“Tình nghệ sĩ” như...“lá đổ muôn chiều”

Thứ tư, ngày 13/06/2012 06:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) -Để “chơi cho lịch mới là chơi/ Chơi cho đài các cho người biết tay” (thơ Nguyễn Công Trứ) thì có lẽ chỉ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mới “xứng tầm” với Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.
Bình luận 0

Điều kiện thuận lợi để Đoàn Chuẩn có thể ăn chơi một cách lịch sự và đài các, chính ở chỗ: chàng là con nhà giàu. Sinh năm 1924 tại đảo Cát Hải (Hải Phòng), Đoàn Chuẩn là con trai của bà chủ hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng qua câu tục ngữ: “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”.

img
Đoàn Công Tử

Đẹp trai, con nhà giàu, tự lái xe hơi đi học ở trường Louis Pasteur. Dạo ấy việc một cậu ấm có xe hơi riêng đã… kinh rồi, thế mà “Đoàn công tử” có những… 6 chiếc - trong đó có 2 chiếc hiệu Ford Frégatte và Buick, sang hơn cả Thủ hiến Bắc kỳ.

Vậy nên chàng nổi tiếng không chỉ ở thành phố cảng Hải Phòng mà còn vang danh tận thủ đô Hà Nội, và là “đích ngắm” của nhiều cô gái thành thị… Ngoài cái thú chơi xe ô tô, Đoàn Chuẩn còn rất đam mê âm nhạc. Ông học đàn guitar (Tây ban cầm) với thầy Nguyễn Thiện Tơ, học guitar Hawaien (Hạ uy cầm) với William Chấn và học hòa âm với nhạc sĩ Tạ Phước…

Cưới vợ sớm nhưng vẫn phong tình

Tuy nhiên, “Đoàn công tử” lập gia đình khá sớm. Số là, học cùng lớp với Đoàn Chuẩn có cô Nguyễn Thị Xuyên, nàng tuy là con nhà nghèo nhưng rất đẹp, tính tình lại thùy mị, đằm thắm. Đoàn Chuẩn “chấm” cô này nhưng phớt lờ như chẳng hề để ý. Ở trường lớp là vậy, nhưng về nhà lại thúc giục mẹ “Đi hỏi cưới cô Xuyên cho con!” . Sau này, Đoàn Chuẩn phu nhân nhớ lại “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” như sau: “Cái anh chàng tẩm ngẩm, tầm ngầm ấy mà ghê thật!".

Nghe nhạc ông, lúc nào tôi cũng ngạc nhiên: “Sao ông tài thế ?”. Mỗi bài hát là kỷ niệm một mối tình đi qua đời ông. Đôi khi tôi cũng buồn vì ông viết tình ca tặng cho người phụ nữ khác.

Đoàn Chuẩn cưới vợ rồi… để đó, và lao vào cuộc sống phiêu lãng với âm nhạc, với những cuộc “tình nghệ sĩ” đầy chất lãng mạn đong đầy trong những lời ca, tiếng nhạc mà hầu như mỗi sáng tác của ông là để viết cho một mối tình…

Ca khúc đầu tay của Đoàn Chuẩn là Tình nghệ sĩ (1947): “Đây khách ly hương mấy mùa vàng ấm. Nơi quán cô đơn mơ qua trùng dương…”.

Bản nhạc này được cho là viết tặng người đẹp Mai Hương ở quán Thanh Hương, còn tác giả thì ghi chú trên bản nhạc “Viết tại hàng cà phê T.H nơi C.T và Đ.C đều chết mệt vì cô nàng…”.

img
Vợ chồng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - bà Nguyễn Thị Xuyên

Sáng tác thứ 2 của ông là ca khúc Đường về Việt Bắc (1948), đây là bản nhạc duy nhất ông làm tặng vợ mình khi kháng chiến chống Pháp nổ ra, ông vào Khu Bốn công tác, còn bà phải tản cư lên Việt Bắc. Nhớ vợ (và hình như có một chút hối hận), ông đã sáng tác bài này: “Chiều nào áo tím nhiều quá, lòng thấy rộn ràng, nhớ người...”.

Rất lâu sau này, bà tâm sự: “Ông ấy chỉ viết một bài cho tôi. “Chiều nay áo tím nhiều quá” là ông nhớ màu áo tím lụa Hà Đông tôi vẫn mặc thời còn đi học. Hồi đó ông chưa lơ mơ ai cả… Ông lãng mạn và đa tình lắm. Có vậy ông mới viết bài hát hay thế". (Tình thu ở lại - Nguyễn Quỳnh Hương, báo Phụ Nữ Xuân 2001).

Tán gái cỡ “Công tử Bạc Liêu” cô nào chẳng… “đổ”?!

Tương truyền “Đoàn công tử” cũng đã tạo được một giai thoại phong lưu và lãng mạn không kém gì bậc đàn anh “công tử Bạc Liêu” của miền Nam. Số là vào những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, Hà Nội đón một nữ ca sĩ nổi danh từ Sài Gòn ra biểu diễn ở Nhà Hát Lớn. Chàng và nàng gặp nhau cũng vì “tình nghệ sĩ”, để rồi khi nàng rời Hà Nội mang cả trái tim của chàng về theo.

Mặc cho “hoa đã có chủ” nhưng khi nàng về tới Sài Gòn thì sáng nào cũng có người của cửa hàng bán hoa đến gõ cửa nhà nàng với một bó hoa hồng lớn bọc trong giấy kiếng do một người vô danh đặt tặng. Ròng rã suốt 3 tháng như thế. Khi sự tò mò của nàng đã tột độ thì một bức thư với lời lẽ ân cần, nét chữ bay bướm, viết trên giấy pơ-luya xanh được gởi kèm theo bó hoa, cuối thư là chữ ký của Đoàn Chuẩn. Hóa ra tuy ở Hà Nội nhưng chàng đã gởi tiền vào Sài Gòn để nhờ cửa hàng hoa kia thực hiện “ý đồ”. Tán gái kiểu đó, cô nào mà chẳng…“đổ”!

Nhưng thực ra, Đoàn Chuẩn với người ca sĩ này đã từng “duyên nợ” từ trước. Nàng là con gái đầu lòng của một công chức hỏa xa. Kháng chiến bùng nổ, nàng mới ở tuổi dậy thì nhưng đã phải giúp mẹ đan áo len, đánh máy chữ để nuôi 5 người em (người cha lúc đó là Tự vệ thành đã rút ra Chợ Đại, sau đó ông chết trong chiến khu). Cô bé có một vẻ đẹp kiêu sa và giọng hát mê hồn.

Chính giọng hát này đã khiến Đoàn Chuẩn ngất ngây khi chứng kiến nàng đoạt giải nhất trong cuộc thi hát do đài Pháp Á tổ chức, và dù tuổi đã xấp xỉ “tam tuần” chàng vẫn quyết định tìm gặp nàng. Vậy là tài tử, giai nhân cứ quấn quýt lấy nhau.

Chàng giúp nàng học nhạc, giúp nàng hát phụ diễn trước mỗi suất chiếu phim ở các rạp hát Hà Nội, nàng đã hát rất hay những: Lá thư, Đường về Việt Bắc, Chuyển bến… Biết bao thanh niên Hà thành mê đắm nàng nhưng con tim non tơ ấy đã trao trọn cho chàng nghệ sĩ. Tuy nhiên, ông chú ruột của nàng đã… thọc “lưỡi dao” vào, chia cắt cuộc tình trắc trở này (chàng đã có vợ).

Đó là những tháng ngày đau đớn, cô đơn đến xót xa của Đoàn Chuẩn, và chàng đã sáng tác ca khúc Vàng phai mấy lá để tặng nàng (ca khúc này mãi đến gần 50 năm sau mới được công chúng “phát hiện”): “Lá thu bay về anh, như những cánh đời em.

Còn đâu cành hoa sim tím, dường như dệt gấm vàng son. Lòng anh chua xót, cánh hoa vì đời anh rả rời héo tàn úa vàng vùi sâu trong kiếp thời gian… Ai đốt Cô Tô thành vì đôi mắt giai nhân hề… Ai trót nhấp men tình để Mỵ Cơ thương nhớ, khi khóc rồi Tiểu Nhiên còn mơ…”. Đoàn Chuẩn đem “Vàng phai mấy lá” tặng nàng, nhưng trong đau đớn, tủi hờn vì ngang trái nàng đã xé bỏ bản nhạc. Do đó sau này Đoàn Chuẩn đổi tựa ca khúc này thành Bài ca bị xé, rồi… đổi nữa thành Vĩnh biệt (nhưng nhiều người vẫn thích gọi là Vàng phai mấy lá).

Sau năm 1954 và sự ra đời ca khúc Gửi người em gái miền Nam

Vì muốn chạy trốn mối tình vô vọng này, năm 1954 - chia đôi đất nước, nàng đã vào Nam và lập gia đình. Ở lại miền Bắc, Đoàn Chuẩn ngẩn ngơ như người mất hồn, và ông viết Gửi người em gái miền Nam - một ca khúc có mùa xuân, có tết duy nhất nằm trong "kính thưa các bản nhạc… mùa thu" của ông): "Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng.

Rừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng. Hà Nội chờ đón tết, hoa chen người đi, liễu rủ mà chi. Đêm tân xuân Hồ Gươm như say mê…. Chạnh lòng tôi nhớ tới người em…". Nàng trong mắt Đoàn Chuẩn thật lộng lẫy, kiêu sa: “Tôi có người em gái tuổi chớm dâng hương, mắt nồng rộn ý yêu thương. Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như dáng Kiều. Ôi, tình yêu… Em tôi đi màu son trên đôi môi. Khăn san bay lả lơi trên vai ai. Trời thắm gió trăng hiền. Hà Nội thêm dáng những nàng tiên…”.

Một điều đáng ngạc nhiên là khi vừa viết xong bài này, người viết lang thang trên mạng thì bắt gặp trên You Tube pps ACCEPTE MES FLEURS, với tiếng hát của nữ ca sĩ T.V, hình ảnh của Liên Như do Trần Năng Phùng vừa mới thực hiện. Ca sĩ T.V hiện nay đã… 80 tuổi, thế mà giọng hát của bà vẫn thật tuyệt vời qua một loạt các ca khúc: Thoi tơ (thơ Nguyễn Bính, nhạc Đức Quỳnh), Trở về dĩ vãng (Lâm Tuyền), Nỗi lòng (Nguyễn Văn Khánh), Bóng ngày qua (Hoàng Giác), Tống biệt (thơ Tản Đà, nhạc Võ Đức Thu)…Xin thử vào nghe xem!

Cũng cần nói thêm, khoảng từ năm 1957, nhạc Đoàn Chuẩn bị cấm hát ở miền Bắc, trong khi ở miền Nam thì công chúng được hát thoải mái nhạc của bất kỳ tác giả nào, miễn sao bài hát đó không dính đến chính trị. Riêng ca khúc trên được ngắt bớt 2 chữ “miền Nam” ở cái tựa, chỉ còn Gửi người em gái.

Đến thập niên 1990, nhạc Đoàn Chuẩn mới được phép hát lại trong phạm vi toàn quốc. Nhạc Đoàn Chuẩn và các nhạc sĩ cùng thời với ông thường mang hơi hướm phương Tây, nhưng ở Gửi người em gái tác giả đã hạ một câu lục bát rất “ngọt”: “Người đi cho dạ sao đành. Đường quen lối cũ, ân tình nghĩa xưa?”.

Nhiều người cho rằng, nàng của những giai thoại kể trên chính là ca sĩ T.V lừng danh một thời, hiện sống ở TP.HCM, người viết đã may mắn được gặp và mạo muội hỏi bà có phải là nhân vật chính trong giai thoại này. Bà cười, bảo: “Không phải đâu! Đó là ca sĩ M.L, bạn thân của tôi”.

Ca từ trong nhạc Đoàn Chuẩn hầu như có chung một quy ước, ở đó có mùa thu, có người thiếu nữ tô quầng mắt, nét son trên đôi môi, khép nép trong tà áo xanh, có đôi mắt như hồ thu, tóc thề xỏa trong gió… Tất cả đều như tranh Tố nữ. Tuy nhiên, có thể nói nhạc Đoàn Chuẩn chịu ảnh hưởng bởi lối trình tấu vuốt, lướt trên những cung quãng rộng của cây đàn Hạ uy cầm, và đó chính là cánh cửa để Đoàn Chuẩn đi vào thế giới nhạc blue.

