Tình người nơi rốn lũ: Bao la tình người

Thứ ba, ngày 25/10/2011 10:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Diễn biến của cơn lũ năm nay bất thường khiến hàng nghìn hộ dân mất nhà, không nơi nương tựa. Đứng trước vô vàn khó khăn, chỉ có tình người mới có thể giúp bà con vùng lũ vượt qua nghịch cảnh.
Bình luận 0

Nghĩa tình vùng lũ

Khi con nước đổ về, anh Hồ Văn Côn - xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đã tự nguyện giao chiếc phà là “cần câu cơm” của gia đình cho chính quyền địa phương để vận chuyển cừ tràm, phương tiện cơ giới, lực lượng dân quân… gia cố đê bao.

img
Người dân xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng nhận hàng cứu trợ từ các Mạnh Thường Quân.

Không chỉ vậy, rạng sáng ngày 2.10, tại cống đê bao bờ Bắc của kênh Bắc Viện, phía chân đê bị rò rỉ nước do áp lực dòng chảy của lũ quá lớn, đê bao chống chọi không xuể, nước bị phá vỡ, anh Côn đã nhanh trí kêu gọi mọi người nhấn chìm chiếc phà trị giá gần trăm triệu đồng để chắn ngang ngăn dòng nước chảy xiết. Ở xã này, người dân còn đóng góp hơn 50.000 bao đựng đất, hàng nghìn cây cừ tràm chung tay cùng chính quyền địa phương gia cố đê bao vững chắc…

Còn tại huyện Chợ Mới, An Giang, trong lúc ứng cứu đê Lung Môn (xã Long Kiến), 156 hộ nông dân ở các ấp Long Bình (xã Long Kiến), ấp An Hưng và An Phú (xã An Thạnh Trung) đã tình nguyện hiến 13.216m2 đất lúa, hoa màu để dời cơ đê sâu vào trong khoảng 4m và hỗ trợ cây bạch đàn cho công tác gia cố đê.

Đỉnh lũ lên cao, nước trên sông Tiền chảy cuồn cuộn, chúng tôi vẫn quyết qua phà Tân Châu để lên bờ Hồng Ngự - Đồng Tháp. Qua ấp Trung, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tại các tổ nấu cơm từ thiện bếp lửa lúc nào cũng rực lửa. Anh Long - dân quân của xã, bộc bạch: “Tuy công việc đắp đê có mệt nhọc, nhưng nhờ tấm lòng của mấy cô chú ngày đêm tiếp tế lương thực, anh em tụi tôi cảm thấy ấm lòng”.

Tại chợ trung tâm xã Thường Thới Tiền các cô, các chị trong xã cũng nhộn nhịp nấu cơm nước phục vụ nhóm thanh niên gia cố đê bao. Bà Lê Thị Phượng ở tổ 3, xã Thường Thới Tiền, tuy tuổi đã ngoài 70, nhưng vẫn hăng say lo chuyện cơm nước. Lui cui chụm bếp lửa, bà Phượng chậm rãi nói: “Thấy tụi nhỏ đắp đê cực khổ trông tội nghiệp, tui gắng lo chuyện cơm nước cho chúng ăn có sức mà làm”.

Còn bà Nguyễn Thị Gan cho biết: Tổ nấu cơm tình nguyện của bà có đến 15 người, trên tinh thần tự nguyện, mỗi ngày nấu gần 300kg gạo phục vụ dân quân đắp đê. Trước nghĩa tình trên, nhiều Mạnh Thường Quân trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp, An Giang đã quyên góp được hàng tấn gạo, lương thực, đường, dầu ăn, cùng nhiều tấn rau, củ, quả để nấu cơm phục vụ cho lực lượng bảo vệ đê.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp cho biết: “Nhiều người còn đưa phương tiện cơ giới, đóng góp cừ tràm, hiến đất ruộng để tăng cường củng cố đê bao vững chắc. Tinh thần đóng góp sức người, sức của của người dân rất đáng trân trọng”.

Vượt hàng ngàn km đi cứu trợ

Khi chúng tôi đến xã Tân Thành A, tình cờ ngay thời điểm Tổ chức Cứu trợ trẻ em phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Đồng Tháp phát hàng cứu trợ cho bà con nơi đây. Chị Nguyễn Thị Oanh - ngụ ấp Tham Bua, xã Tân Thành A không giấu được nỗi niềm: “Do ảnh hưởng của lũ, nhà mình nước ngập lênh láng, trong nhà không còn một hạt gạo để ăn. Nhà lại có 2 con nhỏ đang tuổi đi học, tập sách đều bị nước lũ cuốn trôi mất sạch. Nay nhận được hàng cứu trợ mừng lắm. Gia đình tui biết ơn các nhà hảo tâm rất nhiều”.

Ông Võ Thành Công - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Ngoài lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ… nếu không có sự đồng thuận đóng góp sức người, sức của của toàn dân thì mức độ thiệt hại của con lũ năm nay ở địa phương sẽ tăng lên đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Gia - Trưởng ban Cứu trợ khẩn cấp và Phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai - Tổ chức Cứu trợ trẻ em cho biết: Cuộc sống của bà con vùng lũ hiện đang hết sức khó khăn, rất cần sự cứu trợ khẩn cấp, vì thế không quản đường xa chúng tôi vượt hàng nghìn km từ Hà Nội vào đây để chia sẻ với người dân vùng lũ.

Cũng theo ông Gia, trong đợt cứu trợ khẩn cấp này, đối tượng được xem xét cứu trợ là những nhà nghèo bị ảnh hưởng của lũ bởi ngập lụt; ưu tiên đối tượng phụ nữ mang thai; gia đình có nhiều trẻ em; những người tàn tật… hỗ trợ cho khoảng 15.000 người dân, trong đó gần 6.800 trẻ em được hưởng lợi. Tổng số tiền cứu trợ cho 2 địa phương An Giang và Đồng Tháp ước tính khoảng 3,8 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem