Tình người đẹp của hai mảnh đời bất hạnh

Thứ hai, ngày 06/01/2014 07:56 AM (GMT+7)
Đó là một câu chuyện có thật, được viết nên bởi hai con người với hai thân phận, hai tuổi đời khác nhau. Nhưng cuộc đời của họ đã khiến bao người phải nể phục.
Bình luận 0
Hơn 40 năm qua, nơi xóm núi nghèo ấy có hai mảnh đời chịu nhiều thiệt thòi trước sự nghiệt ngã của cuộc đời vẫn nương tựa nhau sống với niềm vui và sự tin tưởng sẻ chia.

Phải khẳng định rằng đây không phải là chuyện tình yêu đôi lứa, mà đó là tình nghĩa cuối đời của con người, bởi sự chệnh lệch về tuổi tác khi ông hơn bà tới gần 30 tuổi. Họ gặp nhau và sống nương tựa vào nhau khi cả hai người đã phải nếm chịu những đau đớn của cuộc đời. Đó chính là ông Trần Văn Cầu (99 tuổi) và bà Nguyễn Thị Diệu (73 tuổi) ở xóm Đập Lồi (xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).
Bà lão thất thập và ông cụ trăm tuổi nương nhau sống gần nửa thế kỷ
Bà lão thất thập và ông cụ trăm tuổi nương nhau sống gần nửa thế kỷ

Hai mảnh đời vỡ

Gặp gỡ chúng tôi, ông Cầu kể, thời trai trẻ ông cũng là một người khôi ngô, khỏe mạnh có tiếng ở trong làng. Gia cảnh bần hàn nhưng ông tin với đôi tay mình có thể làm nên tất cả. Ngày ấy, sau một đêm ngủ dậy, ông bỗng dưng bị méo miệng, rồi một chân cứng đờ mất hết cảm giác, không còn có thể cử động được. Ông hoảng hốt và cố gắng luyện tập để có thể trở lại bình thường, nhưng chỉ được một phần mà thôi. Qua bao cuộc thăng trầm, ông dạt vào vùng quê này làm thuê kiếm sống.

Còn bà Nguyễn Thị Diệu, cuộc đời bà cũng là cả một nỗi chìm nổi đa đoan của phận mười hai bến nước. Sinh ra ở cửa Thuận An (Thừa Thiên-Huế), nhưng vì gia cảnh quá nghèo khổ nên mới hơn 10 tuổi bà đã phải đi ở cho người ta. Lớn lên, vốn cũng khá xinh xắn nhưng lại bị ông bà chủ nhăm nhe gả bừa cho đứa cháu bị dở người của họ. Cực chẳng đã, bà Diệu đã trốn đi trong một đêm mù mịt. Rồi may mắn xin được làm phụ hồ đi theo những đội làm công trình xây dựng ở khắp nơi. Đến năm 17 tuổi, bà đi lấy chồng.

Tám năm sau, chồng bà chết để lại cho bà hai đứa con, một trai, một gái. Rồi chiến tranh loạn lạc, thân gái dặm trường chẳng thể vừa mưu sinh vừa lo an toàn tính mạng cho con, bà buộc phải gửi hai đứa con cho người bác ruột. Bẵng đi nhiều năm lưu lạc, bà trở lại tìm con, đứa con gái của bà nay đã lập gia đình, nhìn dáng vẻ khắc khổ của bà cô đã lạnh nhạt quay đi nói: “Má về, sao không nói cho con lên trên đó đón để mua bộ quần áo khác cho má. Má mặc thế này đến rồi nhà chồng con họ khinh!”.

Chẳng có nỗi đau nào hơn nỗi đau bị đứa con rứt ruột đẻ ra chối bỏ. Bà nén cho những giọt nước mắt chảy vào trong rồi quay mặt đi tự nhủ với lòng rằng có lẽ cứ để gia đình chồng nó nghĩ rằng nó là đứa trẻ mồ côi có khi người ta còn quý hơn là có người mẹ nghèo khó như mình. Bà nghĩ tủi cho bản thân mình. Rồi chẳng lời từ biệt đứa con, bà bỏ đi từ đó.

Những năm sau hòa bình, bà theo chủ thầu đi làm công trình ở khắp nơi, rồi về thủy điện Đập Lồi làm công nhân. Cũng tại đây bà gặp ông Cầu. Mấy năm gắn bó với công trình, gắn bó với mảnh đất nghèo tiền gạo nhưng thấm đẫm tình người này nên những con người cùng khổ cũng cảm thông và quý mến nhau.

Những ngày nghỉ, công nhân ở gần về hết, chỉ còn có bà với ông Cầu ở lại lúi húi nấu cơm dưới chân núi. Ông Cầu lúc ấy cũng đã già, lại không gia đình, không con cái, bà cũng đã ở cái tuổi sấp ngửa toan về già, sống cô đơn một mình. Nhiều người ban đầu dòm ngó, gièm pha đủ điều nhưng hai ông bà vẫn mặc kệ. Bởi miệng lưỡi người đời đâu hiểu được sự việc.