Ghi chú bên lề bản nhạc cũng đầy bóng giai nhân

Viết xong một bản nhạc, đang khi còn dư âm cảm xúc, Đoàn Chuẩn thường viết vài dòng “ghi chú” trên bản nhạc để nhắc nhớ những kỷ niệm cho riêng mình, câu nào cũng thấp thoáng bóng giai nhân, có khi là những câu thơ, như:

“Để nhớ một kỷ niệm với V.P và M.L. Em ơi, lá có rơi ngoài muôn ngả/ Thì chung quy cũng về đất thân yêu/ Anh phong sương mưa nắng đã hoen nhiều/Đời nhạc sĩ có gì vui đâu em hỡi/Anh ra đi em cũng đừng chờ đợi/Mai anh về, kia nữa hoặc chẳng bao giờ” (ghi trên Chuyển bến), hay: “Viết tại 63 Lý Thường Kiệt và 46 Hàng Cót, Hà Nội (rạp Đại Đồng) cuối năm 1954, bước sang năm 1955. Không sao kìm nổi xúc động và nhớ vô cùng” (Lá đổ muôn chiều)…

Đã có rất nhiều người ngộ nhận dòng nhạc của Đoàn Chuẩn là “nhạc tiền chiến”. Thực ra, giai đoạn sáng tác chính ông (1948 - 1956) với khoảng 10 bài quen thuộc là ở trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau này ông có sáng tác thêm những ca khúc như: Tâm sự, Một gói nho khô, Cánh hoa Pensée, Phấn son, Mầu nắng có bao giờ phai đâu… nhưng không mấy phổ biến.

Nhiều người nói rằng, sở dĩ những bản nhạc sau này bị “mất chất Đoàn Chuẩn” bởi lúc này ông không có Từ Linh ở bên cạnh. Nghiệm ra cũng có lẽ đúng, bởi tất cả các ca khúc được sáng tác vào giai đoạn đầu (1947-1956) đều được ký tên chung Đoàn Chuẩn - Từ Linh, hoặc “nhạc: Đoàn Chuẩn, lời: Từ Linh. Vậy Từ Linh là ai?

Theo nhạc sĩ Phạm Duy thì Từ Linh là nhân viên thư ký của hãng nước mắm Vạn Vân, nhạc sĩ Trần Trịnh lại cho rằng đó là người tài xế riêng của Đoàn Chuẩn còn người viết biết được rằng Từ Linh tên thật là Hà Đình Thâu là em của một người bạn thân của Đoàn Chuẩn. Tuy nhiên, dù Từ Linh là ai thì vẫn chắc chắn đây là một “tri âm, tri kỷ” của Đoàn Chuẩn.

Một tình bạn son sắt, chung thủy cho đến lúc cả hai đều khuất bóng. Không ai biết Từ Linh đã đóng góp cụ thể như thế nào vào nhạc Đoàn Chuẩn nhưng chắc chắn là Từ Linh đã có đọc, có góp ý, và có thể đã sửa lời hoặc đặt lời cho ca khúc của Đoàn Chuẩn được thăng hoa hơn… Nhưng cũng có những ca khúc người ta dám chắc mười mươi là chỉ một mình Đoàn Chuẩn sáng tác nhưng vẫn được tác giả ký tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh một cách trân trọng.

Sau 1954, Từ Linh di cư vào Nam còn Đoàn Chuẩn vẫn neo mình ở căn nhà số 9 Cao Bá Quát - Hà Nội. Sau này, ở miền Nam in lại những ca khúc của cặp đôi này nhưng chỉ còn ghi tên Từ Linh (chúng tôi hiện đang giữ những bản nhạc chỉ ghi tên Từ Linh). Ngoài ra cũng có bản ghi tên đầy đủ cả hai.

Điều này cũng thông cảm được vì Đoàn Chuẩn đang sống tại miền Bắc khi hai miền còn chia cách, nên nhà xuất bản không muốn liên lụy. Từ Linh mất tại Sài Gòn năm 1992. Còn Đoàn Chuẩn cũng đã ra đi trong vòng tay của người vợ suốt đời chịu đựng cái tính hào hoa của ông vào ngày 15.11.2001.

Theo Dòng Đời
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem