trợ tổng cộng 2,5 tỷ đồng, trong đó, 77 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao.
Nhằm thúc đẩy Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) phát triển, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu của các địa phương, UBND tỉnh Nam Định vừa quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP năm 2022 cho 65 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP năm 2022 là 2,5 tỷ đồng, được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2022.
Trong đó, tiền hỗ trợ chi phí bao bì, in tem là hơn 1 tỷ 883 triệu đồng; tiền thưởng sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao là 604 triệu đồng và hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu là gần 12 triệu đồng. Các sản phẩm OCOP đạt 3 sao thưởng 6,4 triệu đồng/sản phẩm; sản phẩm 4 sao được thưởng 8 triệu đồng/sản phẩm.
Toàn tỉnh có 65 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh là chủ thể của 91 sản phẩm OCOP năm 2022 được hỗ trợ; trong đó, có 77 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao.
Cụ thể, huyện Giao Thủy có 16 chủ thể với 29 sản phẩm OCOP được hỗ trợ hơn 797 triệu đồng; huyện Trực Ninh có 16 chủ thể với 18 sản phẩm được hỗ trợ hơn 495 triệu đồng; huyện Xuân Trường có 11 chủ thể với 17 sản phẩm được hỗ trợ hơn 462 triệu đồng.
Riêng huyện Trực Ninh, ngoài được thưởng, hỗ trợ kinh phí bao bì, in tem còn có 2 chủ thể được hỗ trợ chi phí đăng ký nhãn hiệu là hộ kinh doanh Vũ Thị Nhung và Công ty cổ phần Nông nghiệp VIAGRI.
Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh Nam Định có 329 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên (47 sản phẩm 4 sao, 282 sản phẩm 3 sao). Có 2 sản phẩm là nghêu thịt hộp Lenger của Công ty TNHH thuỷ sản Lenger Việt Nam (thành phố Nam Định) và gạo sạch chất lượng cao 888 của Công ty TNHH Toản Xuân (huyện Ý Yên) đang trình Bộ NN-PTNT đánh giá, nâng hạng sản phẩm OCOP 5 sao.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hữu - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định chia sẻ, chất lượng các sản phẩm OCOP năm 2022 được đánh tốt, hình thức bao bì sản phẩm đẹp, đảm bảo quy định, đặc trưng cho từng vùng miền.
Tiêu biểu như sản phẩm chế biến từ ngao của Công ty TNHH thủy sản Lenger Việt Nam, gạo sạch Quỳnh Thanh của Công ty TNHH Thanh Đoàn, Vải tơ tằm thủ công truyền thống Chất Silk của Hợp tác xã lụa Cổ Chất…
"Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ tỉnh đến cơ sở. Bởi, Chương trình OCOP được tỉnh Nam Định thực hiện song song với Chương trình MTQG về xây dựng NTM. Trong đó, Chương trình OCOP được coi là giải pháp quan trọng phát triển sản xuất và là tiêu chí bắt buộc trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh", ông Hữu cho hay.
Theo ông Hữu, năm 2023, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Đinh tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác triển khai, thực hiện Chương trình OCOP. Phấn đấu năm 2023 toàn tỉnh có ít nhất 50 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.
"Triển khai Chương trình OCOP cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt là vai trò của lãnh đạo cấp xã trong việc tuyên truyền phát triển các phương án sản xuất kinh doanh trên địa bàn đối với sản phẩm OCOP", ông Hữu nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.