Hai người cứ sống, cứ làm. Đến khi công trình thủy điện hoàn thành, công nhân chuyển qua nơi khác làm hết, hai ông bà xin tá túc lại dưới một căn lều, ngày ngày đi làm thuê nuôi nhau, nương tựa và sẻ chia cho nhau những khốn khó của cuộc sống.

Câu chuyện đẹp của tình người

Cuộc sống tha hương nay đây mai đó không còn phù hợp với hai người, khi cái tuổi già đã cận kề. Lúc ấy một người chủ đất thấy hai ông bà không có nơi đi về liền nói: “Đất đấy, hai người dựng tạm cái chòi mà ở cho qua ngày!”. Được sự giúp đỡ của mọi người, hai mảnh đời bất hạnh lúc này mới dựng nên một cái chòi che mưa che nắng, một chỗ để đi về sau những bão gió cuộc đời. Họ cứ nương vào nhau mà sống như anh em ruột thịt.

Cuối năm, sẵn có mảnh vườn nhỏ, hai ông bà ngày ngày cặm cụi cày cuốc, trồng cây để trang trải cuộc sống. Bà Diệu kể: “Mảnh đất này được người ta cho đấy, chứ chúng tôi nào có tiền mua! Ngay cả cái nhà này bà con quanh đây cũng thương tình làm giúp, chứ chúng tôi sức đâu mà làm!”. Bà lão thật thà cho biết, cách đây vài năm, khi thấy căn nhà xuống cấp mưa gió dột nát, lại phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn nên một nhà hảo tâm đã gửi bốn mươi triệu để ông bà sửa nhà đặng có chỗ tránh mưa nắng. Nhưng khi được chính quyền trao tiền, bà không nhận và bảo đem cho một gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Bà bảo mình già rồi, nay sống mai chết đó, biết đâu được. Bây giờ còn làm lụng được chưa đến mức phải ngửa tay xin ai, với lại cả cuộc đời chưa bao giờ biết đến số tiền lớn thế, tiêu sao đặng! Thế thì thà mình dành phần đó lại cho gia đình nào đó cần thiết hơn mình có phải hay không! Theo lời bà, và cũng theo ý kiến của nhà hảo tâm, chính quyền địa phương đã đem tặng số tiền đó cho một gia đình khác. Bà lại kể: “Mấy năm trước, xã bảo lên nhận hỗ trợ tiền điện 90.000 đồng nhưng tôi không dám nhận. Tôi không có dùng điện, nhận về tiêu hết đến lúc không có trả Nhà nước thì làm sao!”.

Rồi cũng có một cô gái, biết hoàn cảnh của ông bà đã đến bắc cho đường điện, mua cho cái quạt và một cái tivi. Nhưng cái tivi đó để cho nhện giăng bởi ông bà không dám mở vì sợ tốn điện.

Giờ đang là cuối năm, công việc làm thuê cũng ít nên hai ông bà lại dành thời gian chăm sóc mảnh vườn của mình với hy vọng có một cái tết đầm ấm. Hai ông bà có ba sào ruộng, nhưng gần chục năm nay ông Cầu già yếu không làm việc nặng được nên đem cho người ta cấy mướn mỗi năm lấy được 150kg thóc. Còn bà thì đi làm cỏ, đi lúa thuê. Những ngày không có ai thuê mướn bà lại đi khắp làng bán mấy mớ rau, trái đu đủ, nải chuối vườn, kiếm vài ngàn tiền lãi coi như đủ muối mắm.

Bây giờ, vẫn trong căn nhà khốn khó ấy, hai ông bà đều đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” với khuôn mặt phúc hậu. Gia tài chỉ là hai cái giường in dấu của thời gian, vài chiếc ghế nhựa đầy bụi trong góc nhà. Chắc lâu lắm rồi nhà ông bà cụ không có khách. Nhìn dáng đi của ông bà liêu xiêu trong gió, có cảm giác họ như hai ngọn đèn dầu, cứ leo lét trước nỗi lo cơm áo nhưng vẫn trân trọng những điều rất bình dị của đời thường.

Hơn bốn mươi năm qua, hai ông bà vẫn sống như thế, đùm bọc, sẻ chia và nương nhau sống cho qua kiếp người lầm lụi này. Chẳng mấy ai hiểu được những chặng đường đời đầy sóng gió mà hai người đã trải qua, nhưng quan trọng hơn, điều họ thấy vẫn là câu chuyện về tình người nương nhau sống giữa khốn khó trong trẻo đến lạ kỳ, không một chút toan tính vụ lợi, không một sự so bì, chỉ có tình người đẹp đẽ và nhân văn.
Minh Ngọc - Thu Uyên (Dòng Đời) (Minh Ngọc - Thu Uyên (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem