Chiều 7.3, chúng tôi tìm đến nhà lao động Đỗ Văn Thắng (xã Trung Tú, Ứng Hòa, Hà Nội) thì được biết anh vừa về đến nhà chưa đầy 1 tiếng đồng hồ.
Cùng nhau vượt hoạn nạn
|
Lao động Vương Văn Toản (bên phải) và lao động Đỗ Văn Thắng kể về những ngày ở Libya. |
Thắng gầy gò, yếu ớt, thi thoảng nói không ra hơi vì quá mệt mỏi. Những ngày tìm cách thoát khỏi Libya đã bào mòn gần hết sức lực của anh. "Phải đến khi nhìn thấy căn nhà của mình, nhìn thấy mẹ chạy ra ôm lấy tôi mà khóc, tôi mới dám tin chắc mình đã về đến nhà an toàn. Nếu không có những anh em cùng cuộc hành trình giúp đỡ, chắc giờ này tôi vẫn còn ở bên Libya mà không biết sống hay chết" - Thắng tâm sự.
Cũng theo anh Thắng, khi nhóm phản loạn xách súng và gậy vào đốt công xưởng ở Tripoli, anh em lao động mặc dù đều rất hoảng nhưng đã cùng nhau tập trung vào một căn lều rộng chứa vật liệu xây dựng để dễ dàng tương trợ lẫn nhau.
"Lúc đó cũng phải hơn 11 giờ đêm, lao động VN tập trung về lều rất đông. Thấy thiếu ai, mọi người lại nháo nhào đi tìm. Chỉ đến khi anh em có mặt đầy đủ, lành lặn, chúng tôi mới chia nhau đi tìm đồ ăn, nước uống. Bánh mì còn lại rất ít, chia ra 3 người mới được một mẩu bánh bé tẹo. Tôi cùng 2 lao động người Nghệ An khác chung nhau chiếc bánh mì. Thấy tôi quá gầy gò, yếu ớt, họ bẻ và chia cho tôi phần nhiều hơn" - Đỗ Văn Thắng hồi tưởng.
Cứ như thế, những ngày bạo loạn ấy, hàng trăm lao động VN nhường nhau từng mẩu bánh, ngụm nước. Những chiếc chăn ít ỏi được đưa ra đắp chung. Anh em ai có thứ gì đều chia sẻ cho nhau để chống chọi với đói, rét... Điện thoại người thì còn, người bị cướp, anh em phải mượn nhau để gọi về cho gia đình.
Chia ngọt sẻ bùi
Trưa 9.3, chuyến bay của Vietnam Airline đón hơn 300 lao động từ Tunisia sẽ về tới Sân bay quốc tế Nội Bài, đây là những lao động cuối cùng của VN rời khỏi khu vực tị nạn ở 5 nước giáp biên giới với Libya. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, vẫn còn hơn 1.000 lao động Việt Nam đang lênh đênh trên biển. Đây là số lao động di tản trên tàu HAMANASU, số hiệu No.636 của Hãng KOYO (Nhật Bản) do nhà thầu CONSTRUTORA QUEIROZ GALVAO S.A. (Brazil) thuê chạy từ Benghazi, Libya tới cảng Hải Phòng, Việt Nam. Dự kiến, ngày 21.3, con tàu này sẽ cập cảng.
Huyền Thanh
Sau gần 1 tuần cầm cự trong căn lều, các lao động VN (trong đó có anh Thắng) mới được xe đến đón ra bến cảng để đi tàu thủy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ngồi trên xe đi liền một mạch hơn 1.000km, ai nấy gần như lịm dần đi. Anh Thắng lúc đó quá kiệt sức đã ngất xỉu. Phải hơn 1 tiếng sau, những người khác lấy khăn ướt lau mặt cho, Thắng mới tỉnh lại.
Nhưng lúc đó anh gần như không thể ăn uống gì được, mọi người lại phải bẻ vụn những mẩu bánh mì để cho vào miệng Thắng, rồi cõng anh lên tàu thủy. Sang đến đất Thổ, nghỉ ngơi 2 ngày, Thắng mới hồi sức. "Vì ngất đi nên tôi cũng không biết những người đã giúp mình là ai để cảm ơn họ. Nhưng những lúc như thế, mới thấy được hết tình cảm của những người VN dành cho nhau khi xảy ra hoạn nạn" - anh Thắng ứa nước mắt, nhớ lại
Lao động Vương Văn Toản ở thôn Dũng Cảm (xã Trung Tú) cũng có những kỷ niệm không thể quên trong lúc xảy ra hoạn nạn ở Libya. Trong những câu nói pha nhiều sự xúc động, anh Toản kể lại: "Tôi chắc là người khỏe mạnh nhất trong những anh em vượt sa mạc đến sân bay. Cũng vì tự tin vào sức khỏe nên tôi đã không chuẩn bị chu đáo nước uống mang theo trên cuộc hành trình. Hành trình hơn 50km, nhưng chỉ mới chưa được 20km tôi đã hết sạch nước uống. Anh em còn lại thì cũng chỉ mỗi người còn một ít. Từng bước, từng bước, tôi lê giữa sa mạc nóng bỏng.
Mắt tôi cứ hoa dần và cuối cùng không chịu nổi, tôi khuỵu xuống. Sau đó tôi có cảm giác như được ai đó cõng trên vai. Đi được khoảng 2km, người này cũng không còn sức cõng tôi nữa. Lúc đó, dù mắt đã hoa nhưng tôi vẫn thấy nhiều người lấy chút nước ít ỏi và “quý hơn vàng” của họ góp lại, cũng được tầm 1/3 chai nước và đưa tôi uống. Sau khi uống nước độ 15 phút, tôi dần hồi sức và đứng dậy tiếp tục cuộc hành trình dài đang chờ đợi".
Cả lao động Đỗ Văn Thắng và Vương Văn Toản đều đã về nhà an toàn. Những ngày hãi hùng ở Libya có lẽ không bao giờ họ quên được. Và những tấm lòng họ nhận được trong những ngày gian khổ ở vùng loạn cũng sẽ là những mảng ký ức mãi vẹn nguyên trong họ.
Hoàng Đức Nhã
Vui lòng nhập nội dung bình luận.