Tổ chức các cụm thi ở kỳ thi THPT quốc gia: Lo lãng phí, thiếu công bằng

Tùng Anh Thứ năm, ngày 11/09/2014 11:02 AM (GMT+7)
Tháng 6.2015, kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên sẽ chính thức được thực hiện. Sẽ có từ 20 - 30 cụm thi  với số lượng từ 30.000 - 40.000 thí sinh/cụm do các trường đại học (ĐH) phụ trách và rất nhiều cụm thi do Sở GDĐT địa phương tổ chức để phục vụ 2 nhóm đối tượng thí sinh khác nhau. Nhiều người bắt đầu lo ngại tính khả thi, công bằng, tiết kiệm và hiệu quả của cách làm này.
Bình luận 0

Cụm thi chỉ vài thí sinh?

Ngay sau khi Bộ GDĐT công bố phương án của kỳ thi quốc gia, nhiều giáo viên đã “thở dài” vì nghĩ đến cảnh vài chục cán bộ chỉ phục vụ một thí sinh như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ lại tái diễn.

Cô Nguyễn Thị Hằng – giáo viên THPT ở Yên Khánh (Ninh Bình) cho biết: “Hàng năm việc tổ chức tư vấn, phân luồng học sinh sau lớp 12 tại các trường phổ thông làm rất khó khăn, có rất nhiều học sinh lực học trung bình, yếu đã được tư vấn để đi học nghề nhưng vẫn gửi đến 3 – 4 hồ sơ đi thi ĐH…Cơ hội công nhận tốt nghiệp khi thi ở 2 loại cụm là như nhau trong khi học sinh rất dễ thay đổi ý kiến, các em sẽ chọn thi để xét ĐH cho chắc. Vì vậy, chắc chắn sẽ có nhiều cụm thi ở địa phương vắng bóng thí sinh”.

Em Lê Trung Kiên – học sinh lớp 12 Trường THPT Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cũng có suy nghĩ tương tự như cô giáo Hằng. Kiên chỉ có học lực trung bình, trước đây em dự kiến sẽ gửi hồ sơ vào trường nghề sau khi có kết quả xét tốt nghiệp, nhưng sau khi biết những thay đổi của kỳ thi chung Kiên cho biết sẽ thử thi để xét tuyển ĐH vì biết đâu sẽ có nhiều cơ hội vào trường ĐH...

“Nếu tái diễn tình trạng cả hội đồng thi phục vụ một thí sinh ở cụm thi của Sở GDĐT tổ chức thì thật rất tốn kém, năm trước rất nhiều giáo viên đã phải ngán ngẩm với cảnh này. Bộ nói là thí sinh thi ở địa phương sẽ không phải đi lại xa, nhưng nếu cả tỉnh mới có được vài trăm thí sinh chỉ thi với mục đích tốt nghiệp thì việc bố trí các em tới các cụm thi cũng phải đến 30 – 40km, cũng phải ăn, ngủ, nghỉ, trọ không khác gì thi ĐH” – thầy Nguyễn Văn Bình – giáo viên Trường THPT Nam Sách (Hải Dương) dự báo.

Trong khi đó, PGS - TS Lê Hữu Lập của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông thì lo ngại, sẽ có khoảng 30 hội đồng thi khổng lồ với số lượng 40.000 thí sinh/cụm cắm chốt tại nhiều địa phương chưa từng tổ chức cụm thi lớn như vậy, việc đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ, nhà trọ, sinh hoạt cho thí sinh sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với thi ở Hà Nội và các thành phố lớn.

Chất lượng có như nhau?

Phương án thi cụm theo 2 mục đích thi cũng khiến nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại về tính công bằng, chất lượng của việc công nhận tốt nghiệp ở các cụm thi sẽ khác nhau nếu làm không nghiêm.

TS Nguyễn Tấn Vui – Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên cho biết, đây là kỳ thi rất quan trọng với thí sinh, vì vậy nếu tổ chức trên cả nước mà chỗ này làm tốt chỗ kia không tốt là không công bằng với thí sinh. Dư luận cũng vẫn hoài nghi về việc tổ chức tại địa phương sẽ có tiêu cực, Bộ cũng đã tính đến điều này, vì vậy việc so sánh chất lượng giữa các cụm thi là điều không thể tránh khỏi.

Ông Lê Quốc Hạnh – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Hà Nội thì cho rằng: “Nếu Bộ giao toàn quyền cho các sở GDĐT ở các cụm thi địa phương thì đúng là sẽ có phân biệt đối xử. Chúng ta cũng thừa hiểu là các kỳ thi ở địa phương lâu nay vẫn có nhiều bất cập, vì vậy Bộ vẫn nên giám sát chặt như nhau để tạo công bằng”.

Trao đổi với phóng viên NTNN về những băn khoăn của giáo viên, học sinh và các trường, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GDĐT cho biết: “Theo quan điểm của Bộ thì kể cả việc thi cụm do trường tổ chức hay Sở tổ chức thì đều hướng tới đảm bảo sự nghiêm túc trong khuôn khổ một quy chế và một quy trình kỹ thuật tổ chức giống nhau chung trong cả nước”.

Cũng theo ông Trinh, Bộ cũng lường trước được những bất cập sẽ xảy ra. Biện pháp giải quyết là: Tăng cường thanh tra kiểm tra; xử lý nghiêm những vi phạm đối với giáo viên và học sinh vi phạm; dùng công nghệ thông tin để hỗ trợ việc đảm bảo tính nghiêm túc cho kỳ thi, sẽ có một phần mềm để quản trị dữ liệu của kỳ thi này, tăng cường bảo mật các thông tin... “Với giải pháp đồng bộ như thế Bộ sẽ cố gắng làm cho kỳ thi ở cấp địa phương diễn ra nghiêm túc và chúng ta hướng tới một mốc nào đấy sự nghiêm túc giữa cụm địa phương và cụm thi của trường ĐH chủ trì sẽ không còn có sự khác biệt nữa” – ông Trinh nói.

Ông Trần Mạnh Thành - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt:  “Kỳ thi THPT quốc gia nếu Bộ GDĐT giao cho các trường ĐH phối hợp các sở GDĐT, các ban ngành địa phương tổ chức được là rất tốt. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là sự phối hợp này như thế nào, phối hợp đến đâu và có chặt chẽ hay không, bởi nếu không chặt chẽ thì chắc chắn kết quả sẽ không chính xác. Khi các trường ĐH hoặc địa phương mà có quan niệm kỳ thi này không hoàn toàn của mình thì không làm hết trách nhiệm. Các trường sẽ nghi ngờ về kết quả của kỳ thi và sẽ phải tổ chức kỳ thi riêng của mình. Như vậy ý nghĩa của một kỳ thi chung là không còn”.
Quốc Hải (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem